Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm tai giữa mạn tính là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với đối tượng trẻ em. Đây có thể nói là một bệnh lý tương đối nguy hiểm bởi không chỉ làm giảm thính lực người bệnh, nếu như bệnh kéo dài còn có thể gây ra di chứng hoặc biến chứng ở não, thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong.

Chính vì vậy, mỗi người chúng ta nên trang bị những kiến thức về bệnh để phòng ngừa và điều trị từ sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Tai có ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong, tai giữa ngăn cách với tai ngoài bời màng nhĩ và có vòi nhĩ thông xuống họng hầu. Còn tai trong là hệ thống vòng bán khuyên và dây thần kinh nhĩ loa.

Với cấu trúc như vậy, tai giữa rất dễ bị viêm nhiễm bởi sự xâm lấn của vi trùng từ ống tai ngoài qua lỗ thủng màng nhĩ hoặc có thể là sự nhiễm trùng lan lên từ vùng mũi họng thông qua vòi nhĩ.

Với cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh, trẻ rất dễ bị viêm tai giữa mạn tính

Với cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh, trẻ rất dễ bị viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng chảy mủ ở tai diễn ra dai dẳng, kéo dài khoảng trên 12 tuần, kéo theo đó là các hậu quả như màng nhĩ bị thủng, phù nề niêm mạc trong tai giữa và xương chũm.

Cũng giống như viêm tai giữa, tác nhân chính gây bệnh đó là virus, vi khuẩn hay nấm. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân gây bệnh khác có thể bao gồm:

– Bị cảm lạnh nhưng không được điều trị đúng cách, vòi nhĩ bị tắc, không dẫn lưu dịch tiết trong hòm nhĩ xuống họng được khiến cho dịch nhầy bị ứng đọng trong tai giữa. Lúc này, vi khuẩn và vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào tai giữa gây biến chứng viêm

– Vòi nhĩ của trẻ em thường ngắn, hẹp và nằm ngang so với người lớn nên dễ bị viêm tai giữa hơn

– Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa như: Cấu trúc xương chũm thông nối, trẻ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu…

2. Triệu chứng điển hình của bệnh

Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai tai, ở giai đoạn đầu, trẻ thường bị chảy mủ tai từng đợt, mủ chảy ra nhầy, dính, không có mùi và cũng không ảnh hưởng nhiều đến thính lực.

Ở giai đoạn sau, tình trạng chảy mủ sẽ kéo dài liên tục, mủ cũng bị đặc lại và có màu xanh, hôi. Lúc này, sức nghe của trẻ bắt đầu giảm dần đồng thời có biểu hiện đau âm ỉ ở trong đầu hay bị nặng đầu ở phía bên tai bị bệnh.

Một trong những triệu chứng điển hình của bệnh là chảy mủ, ở giai đoạn về sau tình trạng chảy mủ sẽ kéo dài liên tục

Một trong những triệu chứng điển hình của bệnh là chảy mủ, ở giai đoạn về sau tình trạng chảy mủ sẽ kéo dài liên tục

Đến giai đoạn muộn, toàn bộ đường dẫn truyền bị tổn thương khiến thính lực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ không chỉ phải đối mặt với những cơn đau tai đến theo từng đợt dữ dội mà còn có nguy cơ bị chậm phát triển ngôn ngữ hoặc nói kém. Ngoài ra, điểm đau nằm sâu trong tai và lan ra vùng xương chũm hoặc vùng thái dương gây nên cảm giác nhức đầu, ù tai và chóng mặt.

Nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng này kéo dài, viêm tai giữa mạn tính có thể sẽ gây ra một số biến chứng như:

– Khiếm thính hoàn toàn ở bên tai bị tổn thương, lỗ thủng ở màng nhĩ vĩnh viễn không lành

– Khi tình trạng viêm nhiễm lan rộng, các cơ quan lân cận cũng có thể bị ảnh hưởng gây ra một số hệ quả như: Viêm xương chũm, viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não… thậm chí có thể đe dọa tới tính mạng

Bên cạnh những triệu chứng đã được liệt kê ở trên, phụ huynh nên để ý một số biểu hiện ở trẻ sơ sinh như quấy khóc hơn bình thường, đặc biệt là khi nằm, nguyên do là dịch gây áp lực lên tai. Mặt khác, ở nhiều trường hợp, bé cũng có thể thay đổi thói quen ăn và ngủ.

3. Các phương pháp điều trị

Mục đích của việc điều trị viêm tai giữa thể mạn tính là để kiểm soát nhiễm trùng, đồng thời loại bỏ dịch tiết ứ đọng trong tai giữa nhằm phục hồi chức năng nghe.

Tùy thuộc vào từng trường hợp và tình trạng bệnh sẽ được điều trị bằng phương pháp khác nhau, bố mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ hoặc các chuyên gia để có phương án điều trị phù hợp.

Ở trường hợp viêm tai giữa chưa bị nhiễm trùng, trẻ có thể được điều trị tại chỗ bằng phương pháp sử dụng thuốc kết hợp với vệ sinh tai. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm. Lúc này, bố mẹ nên tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ, tránh việc tự ý sử dụng hoặc thêm bớt liều lượng lại gây ra những tác dụng phụ làm bệnh ngày một nặng thêm. Ngoài ra, bố mẹ cần bảo đảm ống tai của trẻ luôn phải thoáng và sạch, tốt hơn hết bố mẹ nên sử dụng nước muối hoặc thuốc nhỏ tai để vệ sinh tai cho trẻ.

Ngược lại, ở một số trường hợp nhiễm trùng khó kiểm soát thì cần phải can thiệp bằng các phương pháp phẫu thuật, dẫn lưu.

4. Các biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa thể mạn tính

Trên thực tế, viêm tai giữa mạn tính đang ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ em. Việc chủ động phòng ngừa viêm tai giữa thể mạn tính là vô cùng cần thiết ngay lúc này. Phụ huynh có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa như sau:

– Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ

– Khuyến khích trẻ bú sữa mẹ bởi sữa mẹ có chứa đề kháng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh. Lưu ý nếu cho trẻ bú bình thì cần giữ trẻ ngồi thẳng, tránh cho trẻ bú khi đang nằm

– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho trẻ

– Để trẻ tránh xa những môi trường ô nhiễm có khói bụi, khói thuốc lá…

Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc là địa chỉ khám chữa được nhiều bệnh nhân tin tưởng

Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc là địa chỉ khám chữa được nhiều bệnh nhân tin tưởng

Lưu ý nếu trẻ đã bị viêm tai giữa thể mạn tính thì phải được điều trị đúng chuyên khoa, đồng thời phải theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng để được giải quyết bệnh kịp thời. Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc là một trong những địa chỉ khám bệnh tai-mũi-họng uy tín nhất với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành cùng hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital