Xét nghiệm công thức máu là phương pháp được áp dụng phổ biến trong thăm khám hiện nay. Xét nghiệm này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Kết quả xét nghiệm máu sẽ góp phần đánh giá sức khỏe tổng thể của người bệnh một cách chính xác hơn. Tham khảo bài viết này để biết thêm các thông tin liên quan đến xét nghiệm máu bạn nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về xét nghiệm công thức máu
1.1. Xét nghiệm công thức máu là gì?
Máu đóng vai trò vận chuyển khí oxy và chất dinh dưỡng để cung cấp cho từng tế bào của cơ thể. Máu nhận lại khí cacbonic và các sản phẩm thải từ các chuyển hóa nội ngoại bào. Ngoài ra, máu còn đảm nhận chức năng miễn dịch và đông máu. Nếu như máu gặp vấn đề sẽ gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể. Trong máu có 2 thành phần chính bao gồm huyết tương và tế bào máu.
Xét nghiệm máu là việc khảo sát về mặt số lượng, kích thước cũng như hình thái của hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Từ những giá trị thu được, bác sĩ có thể chẩn đoán về tình trạng sức khỏe của người bệnh/ người xét nghiệm. Hiện nay, xét nghiệm máu trở thành phương pháp được sử dụng nhiều nhất đối với huyết học và y khoa bởi ý nghĩa và sự tiện lợi mà chúng đem lại.
1.2. Ý nghĩa của xét nghiệm công thức máu
Giúp khảo sát hồng cầu
Đo lượng hemoglobin trong hồng cầu sẽ giúp các bác sĩ phát hiện người thăm khám có bị thiếu máu hay không. Thông số về kích thước và hình dáng hồng cầu sẽ cho biết các nguyên nhân gây nên thiếu máu. Nếu người bệnh có số lượng hồng cầu thấp sẽ làm cơ thể mệt mỏi, thường xuyên chóng mặt, khó thở và cần phải truyền máu.
Khảo sát bạch cầu
Kích thước của bạch cầu lớn hơn hồng cầu với chức năng chủ yếu là miễn dịch. Khi vi trùng xâm nhập vào cơ thể thì hàng rào bảo vệ của bạch cầu sẽ phát hiện và huy động thêm nhiều bạch cầu khác đến để tiêu diệt vi khuẩn, ngăn chặn sự lây lan. Bạch cầu cũng tạo ra kháng thể để sẵn sàng trung hòa vi khẩu để ghi nhớ và sẵn sàng trung hòa vi khuẩn nếu cơ thể bị nhiễm tác nhân đó lặp lại. Bởi vậy, khi xét nghiệm máu sẽ giúp khảo sát số lượng bạch cầu trong công thức máu giúp nhận biết có bị nhiễm trùng hay không. Nếu số lượng bạch cầu tăng có thể do cơ quan đang bị nhiễm trùng, qua đó bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Khảo sát các tiểu cầu
Tiểu cầu là mảnh vỡ của một đại tế bào, chúng có kích thước rất nhỏ. Chức năng của tiểu cầu là tham gia vào các giai đoạn đầu tiên của quá trình đông cầm máu. Khi mạch máu bị tổn thương sẽ dễ dồn đến điểm bám dính với nhau để tạo thành một khối nút kín vết thương
Số lượng tiểu cầu chính là sự phản ánh chức năng đông máu của cơ thể có tốt hay không, đặc biệt là đối với bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật. Những người có số lượng tiểu cầu thấp sẽ có biểu hiện chảy máu khó cầm, chảy máu chân răng, chảy máu trong não,… Vì vậy, nếu xuất hiện dấu hiệu này thì xét nghiệm máu sẽ vô cùng cần thiết.
2. Xét nghiệm máu được thực hiện như thế nào?
Quy trình xét nghiệm máu thường diễn ra khá đơn giản và nhanh chóng. Các nhân viên y tế chỉ mất khoảng vài phút để lấy máu. Trước khi thực hiện lấy máu, người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng, đo huyết áp, nhịp tim,… để đảm bảo người bệnh có đủ điều kiện sức khỏe. Tiếp đến nhân viên y tế sẽ thực hiện vệ sinh sát trùng ở vị trí lấy máu trên cánh tay. Sử dụng mũi tiêm để lấy khoảng 2 ml máu tĩnh mạch (thường nằm ở nếp gấp khuỷu tay. Sau đó mẫu máu sẽ được bảo quản trong hộp nhựa (chống đông máu) và gửi đến phòng thí nghiệm phân tích. Khi đã lấy máu xong, người thăm khám sẽ được hướng dẫn lấy bánh sữa để bổ sung năng lượng.
Tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm mà thời gian trả kết quả sẽ khác nhau. Một số xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, thận thì kết quả thường có sau khoảng 1,5 đến 2 tiếng.
3. Những điều cần chú ý khi tham gia xét nghiệm máu?
Phương pháp xét nghiệm máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố. Do đó, để có kết quả xét nghiêm chính xác nhất bạn cần lưu ý thực hiện đúng các hướng dẫn của nhân viên y tế. Một số lưu ý phổ biến trước khi thực hiện xét nghiệm máu bao gồm:
– Nhịn ăn trong vòng từ 6 – 8 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm đường máu, mỡ máu,… Phải đặc biệt kiêng những thực phẩm chứa nhiều năng lượng, chúng có thể khiến cho lượng đường trong máu tăng cao và ảnh hưởng đến kết quả.
– Sử dụng nhiều chất kích thích cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả xét nghiệm máu bị sai lệch, do đó trước khi thăm khám bạn cần kiêng sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có chứa cồn, caffein,…
– Cung cấp đủ lượng nước tránh ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.
– Đối với trường hợp cần sử dụng thuốc, đặc biệt là một số thuốc liên quan đến bệnh tim, huyết áp, tiểu đường thì nên thông báo cho bác sĩ để có chỉ dẫn phù hợp.