Viêm đường tiết niệu nặng: nguyên nhân, triệu chứng

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Viêm đường tiết niệu nặng là tình trạng bệnh đã ở mức nghiêm trọng, đã bắt đầu có những biến chứng đe dọa đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, khả năng sinh sản của người bệnh. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến hiện nay, dễ điều trị nhưng cũng rất dễ tái phát.

1. Bệnh viêm đường tiết niệu nặng

Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở hệ tiết niệu do các vi khuẩn, vi nấm xâm nhập, tấn công và gây nhiễm trùng. Sự viêm nhiễm này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào thuộc hệ tiết niệu, bao gồm: niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận.

Trong phần lớn các trường hợp, nhiễm trùng đường tiết niệu chủ yếu diễn ra ở niệu đạo và bàng quang. Nếu bệnh không được can thiệp và chữa trị đúng cách sẽ chuyển sang giai đoạn nặng. Viêm đường tiết niệu nặng khiến các triệu chứng xuất hiện với cường độ mạnh hơn và bệnh rất dễ tái phát nhiều lần. Nguy hiểm hơn, sự viêm nhiễm này có thể lan ngược dòng đến niệu quản và thận và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm đường tiết niệu nặng cần phải được can thiệp và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm

Viêm đường tiết niệu nặng cần phải được can thiệp và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm

2. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu

Bản chất của nước tiểu là vô trùng – không có vi khuẩn. Hơn nữa, dòng nước tiểu đi một chiều và đi ra ngoài giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang. Tuy nhiên, có một số loại vi khuẩn đặc biệt có thể bám vào và xâm thực tại niêm mạc của bàng quang. E.coli là vi khuẩn gây ra đại đa số các trường hợp viêm đường tiết niệu (khoảng 90%). Ngoài ra còn có một vài vi khuẩn khác như Klebsiella, Proteus, Enterobacter, Enterococcus, Staphylococcus saprophyticus….

Một số yếu tố thuận lợi khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường niệu:

– Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ hay sai cách sau khi đi vệ sinh, khi quan hệ tình dục hay trong thời kỳ kinh nguyệt của nữ giới khiến vi khuẩn có cơ hội từ hậu môn xâm nhập sang đường niệu gây viêm nhiễm.

– Quan hệ tình dục với người viêm đường tiết niệu cũng là nguyên nhân gây bệnh. Bởi trong quá trình giao hợp, vi khuẩn của người bệnh có thể xâm nhập vào dương vật hoặc âm đạo của bạn tình. Hoạt động tình dục sẽ đẩy vi khuẩn vào sâu bên trong đường tiết niệu, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

– Uống ít nước và nhịn tiểu thường xuyên khiến vi khuẩn tồn tại trong nước tiểu có thời gian nhân lên với số lượng lớn. Chúng tấn công niêm mạc bàng quang gây nên viêm đường niệu.

– Phụ nữ sau tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen giảm khiến âm hộ dễ bị viêm do khô. Đồng thời lớp niêm mạc cùng đáy bàng quang mỏng dần khiến khả năng kháng khuẩn của bộ phận này suy giảm. Từ đó vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang rất dễ dàng.

– Nam giới lớn tuổi bị u xơ tuyến tiền khiến nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và tấn công gây viêm nhiễm.

3. Ai dễ bị viêm đường tiết niệu?

Viêm đường tiết niệu có thể xảy ra ở cả nam và nữ trong mọi độ tuổi. Tuy nhiên tỷ lệ nữ giới bị viêm đường tiết niệu cao hơn nam giới. Bởi do đặc điểm cấu trúc giải phẫu, niệu đạo của nữ giới ngắn và thẳng hơn, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang hơn ở nam giới.

Ngoài ra, những người mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch (đái tháo đường, HIV/AIDS, uống thuốc ức chế miễn dịch); người bị tắc, hẹp đường niệu bẩm sinh; người bị bệnh sỏi đường tiết niệu; người thực hiện các can thiệp ngoại khoa liên quan đến đường niệu (thông bàng quang, thông tiểu, nội soi bàng quang…); người bị viêm nhiễm phụ – nam khoa; người bị suy giảm chức năng thận; nam giới phì đại lành tính tuyến tiền liệt, nữ giới sau tuổi mãn kinh… cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu hơn người bình thường.

4. Triệu chứng viêm đường tiết niệu nặng

Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu nặng diễn ra ở cường độ mạnh với những dấu hiệu sau:

– Đau vùng trên xương mu, đau bụng bụng dưới âm ỉ kéo dài.

– Tiểu rắt: người bệnh đi tiểu rất nhiều lần trong ngày (khoảng 20 lần). Lượng nước tiểu mỗi lần tiểu rất ít, có khi chỉ tiểu được vài giọt.

Tiểu buốt: người bệnh có cảm giác đau buốt và nóng rát dọc khi đi tiểu.

– Tiểu gấp: người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu và cần phải đi tiểu ngay lập tức.

Nước tiểu màu vàng đục, mùi amoniac nồng rất khó chịu.

– Tiểu ra máu, tiểu ra mủ: Nước tiểu màu hồng nhạt, đỏ sẫm hoặc có lẫn các cục máu đông. Bởi viêm đường tiết niệu nặng khiến niêm mạc đường niệu bị viêm loét, xuất huyết.

– Vùng niệu đạo ngứa ngáy và sưng đỏ khiến lỗ niệu đạo bị thu hẹp và nhỏ dần gây cảm giác đau rát và khó khăn trong việc đi tiểu.

