Đại tràng là một cơ quan rất dễ xuất hiện các khối u. Đa số sẽ là u đại tràng lành tính nhưng cũng có những trường hợp phát triển thành u ác tính nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc phân biệt u đại tràng lành tính và ác tính có ý nghĩa quan trọng, giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. U đại tràng là gì và cách phân loại?
Đại tràng là một cơ quan quan trọng của hệ thống tiêu hóa, có nhiệm vụ chứa các chất cặn bã của thức ăn sau khi được tiêu hóa và thải chúng ra ngoài. Đây cũng là cơ quan dễ xuất hiện các khối u nhất. U đại tràng xuất hiện trên bề mặt niêm mạc đại tràng, hình thành do các tế bào đại tràng phân chia quá mức hoặc không chế theo chu trình. U đại tràng được chia thành 2 loại là u đại tràng lành tính và u đại tràng ác tính.
1.1 U đại tràng lành tính
Đa số các trường hợp u đại tràng là lành tính với nhiều dạng như polyp đại tràng, u xơ, u mỡ, u mạch máu và một số dạng hiếm gặp khác. Trong đó, polyp đại tràng là một loại u lành tính xuất hiện phổ biến nhất và thường với số lượng là 1. Tuy nhiên, một số trường hợp khác, số lượng polyp đại tràng có thể nhiều hơn là 2, 3 hoặc hàng chục cái. Đối với các loại u lành tính khác như xơ, u mỡ sẽ có khả năng phát triển và biến chứng thành ung thư. Khi ấy, phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u lành. Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng. Người bệnh có thể gặp các tình trạng như rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu.
1.2 U đại tràng ác tính
Khối u ác tính có tốc độ phát triển rất nhanh, có khả năng di căn sang các mô lân cận và các cơ quan xa thông qua hệ thống mạch máu và hạch bạch huyết. Ung thư đại tràng có nhiều triệu chứng nghiêm trọng như phân có lẫn chất nhầy, chảy máu. Bệnh ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị thiếu máu trầm trọng, sút cân nhanh, đặc biệt là tình trạng tắc ruột khi khối u có kích thước quá lớn.
2. Phân biệt u đại tràng lành tính và ác tính
Có thể phân biệt được u đại tràng lành tính và ác tính thông qua một số triệu chứng bệnh. Đa số các trường hợp u lành tính, người bệnh thường không có biểu hiện gì rõ ràng. Tuy nhiên, khi khối u đó phát triển thành ác tính, người bệnh sẽ gặp một số vấn đề sau:
2.1 Đau bụng
Đây là triệu chứng phổ biến nhất khi có khối u ác tính. Đau không dữ dội và không rõ ràng, cơn đau đôi khi giống như triệu chứng của viêm ruột thừa hoặc viêm đại tràng. Tùy vị trí của khối u mà đau ở vùng hố chậu phải hoặc trái hay vùng thượng vị.
2.2 Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa với biểu hiện táo bón và tiêu chảy xen kẽ có thể gặp ở cả người bệnh có khối u lành tính hoặc ác tính. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u trong cơ thể đang tiến triển thành ác tính.
2.3 Chảy máu đại tràng, đại tiện ra máu
Người bị u đại tràng ác tính thường xuyên đại tiện ra máu. Phân thường có màu xám lân với máu đỏ thẫm, ít khi có máu đỏ tươi. Hiện tượng chảy máu kéo dài dễ dẫn đến người bệnh bị mất máu nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.
Ở giai đoạn muộn, khi khối u có kích thước lớn, người bệnh có thể cảm nhận được khối u bằng tay trên thành bụng. Một số trường hợp gây ra tình trạng tắc ruột.
Ngoài ra, khi bị u đại tràng ác tính, người bệnh sẽ phải đối mặt với một số triệu chứng toàn thân khác như thiếu máu, xanh xao, gầy yếu, sút cân, tinh thần suy sụp,..
Lưu ý: Các dấu hiệu trên chỉ có tính chất tham khảo, để biết chính xác tình trạng u đại tràng lành tính hay ác tính bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế. Tại đây các bác sĩ sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm chụp chiếu, nội soi… để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
3. Nguyên nhân gây u đại tràng
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến u đại tràng, trong đó có thể kể đến:
3.1 Thói quen ăn uống, sinh hoạt
Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, thức ăn chế biến sẵn, đồ nướng, hun khói, giàu cholesterol, ít chất xơ, trái cây sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh u đại tràng.
Người thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Theo nghiên cứu, trong thành phần thuốc lá có tới 69 chất hoá học gây rối loạn chu trình chết của tế bào, gây mất cân bằng trong cơ thể hình thành nên khối u.
3.2 Di truyền
Nếu trong gia đình có người mắc u đại tràng thì tỷ lệ mắc bệnh này ở những thành viên còn lại sẽ cao hơn.
Những người bị thừa cân, béo phì hay người có cơ địa dễ tăng cân cũng được cảnh báo là có nguy cơ mắc u đại tràng cao hơn nhiều lần những người có cân nặng bình thường.
3.3 Bệnh về đại tràng
Những người đang bị mắc các bệnh liên quan đến đại tràng như viêm loét đại tràng, viêm mô hạt, các khối u lành tính có khả năng phát triển thành u ác tính gây u thư đại tràng.
4. Điều trị u đại tràng như thế nào?
Việc điều trị u đại tràng sẽ dựa theo loại khối u (lành tính hay ác tính), giai đoạn và mức độ nguy hiểm cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh.
4.1 Sử dụng thuốc
Tuỳ vào trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc độc lập hoặc phối hợp với các phương pháp khác. Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc ức chế sự hình thành của khối u.
4.2 Phẫu thuật
Phương pháp này áp dụng cho cả khối u đại tràng lành tính và ác tính. Dù khối u lành tính không có nhiều khả năng đe dọa tính mạng nhưng trong một số trường hợp sẽ có chỉ định cắt bỏ khi khối u có kích thước lớn gây chèn ép hoặc có có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Đối với khối u ác tính, việc loại bỏ khối u là điều tiên quyết để ngăn nó ảnh hưởng đến đại tràng và các bộ phận khác của cơ thể. Tùy theo tình trạng của khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp là mổ mở hay mổ nội soi.
4.3 Hoá trị
Hoá trị là phương pháp sử dụng những loại hoá chất gây độc tế bào bằng đường uống hoặc tiêm truyền để tiêu diệt và ức chế sự nhân lên của các tế bào ác tính. Tuy nhiên, ngoài việc tác động lên các tế bào ác tính, hoá trị có thể làm tổn thương cả các tế bào lành tính và gây ra một số tác động không mong muốn đối với người bệnh như mệt mỏi, buồn nôn, suy giảm miễn dịch, rụng tóc,..
4.4 Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ác tính còn sót lại sau phẫu thuật hoặc để điều trị tiền phẫu thuật nếu kích thước khối u quá lớn hoặc ở vị trí khó phẫu thuật. Phương pháp này cũng có thể gây một số tác động không mong muốn cho bệnh nhân như tiêu chảy, buồn nôn, kích ứng da,..
U đại tràng lành tính hay ác tính đều có khả năng nặng thêm hay tái phát nếu người bệnh không điều trị kịp thời cũng như không thay đổi thói quen ăn uống, luyện tập. Chính vì vậy, người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khoẻ của mình sát sao, chặt chẽ. Việc thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp theo dõi tiến triển của bệnh cũng như dấu hiệu tái phát để điều trị hiệu quả.