Sốt co giật là hiện tượng trẻ nhỏ tăng nhiệt độ sốt đột ngột, đồng thời mắt trợn, tay chân giật liên hồi. Tình trạng này có thể tự hết sau 1 – 2 phút hoặc lâu hơn. Theo thống kê, có khoảng 2 – 4% trẻ nhỏ từ 6 tháng – 5 tuổi có khả năng gặp phải tình trạng sốt co giật. Vậy trẻ em sốt cao bị co giật có nguy hiểm hay không? Nguyên nhân và biểu hiện của tình trạng này là như thế nào? Đọc ngay bài viết của chúng tôi bên dưới đây để hiểu rõ về hiện tượng sốt cao bị co giật ở trẻ nhỏ nhé.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân khiến trẻ em sốt cao bị co giật
Sốt là một triệu chứng hết sức bình thường của cơ thể với những căn bệnh nhiễm trùng nhằm chống lại các loại virus và vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài. Theo các chuyên gia, trẻ em sốt cao thường bị co giật là do bộ não của bé trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi chưa phát triển hoàn chỉnh.
Vì vậy, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ cơ thể. Thân nhiệt cao hoặc thay đổi đột ngột có thể kích thích bộ não của trẻ gây ra tình trạng co giật. Trong giai đoạn từ 2 tháng – 6 tuổi, nếu trẻ sốt cao bị co giật khoảng 1 – 2 lần thì được coi là lành tính.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng sốt cao co giật cũng có thể là do yếu tố di truyền bẩm sinh. Nếu trong gia đình có người bị tiền sử co giật thì trẻ được sinh ra cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng này.
Trên thực tế, có 2 dạng sốt cao co giật:
– Co giật do sốt cao đơn thuần: Còn được gọi là cơn giật toàn thể với cơn co giật kéo dài dưới 15 phút và chỉ xuất hiện 1 lần trong 24 giờ.
– Co giật do sốt phức hợp: Còn được gọi là cơn giật cục bộ với những cơn co giật kéo dài hơn 15 phút và trong 24 giờ có thể xuất hiện từ 2 cơn giật trở lên.
2. Dấu hiệu của tình trạng sốt cao bị co giật ở trẻ nhỏ
Triệu chứng co giật thường xuất hiện khi trẻ sốt cao từ 40 độ C trở lên. Nếu để tình trạng sốt lên tới 41 độ C, chắc chắn trẻ sẽ bị co giật. Lúc này, trẻ em có thể sẽ mất cảm giác ở tay, chân, miệng và bị co giật trong một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, trẻ em cũng có thể thét lên và sùi bọt mép.
Thời gian của những cơn co giật thường là khoảng vài giây tới dưới 5 phút và thường chỉ xuất hiện 1 lần trong vòng 24 giờ. Sau cơn co giật, trẻ nhỏ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Những trường hợp sốt cao bị co giật với biểu hiện như vậy thường được coi là lành tính.
Trường hợp co giật do sốt cao kéo dài trên 5 phút được coi là bất thường. Lúc này, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế uy tín gần nhất để bác sĩ xác định rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng co giật kèm sốt.
Một số dấu hiệu của sốt cao bị co giật ở trẻ em các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý là:
– Thân nhiệt cao từ 39 độ trở lên
– Tay chân của trẻ bị giật hoặc lắc cả 2 bên.
– Các cơ siết chặt lại.
– Nhịp thở rối loạn và co giật toàn cơ thể.
– Sốt kèm theo những triệu chứng như sùi bọt mép, nôn ói, đồng tử lộn lên phía trên làm mắt trắng dã.
3. Trẻ em sốt cao bị co giật có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng sốt cao bị co giật ở trẻ nhỏ ở dạng lành tính thường không gây ảnh hưởng tới não bộ. Do đó, bố mẹ không cần phải quá lo lắng khi con mắc phải hiện tượng sốt co giật lành tính.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây ra tình trạng này là các bệnh lý như viêm màng não, viêm não,… thì bố mẹ phải lưu ý đặc biệt và đưa trẻ tới ngay bệnh viện lớn để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời. Bởi lẽ cơn sốt co giật này có thể ảnh hưởng đến não bộ của trẻ.
4. Những điều bố mẹ cần lưu ý khi trẻ sốt cao bị co giật
Khi trẻ em đang trong cơn sốt co giật, bố mẹ phải hết sức bình tĩnh vì như đã nói ở trên, hầu hết các cơn co giật đều không nguy hiểm tới tính mạng. Di chứng cơ bản nhất của sốt co giật là thiếu oxy não, vì vậy bố mẹ nên bế nghiêng hoặc cho con nằm nghiêng để tránh tình trạng dịch chảy ngược vào phổi hoặc thiếu oxy, dẫn tới tắc thở vô cùng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần phải lưu ý một số điều sau:
– Không được tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ hoặc giữ chặt con vì có thể khiến các cơ quan của bé bị tổn thương.
– Không sử dụng vật cứng chặn miệng con vì việc làm này có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, làm trẻ bị gãy răng hoặc sứt lợi.
– Nới lỏng quần áo của trẻ để con dễ thở.
– Lấy khăn ấm đắp lên vùng nách và ben của con nhiều lần để hạ nhiệt.
– Sau khi cơn co giật kết thúc, bố mẹ hãy cho con uống Oresol, nước ép, sinh tố trái cây để cân bằng điện giải, bổ sung vitamin và tăng cường sức đề kháng cho con.
– Chú ý kiểu co giật và thời gian co giật của con để thông báo cho bác sĩ.
– Nếu cơn co giật kéo dài tới 5 phút thì bố mẹ phải nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế uy tín gần nhất để cấp cứu.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ có cái nhìn khách quan nhất về tình trạng trẻ em sốt cao bị co giật. Tốt nhất, ngay khi trẻ bị sốt cao, bố mẹ nên đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời.