Xét nghiệm là một trong những danh mục khám quan trọng và không thể thiếu trong quy trình tầm soát ung thư hiện nay. Đối với những người có dự định tầm soát ung thư thì vẫn còn vướng nhiều thắc mắc xoay quanh về hạng mục này. Liệu xét nghiệm tầm soát ung thư có chính xác và chẩn đoán ung thư được không? Hãy tìm câu trả lời tại bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của xét nghiệm tầm soát ung thư
Với khả năng nhận diện dấu ấn ung thư – các protein đặc biệt do ung thư sinh ra hoặc các hormon, xét nghiệm máu được đánh giá là kết quả hỗ trợ chẩn đoán đắc lực. Dựa vào đó, bác sĩ có thể nghi ngờ nguy cơ cao mắc ung thư và chỉ định các danh mục khám chuyên sâu để phân tích và đưa ra kết luận chính xác nhất. Điển hình như ung thư đại tràng CEA, ung thư buồng trứng CA 125. ung thư tụy 19-9,…
Bên cạnh đó, xét nghiệm máu cũng có thể tìm ra gene gây ung thư. Ví dụ như tìm thấy gene đột biến gây ung thư vú là BRCA1 và BRCA2.
Thông thường, xét nghiệm máu trong tầm soát ung thư sẽ dựa vào 2 thông số bao gồm: độ nhạy và độ đặc hiệu. Độ nhạy là khả năng phát hiện bệnh, còn độ đặc hiệu là khả năng xác định bệnh. Hai thông số này cần có sự dung hòa với nhau, nếu độ nhạy càng cao thì độ đặc hiệu phải trong giới hạn cho phép và ngược lại.
2. Những loại ung thư có thể phát hiện từ xét nghiệm
2.1. Xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là căn bệnh khởi nguồn từ ruột kết, trực tràng và manh tràng, gây ra bởi các tế bào bất thường có khả năng xâm lấn và lan rộng tới các bộ phận khác trong cơ thể. Được đánh giá là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất hiện nay, rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu và biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác.
Tầm soát ung thư đại tràng là phương pháp tốt nhất để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có hướng điều trị kịp thời. Trong đó, xét nghiệm máu trong phân và xét nghiệm máu CEA là rất quan trọng. Đối với xét nghiệm máu trong phân nhằm phát hiện và tìm máu ẩn trong phân – 1 dấu hiệu ngầm báo ung thư đại tràng hay polyp đại tràng.
CEA là chỉ số tầm soát ung thư đại tràng nổi bật trong xét nghiệm máu. Đây là kháng nguyên được tìm thấy ở nhiều tế bào khác nhau trong cơ thể, thường liên kết với các khối u nhất định và quá trình phát triển thai nhi. Ở người trưởng thành, nồng độ CEA duy trì ở mức bình thường là 0-5ng/ml. Nếu kết quả xét nghiệm vượt quá trị số này thì nguy cơ mắc ung thư đại tràng rất cao.
2.2. Ung thư gan
Ung thư gan có khả năng gây ra tỷ lệ tử vong cao thứ 3 thế giới. Cũng giống với ung thư đại tràng, ung thư gan có biểu hiện bệnh mơ hồ ở giai đoạn đầu nên dễ bị xem nhẹ, bỏ qua.
AFP là chỉ dấu ung thư trong xét nghiệm tầm soát ung thư tế bào gan nguyên phát. Đây là một loại protein có trong thai nhi và khi trưởng thành thì tỷ lệ AFP trong máu rất thấp, khoảng <10ng/ml. Nếu nồng độ vượt quá 20ng/ml thì là biểu hiện nghi ngờ mắc ung thư gan.
Ngoài ra, AFP-L3 cũng là chỉ dấu cần thiết, được sản xuất bởi các tế bào gan ác tính. Tỷ lệ AFP-L3 so với tổng nồng độ AFP bất thường cho thấy nguy cơ mắc bệnh cao.
2.3 Xét nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng
Có tới 70% người mắc ung thư buồng trứng có nồng độ CA 125 tăng cao trong máu. Do đó, đây là chỉ số xét nghiệm quan trọng trong việc bổ trợ chẩn đoán ung thư buồng trứng.
Với người bình thường, nồng độ CA 125 nằm trong mức 0-21 Ul/ml. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ vượt quá trị số này thì không loại khả năng mắc ung thư buồng trứng. Đặc biệt nếu trên 66Ul/ml thì tiên lượng u ác tính lên tới 90%.
3. Chỉ xét nghiệm để chẩn đoán ung thư có được không?
Nếu chỉ thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư thôi là không đủ bởi nhiều trường hợp kết quả xét nghiệm máu cho ra dương tính giả. Lý giải điều này là do máu có những chất tương đồng với khối u. Với một số loại ung thư chỉ xuất tiết vào trong máu một lượng rất ít, khi xét nghiệm nếu chỉ số chỉ điểm ung thư cao hơn một chút thì chỉ nên nghi ngờ chứ chưa thể hoàn toàn khẳng định. Ví dụ như chỉ số AFP tăng có thể xuất hiện ở một số đối tượng mắc bệnh lý viêm gan, phụ nữ có thai, u quái tinh hoàn. Do đó cần thực hiện thêm các phương thức tầm soát chuyên sâu như siêu âm gan, sinh thiết mới có thể kết luận có mắc ung thư gan hay không.
Ngoài ra, trường hợp âm tính giả cũng không thể bỏ qua. Tức là người bệnh có ung thư nhưng lại cho ra kết quả xét nghiệm máu bình thường. Do đó để không bỏ sót dấu hiệu bất thường của ung thư thì cần kết hợp thêm chụp CT, chụp MRI, nội soi, sinh thiết,…
Trên đây là lời giải thích rõ ràng nhất về việc xét nghiệm tầm soát ung thư thôi liệu có đủ mà nhiều người đang quan tâm. Bên cạnh kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ cần dựa thêm các kết quả chẩn đoán về mặt hình ảnh, khám lâm sàng và sinh thiết (nếu có) để đưa ra được chẩn đoán chính xác nhất cho người bệnh khi tầm soát ung thư. Hiện nay, tại nhiều bệnh viện đã xây dựng các gói tầm soát ung thư định kỳ với đầy đủ các danh mục cần thiết giúp phát hiện bệnh 1 cách toàn diện – chính xác. Vì vậy, người dân nên đăng ký các gói tầm soát ung thư tại cơ sở y tế uy tín nhằm đảm bảo được “bắt bệnh” nhanh chóng nhất.