Trẻ nổi mụn nước khắp người, nhiều mẹ không biết là nguyên nhân của bệnh gì đã cho bé bôi các loại thuốc không đúng khiến bệnh tình diễn tiến nặng hơn. Hôm nay hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những bệnh lý có biểu hiện nổi mụn nước ở trẻ nhé.
Menu xem nhanh:
1. Rôm sảy
Vào mùa nắng nóng, hơn nữa nhiệt độ cơ thể trẻ nhỏ thường cao hơn người lớn, trẻ hoạt động nhiều rất dễ nổi rôm sảy. Dấu hiệu rôm sảy thường là những hạt nhỏ màu hồng, cứng, đôi khi có chứa nước ở lưng, ngực, bắp tay và bắp chân. Nguyên nhân là do tuyến mồ hôi bị đè ép và bịt kín khiến mồ hôi không thoát ra được. Rôm sảy thường làm bé bị ngứa ngáy khó chịu.
Để trị rôm sảy cho bé, các mẹ cần làm mát cơ thể bé bằng khăn lạnh, cho bé mặt quần áo thoáng mát, mỏng và nhẹ, có chất liệu cotton thấm hút tốt. Các mẹ nên tắm rửa cho bé sạch sẽ, cho trẻ ăn những thực phẩm mát, cắt ngắn móng tay cho bé để tránh gãi làm trầy xước vết rôm sảy, dễ gây nhiễm trùng da.
2. Chốc
Triệu chứng chốc ở trẻ nhỏ được biểu hiện bằng những nốt mụn đỏ có nước, mụn vỡ sẽ làm chảy dịch vài ngày rồi đóng vảy. Bệnh thường xuất hiện ở da mặt, vùng mũi và miệng và dễ lây lan.
Khi trẻ có hiện tượng chốc, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định thuốc điều trị, vệ sinh vết chốc đúng. Cha mẹ nên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, rửa sạch vùng da bị nhiễm trùng bằng xà phòng nhẹ rồi băng lại, khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên và cắt móng tay để tránh cào gãi da làm nhiễm trùng.
3. Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus nhóm Entero gây ra, thường gặp là virus Coxsackie A, virus Coxsackie B. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ với người bệnh. Ngoài triệu chứng trẻ nổi mụn nước, bệnh chân tay miệng còn có các biểu hiện khác như: trẻ thấy mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng. Đầu tiên, mụn nước xuất hiện ở niêm mạc miệng, dễ vỡ; sau đó xuất hiện bọng nước ở bàn chân, bàn tay, mông rồi tự xẹp.
Cha mẹ cần đưa con đi thăm khám để được chỉ định thuốc điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, cần tắm cho trẻ sạch để tránh nhiễm trùng da, vệ sinh sạch sẽ những vật dụng đồ chơi của con, tránh để dịch lây lan, tránh cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác để lây bệnh,…
4. Chàm sữa
Trẻ khoảng 6 tháng tuổi thường gặp hiện tượng chàm sữa ở hai bên má, mặt và có thể lan ra toàn thân. Ban đầu chỉ là những mẩn đỏ, sau phát triển thành các mụn nước nhỏ li ti có màu đỏ, nứt vỡ làm rịn nước rồi đóng mài và tróc vảy.
Để phòng ngừa và điều trị chàm sữa, cha mẹ nên vệ sinh mặt và miệng sạch sẽ cho bé sau khi ăn hoặc bú. Chú ý tránh cho bé ăn các thức ăn như trứng, hải sản, nội tạng động vật… để tránh làm bệnh nặng hơn. Nên dùng các dung dịch Cetaphil, Oilatum, Physiogel để tắm và làm dịu da cho bé. Nên mang bao tay hoặc cắt ngắn móng tay để bé không cào gãi xước da làm nhiễm trùng da. Tốt nhất, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được điều trị và theo dõi cụ thể.
Trên đây là 4 bệnh lý phổ biến nhất gây nên hiện tượng nổi mụn nước ở trẻ. Khi thấy xuất hiện những triệu chứng này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và có phương án điều trị phù hợp.