Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em là hiện tượng viêm nhiễm bên trong khoang tai giữa. Căn bệnh này cần được điều trị sớm để trẻ mau chóng khỏi dứt điểm vì nếu không có thể chuyển sang thể viêm tai giữa mạn tính.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em
Đây là hiện tượng viêm cấp tính ở trong khoang tai giữa, có đợt bùng phát ngắn và nhanh với dấu hiệu điển hình là nhiễm trùng kèm dịch trong tai giữa. Căn bệnh này thường gặp ở trẻ em và tiến triển trong khoảng 2 – 3 tuần với những biểu hiện tiêu biểu của quá trình viêm cấp tính.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em
– Vòi nhĩ nối giữa tai và mũi họng của trẻ em ngắn, ít dốc hơn so với người lớn nên viêm nhiễm ở mũi họng dễ lây lan lên tai. Sự viêm nhiễm này có thể gây ra do những căn bệnh nhiễm trùng toàn thân như sởi, cúm,…
– Sức đề kháng của trẻ em còn yếu nên rất dễ bị viêm mũi họng, đặc biệt là hay bị nôn trớ, viêm VA, dịch dạ dày và thức ăn dễ trào vào vòi nhĩ. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm tai giữa hình thành và phát triển.
– Niêm mạc tai giữa của trẻ em rất nhạy cảm và dễ kích ứng nên có thể bị tăng tiết dịch, phù nề gây ra bệnh viêm tai giữa.
3. Những mức độ của bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em
– Viêm tai giữa xuất tiết có triệu chứng kín đáo và nhiều khi tình cờ đi khám Tai mũi họng mới phát hiện ra.
– Viêm tai giữa sung huyết có triệu chứng điển hình là sốt và đau tai.
– Viêm tai giữa mủ có triệu chứng nổi bật là dịch chảy mủ trong khoang tai giữa.
– Viêm tai giữa vỡ mủ khi khám sẽ thấy màng nhĩ của trẻ bị thủng.
4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em
Viêm tai giữa thể cấp tính ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi trẻ xuất hiện những biểu hiện kể trên, bố mẹ cần phải nhanh chóng đưa con đi khám Tai mũi họng. Đặc biệt là khi trẻ xuất hiện dấu hiệu đau tai, chảy dịch tai.
Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là:
– Gây ứ dịch, ứ mủ bên trong hòm nhĩ, thủng màng nhĩ và hủy những xương con. Điều này khiến trẻ nghe kém đi kéo theo chậm nói và rối loạn ngôn ngữ.
– Hiện tượng nhiễm trùng nặng cũng dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, viêm màng não, liệt dây thần kinh mặt,…
5. Cách điều trị hiệu quả bệnh viêm tai giữa thể cấp tính ở trẻ em
Tùy từng giai đoạn của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em mà phương pháp điều trị bác sĩ đưa ra cũng sẽ có sự khác nhau. Cụ thể như sau:
– Giai đoạn sung huyết: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ. Vì vi khuẩn gây ra bệnh viêm tai giữa ở trẻ chủ yếu là phế cầu, Hemophilus Influenza, liên cầu,… Do đó, bác sĩ sẽ kê cho trẻ một số loại thuốc chống viêm, hạ sốt, chống phù nề, giảm đau,…
– Giai đoạn ứ mủ: Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện phương pháp trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ cho trẻ. Đồng thời, kê cho bé một số loại thuốc điều trị như trong giai đoạn sung huyết.
– Giai đoạn vỡ mủ: Đến thời kỳ này, dịch mủ ứ đọng bên trong tai giữa của trẻ sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ chảy ra bên ngoài qua ống tai ngoài. Do đó, màng nhĩ của trẻ sẽ bị thủng. Vì vậy, bác sĩ thường sẽ áp dụng phương pháp đặt ống thông nhĩ (Diablo) cho trẻ trong giai đoạn này.
Bố mẹ nên nhớ rõ một điều rằng, việc điều trị bệnh viêm tai giữa cho trẻ em cần phải có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng. Tuyệt đối không được tự ý cho con dùng thuốc khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Vì có thể để lại những di chứng do tai biến nguy hiểm của thuốc gây ra chẳng hạn như điếc không hồi phục. Nguyên nhân là bởi trong thành phần của thuốc có thể gây ngộ độc ốc tai.
6. Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
– Tuyệt đối không được xì mũi cho trẻ bằng cách bịt cả hai lỗ mũi cùng lúc. Thay vào đó, bố mẹ chỉ bịt 1 bên và để hở bên còn lại cho dịch thoát ra bên ngoài.
– Không được cho trẻ bơi lội khi con bị viêm xoang, viêm mũi. Bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện để điều trị viêm mũi và viêm xoang càng sớm càng tốt.
– Với những trẻ hay bị viêm tai giữa tái phát, bố mẹ nên cân nhắc nạo VA và cắt amidan cho con.
– Với những trẻ bị cúm, sởi, thương hàn, bố mẹ phải đưa con đi khám màng nhĩ thường xuyên.
Qua bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng bố mẹ đã có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em. Ngay khi trẻ xuất hiện dấu hiệu bị bệnh, bố mẹ phải nhanh chóng đưa con đi khám bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp nhất.