Xét nghiệm ung thư gan và những sự thật bạn cần biết

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Lê Công Dần

Bác sĩ Xét nghiệm

Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu danh sách các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và nước ta cũng là quốc gia có tỷ lệ nam giới mắc ung thư gan cao thứ 3 thế giới. Bên cạnh việc chú ý thực hiện lối sống lành mạnh, chúng ta cần chủ động tầm soát sớm bệnh lý nguy hiểm này và thực hiện xét nghiệm ung thư gan là một trong những phương pháp sàng lọc được sử dụng nhiều nhất.

1. Có những phương pháp xét nghiệm ung thư gan nào?

Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát, sàng lọc ung thư gan phổ biến nhất là: 

Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm: AFP là một loại protein có nồng độ cao bất thường ở người trưởng thành mắc ung thư gan. Việc thực hiện xét nghiệm máu để tầm soát ung thư rất dễ thực hiện nên được áp dụng rất phổ biến. Ngoài ra, phương pháp này còn có tác dụng theo dõi tiến trình điều trị, kiểm tra khả năng di căn của bệnh trong cơ thể.

– Siêu âm gan: Phương pháp này có thể giúp phát hiện khối u trên 1cm nên được đánh giá khá cao về hiệu quả tầm soát ung thư. Bên cạnh đó, siêu âm gan còn có mức chi phí hợp lý và không có xâm lấn, không ảnh hưởng tới cơ thể. 

Trên phương diện kỹ thuật chẩn đoán, siêu âm được xếp vào danh mục chẩn đoán hình ảnh. Do đó, khi nhắc tới phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư gan phổ biến, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới phương pháp xét nghiệm máu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn có một phương pháp xét nghiệm kiểm tra ung thư gan ít phổ biến hơn, chính là sinh thiết gan.

Xét nghiệm ung thư gan là gì

Siêu âm và xét nghiệm chỉ số AFP là 2 phương pháp tầm soát ung thư gan phổ biến

2. So sánh 2 phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư gan 

Để tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm và sinh thiết trong tầm soát ung thư gan, chúng ta hãy cùng thử so sánh 2 phương pháp này nhé.

2.1. Tính chính xác của xét nghiệm ung thư gan

Độ nhạy trong chẩn đoán ung thư của AFP chỉ đạt khoảng 39 – 45%. Nồng độ AFP tăng cao trong máu có thể do một số bệnh lý như viêm gan, xơ gan hoặc các bệnh ung thư đường tiêu hóa, buồng trứng, tinh hoàn… Cũng có một số trường hợp bệnh nhân bị ung thư gan nhưng kết quả xét nghiệm lại không cho thấy chỉ số AFP tăng cao. Vì thế, có thể nói, xét nghiệm đo nồng độ AFP không phản ánh chính xác bản chất của ung thư.  

Trong khi đó, phương pháp sinh thiết luôn được đánh giá cao bởi tính chính xác trong chẩn đoán bệnh lý. Với mẫu bệnh phẩm được lấy trực tiếp từ mô gan, các bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm và quan sát rõ các tế bào trong mẫu mô bệnh phẩm. Xét nghiệm sinh thiết có thể phân biệt chính xác tế bào khối u, bản chất khối u lành tính hay ác tính, mức độ nghiêm trọng lây lan của bệnh.

2.2. Mức độ an toàn của phương pháp xét nghiệm ung thư gan

Phương pháp xét nghiệm máu được thực hiện rất đơn giản và nhanh chóng, hầu như không để lại cảm giác khó chịu cho người bệnh. Trừ trường hợp bệnh nhân là người mắc hội chứng sợ máu thì việc tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm sẽ có lưu ý riêng để đảm bảo tâm lý ổn định cho người bệnh. 

Phương pháp sinh thiết gan thường được thực hiện bằng việc chọc hút lấy mẫu mô nên cũng được đánh giá khá cao về mức độ an toàn. Lượng mô tế bào lấy ra khỏi cơ thể người bệnh rất nhỏ nên sẽ không gây nguy hại tới sức khỏe của người bệnh. 

Để đảm bảo an toàn, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm các xét nghiệm về khả năng đông máu, cầm máu trước khi sinh thiết. Quá trình thực hiện sinh thiết cũng diễn ra khá nhanh và với sự hỗ trợ của thuốc gây mê, người bệnh hầu như không có cảm giác đau khi bác sĩ thực hiện sinh thiết.

So với xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh thiết có tỷ lệ rủi ro cao hơn do mức độ can thiệp, xâm lấn sâu hơn. Dù tỷ lệ thấp nhưng sinh thiết vẫn có thể có thể kèm theo các biến chứng như: cảm giác đau tại vùng sinh thiết, hiện tượng xuất huyết, nhiễm trùng, tổn thương các bộ phận liền kề… 

Xét nghiệm ung thư gan ở đâu

Sinh thiết có tỷ lệ biến chứng cao hơn so với xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư

3. Các lưu ý khi thực hiện xét nghiệm để tầm soát ung thư gan

Với xét nghiệm máu để tầm soát ung thư gan, bạn không có lưu ý chuẩn bị đặc biệt nào. Tuy nhiên, nếu bạn đang mang thai, bạn cần thông báo với bác sĩ để có thêm căn cứ cho kết luận chẩn đoán bệnh. Trên thực tế, người làm xét nghiệm sàng lọc ung thư gan nên kết hợp với xét nghiệm chức năng gan bởi cả 2 xét nghiệm đều cùng sử dụng 1 mẫu bệnh phẩm. Nếu bạn đồng thời thực hiện thêm xét nghiệm đánh giá chức năng gan thì cần phải nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng, ngưng sử dụng thuốc và đồ uống có cồn trước khi thực hiện xét nghiệm.

Với kiểm tra sinh thiết, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ dẫn ngưng sử dụng 1 số loại thuốc ảnh hưởng tới khả năng đông máu, ví dụ như aspirin hay warfarin. Thời gian ngưng sử dụng thuốc thường là 1 tuần trước khi làm sinh thiết. Trước khi thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân không được uống rượu và phải nhịn ăn trong vòng 8 tiếng trước khi làm thủ thuật. Bên cạnh đó, việc sinh thiết có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh sau khi thực hiện thủ thuật. Vì vậy bạn nên đi cùng bạn bè hoặc người thân để được đưa về và chăm sóc sau khi thực hiện thủ thuật sinh thiết.

Ngoài ra, bạn nên chọn lựa cơ sở y tế uy tín để thực hiện thủ thuật an toàn và bảo đảm có kết quả kiểm tra chính xác, nhanh chóng.

giá xét nghiệm ung thư gan

Lựa chọn cơ sở y tế uy tín giúp đảm bảo quyền lợi của người bệnh

Ung thư gan là bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện sàng lọc sớm ung thư. Vì vậy, bạn hãy chủ động và duy trì thói quen khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital