Điều trị nội khoa sỏi niệu quản là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã đánh giá cụ thể tình trạng của bệnh nhân phù hợp với phương pháp điều trị này. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể về các loại thuốc điều trị sỏi niệu quản trong bài viết dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin cơ bản về bệnh sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản là một bệnh lý của sỏi tiết niệu, khi một dạng tinh thể rắn xuất hiện tại niệu quản và mắc kẹt mà không được đẩy ra ngoài theo dòng nước tiểu. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh là do quá trình rơi của sỏi thận và dừng lại tại bất kỳ vị trí nào tại niệu quản.
Người bệnh có thể gặp những triệu chứng bệnh như: Đau quặn thận, đau mỏi lưng, tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu rắt,… Khi gặp các dấu hiệu bệnh như trên bạn nên đi thăm khám sớm để được điều trị nếu phát hiện mắc sỏi, tránh việc để lâu sỏi sẽ gây nhiều biến chứng khó lường.
2. Điều trị nội khoa bệnh sỏi niệu quản sử dụng thuốc gì?
Thông thường sỏi có kích thước nhỏ hơn 5mm có thể tự bài xuất ra ngoài cơ thể thông qua dòng nước tiểu. Ngoài ra nếu sỏi nằm ở gần bàng quang, cơ hội sỏi có thể di chuyển ra ngoài cũng sẽ cao hơn so với sỏi niệu quản đoạn trên.
Trong trường hợp sỏi ≤ 5mm không thể tự di chuyển xuống bàng quang và ra ngoài cơ thể, hoặc sỏi kích thước <10mm, kết hợp với bề mặt sỏi nhẵn, chức năng thận hoạt động bình thường, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị nội khoa sử dụng thuốc để hỗ trợ giúp sỏi trôi ra ngoài.
Việc xác định chính xác sỏi kích thước nào có thể được áp dụng điều trị nội khoa phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám tại các cơ sở y tế, dựa trên những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nếu đủ điều kiện.
Tuy nhiên quá trình dùng thuốc sẽ chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định khoảng 4 đến 6 tuần. Nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị, sỏi không có dấu hiệu đi ra ngoài bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp loại bỏ sỏi tiếp theo.
2.1 Thuốc giảm đau, chống viêm
Sỏi niệu quản thường gây ra triệu chứng điển hình là các cơn đau co thắt. Cơn đau xuất phát do sỏi gây cản trở hoặc tắc nghẽn dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang, dẫn đến đài bể thận bị tăng áp lực hình thành nên cơn đau. Bên cạnh đó sỏi cũng cọ xát vào niêm mạc niệu quản dẫn đến phản ứng co thắt.
Chính bởi những cơn đau hành hạ người bệnh, gây khó chịu và cản trở cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nên bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm để xoa dịu, tạm thời làm giảm triệu chứng bệnh.
2.2 Thuốc điều trị sỏi niệu quản – Thuốc giãn cơ trơn niệu quản
Niệu quản được cấu tạo từ lớp cơ trơn nên đường kính trong có thể giãn tới 7mm so với kích thước trung bình khoảng 2-4mm. Cơ trơn được kích hoạt tự động chứ con người không thể sử dụng suy nghĩ để điều khiển hoạt động của chúng. Chính vì vậy khi sỏi kẹt tại niệu quản mà không di chuyển xuống bàng quang và đi ra ngoài, thuốc giãn cơ trơn niệu quản là một trong những loại thuốc điều trị sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản sẽ được sử dụng.
Thuốc sẽ có tác dụng là để giãn rộng đường kính niệu quản, giảm cường độ và nhịp độ co bóp của cơ trơn, từ đó giúp viên sỏi di chuyển dễ dàng hơn.
2.3 Một số loại thuốc điều trị sỏi niệu quản khác
Thuốc kiềm hóa nước tiểu giúp điều chỉnh độ pH trong nước tiểu, hạn chế tích tụ các khoáng chất trong nước tiểu.
Thuốc lợi tiểu, tăng lưu lượng nước tiểu có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, làm giảm lượng nước tồn đọng trong hệ bài tiết.
Thuốc kháng sinh dự phòng viêm đường tiết niệu: Đây là loại thuốc có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời ngăn chặn vi khuẩn phát triển tại những vị trí sỏi cọ xát có nguy cơ chảy máu tổn thương và hình thành viêm nhiễm.
2.4 Một số lưu ý trong quá trình điều trị nội khoa sỏi niệu quản
Để đạt hiệu quả điều trị tốt, hạn chế những tác dụng không mong muốn, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng liệu trình dùng thuốc của bác sĩ.
Ngoài ra, người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc, ngừng thuốc hoặc sử dụng không đúng liều lượng chỉ định.
Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của những cơ quan khác trong cơ thể.
Nếu gặp tác dụng phụ không mong muốn, nên thông báo cho bác sĩ để xử trí kịp thời, và thay thế thuốc điều trị khác.
Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng thuốc bệnh nhân cần báo đầy đủ các loại thuốc đang sử dụng với bác sĩ. Đồng thời không sử dụng kết hợp thuốc điều trị khác mà không có ý kiến của bác sĩ.
3. Lời khuyên hỗ trợ bệnh nhân điều trị nội khoa sỏi tiết niệu
Trong quá trình sử dụng thuốc, bạn có thể kết hợp với chế độ ăn uống khoa học hàng ngày để tình trạng bệnh được cải thiện sớm.
– Khi mắc sỏi tiết niệu bạn cần uống nhiều nước hàng ngày từ 2-3 lít nước.
– Chế độ ăn nên sử dụng rau xanh, củ quả tươi để tốt hơn cho quá trình bài tiết của cơ thể.
– Hạn chế ăn quá nhiều muối, nhiều đường, đạm động vật, thức ăn nhanh.
– Khi sử dụng thuốc bạn nên tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc lá…
– Không nên nhịn tiểu và nên hoạt động thể dục thể thao hàng ngày để tốt cho hệ bài tiết.
Điều trị sỏi tiết niệu bằng cách sử dụng thuốc không áp dụng đối với mọi loại, mọi kích thước. Vì thế bệnh nhân mắc sỏi niệu quản cần hiểu rằng việc điều trị nội khoa cần có sự chỉ định của bác sĩ thông qua quá trình chẩn đoán dựa trên tình trạng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân. Bạn cần đến bệnh viện để xác định chính xác tình trạng bệnh của mình, chứ không nên tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc mà không có hướng dẫn. Khi sỏi đã ở kích thước lớn, bạn cần can thiệp điều trị tán sỏi kịp thời để tránh những biến chứng.