Viêm phế quản ở trẻ bao lâu thì khỏi?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm phế quản ở trẻ em là bệnh hô hấp thường gặp, nhất là vào các thời điểm giao mùa. Vậy viêm phế quản ở trẻ bao lâu thì khỏi và cần chăm sóc, điều trị như thế nào khi trẻ viêm phế quản? Cùng tham khảo những thông tin cần thiết sau đây.

1. Bệnh viêm phế quản ở trẻ

Viêm phế quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ

Viêm phế quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ

Viêm phế quản là tình trạng tổn thương ở vùng niêm mạc của phế quản với những triệu chứng đặc trưng như:

– Niêm mạc phế quản phù nề, có các vùng tấy đỏ.

– Gây ra cảm giác ngứa, đau rát và thường kéo theo những cơn ho liên tục. Các cơn ho có xu hướng nhiều hơn khi người bệnh chuyển tư thế nằm.

– Gây ra tình trạng tức ngực, khó thở cho trẻ.

– Một số trẻ có biểu hiện sốt nhẹ đến sốt cao.

– Xuất hiện tình trạng mủ khi viêm tiến triển nặng.

Viêm phế quản gây không ít phiền toái cho người bệnh, đặc biệt với trẻ nhỏ, viêm phế quản khiến trẻ khó chịu, quấy khóc và bỏ bú mẹ, bỏ ăn.

Ở trẻ em, bệnh lý viêm phế quản thường xuất hiện nhất là khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào thời điểm giao mùa. Với trẻ dưới 24 tháng tuổi, hệ thống miễn dịch yếu là đối tượng trẻ em dễ mắc viêm phế quản nhất. Ngoài ra, trẻ còn dễ bị mắc viêm phế quản khi:

– Sử dụng thường xuyên các đồ uống lạnh, nhất là vào thời điểm mùa hè.

– Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: bụi bặm, khí thải độc hại,…

-Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá từ những người xung quanh.

2. Viêm phế quản ở trẻ bao lâu thì khỏi?

Viêm phế quản ở trẻ bao lâu thì khỏi phụ thuộc vào mức độ mắc bệnh, đề kháng và nhiều yếu tố khác

Viêm phế quản ở trẻ bao lâu thì khỏi phụ thuộc vào mức độ mắc bệnh, đề kháng và nhiều yếu tố khác

Viêm phế quản ở trẻ kéo dài bao lâu là điều mà nhiều cha mẹ quan tâm khi trẻ không may mắc phải bệnh lý này. Thời gian điều trị khỏi hoàn toàn tình trạng viêm phế quản còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tổn thương, cơ địa của trẻ và số lần tái mắc của trẻ.

Về cơ bản, có hai dạng viêm phế quản là viêm mạn tính và viêm cấp tính.

2.1. Viêm phế quản cấp tính

Tình trạng viêm cấp tính thường xảy ra nhanh, thường do sự tấn công trực tiếp của các loại virus, vi khuẩn mà trước đó trẻ chưa bao giờ mắc phải. Viêm phế quản cấp tính ở trẻ em phần lớn là hệ quả sau khi trẻ bị cảm lạnh, viêm họng thông thường, điển hình với các triệu chứng ho khan, mũi có dịch nhầy, xuất hiện đờm ở cổ.

Viêm phế quản cấp ở trẻ thường diễn ra từ 7 – 10 ngày nếu được điều trị tích cực và đúng cách.

Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và vì lý do nào đó làm gia tăng các yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây hại thì hệ hô hấp của trẻ sẽ bị tấn công nghiêm trọng, gây ra tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu,…

2.2. Viêm phế quản mạn tính

Viêm phế quản mạn tính nói chung là hệ quả của các đợt viêm phế quản cấp tính không được điều trị dứt điểm gây tái phát nhiều lần.

Ở trẻ em Việt Nam hiện nay, một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng tình trạng viêm phế quản mạn tính ở trẻ chính là từ thói quen tự ý sử dụng thuốc kháng sinh điều trị cho trẻ. Cha mẹ khi thấy con bị ốm thường tự điều trị bằng các đơn thuốc tự kê mà không qua thăm khám vô hình chung khiến trẻ bị quá liều gây nên tình trạng kháng thuốc hoặc điều trị chưa triệt để, chỉ dừng lại ở tình trạng giảm triệu chứng và để tự khỏi gây nên thương tổn kéo dài.

Viêm phế quản mạn tính ở trẻ khiến cho phế quản có những tổn thương niêm mạc nghiêm trọng. Quá trình điều trị cũng kéo dài và khó khăn hơn rất nhiều. Các cơn viêm phế quản cấp tái phát trong từng đợt có xu hướng nặng hơn nếu tiếp tục không được điều trị dứt điểm.

Viêm phế quản mạn tính ngoài những biến chứng như các đợt viêm phế quản cấp, về lâu dài còn chuyển biến những biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn phổi mạn tính, đe dọa tính mạng của trẻ.

Viêm phế quản không được điều trị kịp thời đều đe dọa trực tiếp tính mạng của trẻ

Viêm phế quản không được điều trị kịp thời đều đe dọa trực tiếp tính mạng của trẻ

3. Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản đúng cách

Chăm sóc trẻ viêm phế quản cần đặc biệt chú ý tới các triệu chứng của trẻ. Cách tốt nhất, cha mẹ nên đưa trẻ tới thăm khám sớm ngay từ khi có các dấu hiệu ban đầu để có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

Trong trường hợp trẻ được chỉ định điều trị bằng thuốc tại nhà nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc xuất hiện một trong những triệu chứng dưới đây cần nhanh chóng đưa trẻ nhập viện:

– Các cơn ho kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn.

– Trẻ bị sốt cao hơn 39 độ C và không có dấu hiệu giảm bớt cả khi đã sử dụng thuốc hạ sốt.

– Trẻ khó thở, xuất hiện các cơn thở rít hoặc có dấu hiệu ho ra máu.

– Trẻ mệt mỏi quá mức hoặc có biểu hiện lo lắng hay kích động.

– Quan sát mũi, miệng, móng tay có tình trạng chuyển xanh xao hoặc xám.

– Khô môi, mất nước kéo dài.

Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ, ba mẹ cần lưu ý:

– Bổ sung nước đầy đủ cho trẻ. Luôn cung cấp đủ nước cho trẻ. Việc cho trẻ uống đủ nước sẽ hạn chế tình trạng mất nước ở trẻ. Ngoài ra, điều này còn giúp cho phế quản được giãn ra, giảm tình trạng tắc nghẽn ở phế quản, đồng thời giúp đờm long khỏi phế quản và bị đẩy ra ngoài dễ hơn.

– Giúp trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn bằng cách tạo môi trường ẩm bằng các thiết bị tạo ẩm hợp vệ sinh để giúp trẻ dễ thở hơn, phòng nghỉ thông thoáng và có nhiệt độ phù hợp. Ngoài ra, ba mẹ có thể kê đầu của bé bằng một gối vừa phải để trẻ thở dễ hơn.

– Luôn bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp sức để kháng tự nhiên của trẻ được tăng thêm. Khi trẻ khó chịu, bỏ ăn, hãy tìm cách để duy trì lượng ăn uống bình thường của trẻ bằng các thức ăn trẻ yêu thích,….  với trẻ sơ sinh cần duy trì cho trẻ bú đầy đủ.

– Hướng dẫn trẻ súc miệng và vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý (nếu có thể).

Ngoài ra, hãy ghi nhớ luôn tuân thủ theo kê đơn của bác sĩ và hãy cập nhật tình hình của bé liên tục tới bác sĩ nhé!

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital