Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nguyên nhân gây ung thư vú vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng có rất nhiều yếu tố được xác định là làm tăng nguy cơ mắc bệnh, trong đó có độ tuổi sinh đẻ.
Menu xem nhanh:
Tại sao nữ giới không sinh con và sinh con muộn có nguy cơ mắc ung thư vú cao?
Ung thư vú hình thành trong các tế bào tại vú, có thể xảy ra ở cả nữ giới và nam giới nhưng phổ biến hơn nhiều ở đối tượng nữ. Ung thư vú xảy ra khi một hoặc nhiều tế bào tại tuyến vú phát triển bất thường, phân chia nhanh hơn tế bào khỏe mạnh và tích tụ hình thành khối u ác tính.
Trong rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, yếu tố sinh đẻ cũng tác động rất nhiều. Theo đó, phụ nữ có con muộn sau 30 tuổi hoặc không sinh con sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 40% những phụ nữ bình thường. Nguyên nhân được giải thích là do đột biến gen phổ biến hơn khi cơ thể già đi và sự rối loạn quá trình phát triển tuyến vú do chịu sự tác động của các hoóc môn, nội tiết tuyến yên, tuyến thượng thận… Sinh con ở độ tuổi hợp lý và cho con bú có thể giảm đến 7% nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố khác làm tăng nguy mắc ung thư vú
Ngoài yếu tố sinh đẻ, còn có rất nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bao gồm:
- Phụ nữ có kinh sớm, mãn kinh muộn: nữ giới có kinh sớm trước 12 tuổi và mãn kinh sau độ tuổi 55 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 2 lần so với những nữ giới khác.
- Béo phì: béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư vú.
- Mang gen đột biến di truyền gây ung thư: khoảng 5 – 10% bệnh nhân mắc ung thư vú có liên quan đến yếu tố di truyền. Theo đó, đột biến gen BRCA1 và BRCA2 liên quan nhiều nhất đến sự phát triển khối u vú. Một nghiên cứu đã chỉ ra, có đến 70% nữ giới mang gen đột biến này phát triển thành ung thư vú trước 80 tuổi. Ngoài ra, đột biến gen trong ATM, TP53, CHEK2…cũng liên quan đến ung thư vú.
- Lối sống sinh hoạt không khoa học: nữ giới uống rượu bia, hút thuốc lá, thường xuyên căng thẳng kéo dài, lười vận động có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.
- Tiền sử mắc các bệnh vú mạn tính: các bệnh vú mạn tính như áp xe vú, xơ vú… nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến những tổn thương tại cơ quan này và thúc đầy quá trình ung thư phát triển.
- Dù chưa được chứng minh rõ ràng nhưng nữ giới sử dụng thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hoóc môn có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn, đặc biệt với trường hợp nữ giới sử dụng thuốc trong thời gian dài, trên 5 năm.
Ung thư vú tuy là bệnh lý ác tính nguy hiểm nhưng cho kết quả sàng lọc ung thư cao và có tiên lượng sống tốt ở giai đoạn sớm. Vì vậy, để phát hiện bệnh ngay khi chưa có triệu chứng nữ giới cần quan tâm đến khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kì, đặc biệt là với đối với đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.