– Chảy dịch mủ hòa với máu ở miệng sáo của nam giới.  Không thể quan hệ tình dục hoặc nếu có quan hệ thì vô cùng đau đớn khó chịu, không có khoái cảm và có thể xuất tinh ra máu.

– Cơ thể uể oải, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, sốt cao hoặc ớn lạnh.

Tiểu ra máu, tiểu ra mủ là những dấu hiệu của bệnh viêm đường tiết niệu nặng

Tiểu ra máu, tiểu ra mủ là những dấu hiệu của bệnh viêm đường tiết niệu nặng.

5. Biến chứng nguy hiểm của viêm đường tiết niệu nặng

Viêm đường tiết niệu nặng không chỉ mang đến những triệu chứng vô cùng khó chịu mà nó còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Gây tổn thương đường tiết niệu:

Tình trạng viêm nhiễm đường niệu xảy ra trong thời gian dài kèm theo các triệu chứng bệnh ngày càng gia tăng với cường độ mạnh khiến niêm mạc đường niệu bị tổn thương nghiêm trọng.

Suy thận cấp tính và mãn tính:

Đây là biến chứng nguy hiểm vì vi khuẩn có thể ngược dòng tấn công lên thận làm sưng viêm và phù nề các tế bào thận. Đồng thời làm giảm khả năng hoạt động bài tiết của thận. Lâu ngày chúng có thể phá hủy chủ mô thận, làm hoại tử nhu thận, gây tắc  nghẽn và làm suy giảm chức năng thận. Từ đó dẫn đến hệ quả suy thận vĩnh viễn.

Nhiễm trùng máu:

Sự hiện diện dai dẳng của vi khuẩn khiếm chúng có thể di chuyển vào máu, gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và tử vong.

Gây vô sinh, hiếm muộn:

Tình trạng viêm nhiễm nặng ở đường niệu khiến nữ giới bị viêm vùng chậu, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung… Nam giới bị áp – xe tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, tắc ống dẫn tinh… Bệnh làm cản trở quá trình thụ tinh và làm gia tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn của các cặp đôi. Không chỉ vậy, khi nữ giới bị viêm đường tiết niệu nặng trong giai đoạn thai kỳ rất có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai, gia tăng nguy cơ sinh non…

Ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống:

Viêm đường tiết niệu khiến người bệnh phải đối mặt với những triệu chứng khó chịu khi đi tiểu, những đau đớn khi quan hệ tình dục… Điều này khiến họ luôn cảm thấy sợ hãi. Khi tình trạng này kéo dài quá lâu nó khiến người bệnh cảm thấy căng thẳng mệt mỏi, chán nản … suy giảm chất lượng cuộc sống.

6. Điều trị viêm đường tiết niệu nặng

6.1. Điều trị tận gốc nguyên nhân gây viêm đường niệu nặng

Người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Từ đó xác định được chủng vi khuẩn gây bệnh để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả.

Khi viêm đường tiết niệu nặng, sự viêm nhiễm có thể lan đến niệu quản và thận kèm theo triệu chứng nhiễm trùng huyết… Người bệnh được chỉ định điều trị nội trú kèm theo sử dụng các loại thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch. Căn cứ vào tình trạng và mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ xác định liều lượng ở mức phù hợp nhất nhằm loại bỏ vi khuẩn, kiểm soát và ngăn ngừa bệnh chuyển biến xấu. Từ đó, tình trạng viêm nhiễm dần ổn định, quá trình chữa trị đạt hiệu quả và người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

Lưu ý:

– Người bệnh cần dùng thuốc đúng liều, đúng lượng và đủ liệu trình theo chỉ định để thuốc phát huy được hết công dụng.

– Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và uống thuốc khi chưa thăm khám với bác sĩ, theo người khác mách bảo hoặc hoặc lấy từ các đơn thuốc cũ để tránh trường hợp bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn và gặp các tác dụng phụ không mong muốn.

Người bệnh viêm đường tiết niệu nặng cần được phải được điều trị nội trú

Người bệnh viêm đường tiết niệu nặng cần được phải được điều trị nội trú.

6.2. Thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt để điều trị viêm đường tiết niệu nặng

– Tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi để bổ sung chất xơ, chất chống oxy hóa, các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, hỗ trợ đường tiêu hóa và hệ tiết niệu hoạt động hiệu quả hơn.

– Uống nhiều nước mỗi ngày, trung bình khoảng 2 lít nước (nước lọc, nước trái cây…) để tăng cường hoạt động bài tiết của đường tiết niệu.

– Hạn chế ăn mặn, thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn cay nóng, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ;

– Hạn chế tối đa các loại chất kích thích, bia rượu, đồ uống có gas, cà phê, trà xanh,…

– Chú ý chăm sóc và vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách trước và sau khi quan hệ tình dục, sau khi đi vệ sinh hoặc nữ giới trong chu kỳ kinh nguyệt.

– Trong quá trình điều trị bệnh không nên hoặc hạn chế quan hệ tình dục để tránh làm bệnh nặng thêm.

– Xây dựng chế độ sống hợp lý nhất về ăn ngủ, nghỉ ngơi, học tập và làm việc.

– Vận động thường xuyên bằng các bài tập hợp lý, vừa sức để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.

– Tái khám sau điều trị từ 1 – 2 tuần để chắc chắn tình trạng viêm nhiễm đã được điều trị dứt điểm.

Viêm đường tiết niệu nặng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị dứt điểm nếu nghi ngờ đường niệu đang có dấu hiệu viêm nhiễm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital