Menu xem nhanh:
Tại sao sỏi tiết niệu lại gây viêm đường tiết niệu?
Có khoảng 60% các trường hợp sỏi tiết niệu (sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo) bị viêm đường tiết niệu. Sỏi gây viêm đường tiết niệu do một số nguyên nhân sau:
Do sỏi chứa nhiều vi khuẩn
Sỏi tiết niệu thực chất là các khoáng chất có trong nước tiểu lắng đọng, kết tinh tại hệ tiết niệu lâu ngày tạo thành. Hơn nữa, những viên sỏi trong đường tiết niệu lại là nơi khu trú của nhiều vi khuẩn và gây ra viêm nhiễm đường tiết niệu.
Do sỏi di chuyển
Khi sỏi di chuyển, chúng cọ xát làm tổn thương niêm mạc đường tiết niệu ở nhiều vị trí dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
Những dấu hiệu của viêm đường tiết niệu do sỏi tiết niệu
Viêm đường tiết niệu do sỏi thường có những dấu hiệu sau:
– Sốt kèm rét run, có thể sốt cao khi bị viêm đường tiết niệu cấp.
– Đau khi đi tiểu: Viêm đường tiết niệu do sỏi gây ra những cơn đau khi đi tiểu, tiểu buốt, mức độ đau có thể nhiều hơn cơn đau do sỏi tiết niệu, tiểu khó, tiểu ngắt quãng…
– Nước tiểu có nhiều bất thường: Nước tiểu đục (tiểu mủ do viêm), tiểu máu thường xuất hiện kèm các cơn đau quặn, đau dữ dội.
Viêm đường tiết niệu do sỏi tiết niệu điều trị như thế nào?
Sỏi tiết niệu nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tình trạng bệnh nhanh chóng thuyên giảm và có thể khỏi hẳn. Tuy nhiên phát hiện muộn hoặc không tuân theo điều trị của bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng viêm nặng, trở thành mạn tính, gây nhiều biến chứng như teo thận, suy thận…
Điều trị những triệu chứng viêm nhiễm
Viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn thì cần phải dùng kháng sinh để điều trị tình trạng viêm, nhiễm, tuy nhiên việc dùng kháng sinh gì và dùng như thế nào bạn cần phải thăm khám và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Trong quá trình điều trị cần uống đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian, không được bỏ thuốc giữa chừng để tránh làm tăng nguy cơ kháng thuốc, khi có dấu hiệu viêm đường tiết niệu cần đến bệnh viện để khám và dùng thuốc theo đơn, không được tự ý mua thuốc để uống.
Điều trị sỏi tiết niệu
Viêm đường tiết niệu do sỏi muốn điều trị dứt điểm cần loại bỏ sỏi sớm, tránh để tình trạng viêm tái lại nhiều lần. Tùy vào kích thước, vị trí sỏi tiết niệu mà các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị kịp thời.
– Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ không mổ với sỏi thận < 2cm, sỏi niệu quản 1/3 trên và <1,5cm.
– Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser: Phương pháp áp dụng đối với sỏi thận > 2cm, sỏi dạng san hô, sỏi niệu quản 1/3 trên và > 1,5cm.
– Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser: Đối với sỏi thận mọi vị trí, mọi kích thước.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: Áp dụng đối với sỏi niệu quản 1/3 giữa và 1/3 dưới, sỏi bàng quang > 1cm và < 1cm nhưng không thể thoát ra ngoài đường tiểu.
Để sỏi tiết niệu và viêm đường tiết niệu được điều trị triệt để, tránh tình trạng bệnh tái phát thì người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học, điều độ, uống đủ 2,5 -3 lít nước/ngày, vệ sinh đường tiểu sạch sẽ, rèn luyện sức khỏe thường xuyên để hỗ trợ điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.