Sỏi tiết niệu là căn bệnh khá phổ biến tại Việt Nam. Bệnh sỏi tiết niệu và cách điều trị như thế nào để hiệu quả và an toàn. Bài viết sau đây sẽ thông tin hữu ích đến bạn đọc.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về bệnh sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là những viên sỏi được hình thành do sự lắng đọng, kết tinh của các tinh thể vô cơ có trong nước tiểu. Đa số sỏi được hình thành từ thận, di chuyển xuống theo đường tiết niệu tạo thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
2. Những nguyên nhân chủ yếu gây ra sỏi tiết niệu
2.1. Sỏi tiết niệu do nguyên nhân sử dụng thuốc liều cao kéo dài
Uống canxi dài ngày và sử dụng quá nhiều vitamin C là nguyên nhân khiến hình thành sỏi tiết niệu.
Nồng độ canxi trong nước tiểu tăng cao dễ khiến hình thành sỏi. Bổ sung quá nhiều vitamin C tạo ra sản phẩm chuyển hóa trung gian là acid oxalic, đây là chất gây ra sỏi.
2.2. Sỏi tiết niệu gây ra bởi thói quen lười uống nước, hay nhịn tiểu
Chất dư thừa, cặn bã sẽ được đào thải qua thận bằng nước tiểu. Nước tiểu được thận bài tiết ra, sau đó di chuyển xuống để đào thải khỏi cơ thể. Khi bạn uống ít nước, thì nước tiểu được đào thải cũng ít đi. Trong khi đó thận làm việc liên tục để đào thải chất dư thừa nhưng thiếu nước để hòa tan. Do đó các tinh thể vô cơ sẽ tăng thời gian ở lại trong thận hình thành nên sỏi.
Nhịn tiểu là một thói quen rất nguy hiểm,. Khi nước tiểu ứ đọng quá lâu làm tăng nguy cơ hình thành sỏi do lắng đọng.
2.3. Sỏi tiết niệu gây ra do nhiễm trùng đường tiểu không điều trị
Nguyên nhân này khá thường xuyên nhưng nhiều người còn chủ quan. Nhiễm trùng đường tiểu mạn tính gây ra những tổn thương tại tế bào thận. Tế bào thận sưng, viêm ảnh hưởng đến hoạt động bài tiết. Nhiễm trùng đường tiểu dễ gây lắng đọng canxi, oxalate dẫn đến hình thành tạo sỏi.
2.4. Sỏi tiết niệu gây ra bởi nguyên nhân các bệnh lý khác
Ngoài các nguyên nhân trên, bệnh sỏi tiết niệu còn gây ra bởi các bệnh lý khác như: Dị dạng đường tiểu, bệnh tiểu khung, bệnh u đường tiết niệu, bệnh tăng sinh tuyến tiền liệt…
3. Biến chứng bệnh sỏi tiết niệu và cách điều trị
3.1. Biến chứng giãn đài thận, ứ nước, ứ mủ thận do sỏi tiết niệu
Khi sỏi kẹt trong các đài thận, sỏi chèn ép khiến đài thận bị giãn ra. Tình trạng này lâu ngày sẽ khiến thận như một túi nước. Các đài thận bị ứ nước, dẫn đến ứ mủ thận, tác động vào thần kinh thận và vỏ thận gây ra những cơn đau rất khủng khiếp.
Việc tắc nghẽn đường tiểu lâu ngày còn dẫn đến xơ hóa thành đường tiểu và xơ hóa đài bể thận.
3.2. Biến chứng viêm bàng quang, viêm thận do sỏi tiết niệu
Sự di chuyển của sỏi trong đường tiết niệu, nhất là những sỏi xù xì sẽ cọ xát vào đường niệu. Việc này dẫn đến những cơn đau lưng, đau quặn thận dữ dội. Đồng thời gây tình trạng đi tiểu lẫn máu. Sỏi ở vị trí bàng quang, niệu đạo tình trạng tiểu buốt, tiểu khó càng nghiêm trọng. Sự cọ xát do di chuyển của viên sỏi khiến tổn thương niêm mạc đường tiểu dẫn đến nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng sẽ lan lên trên dẫn đến viêm bàng quang và viêm thận.
3.3. Biến chứng suy thận, hoại tử đường tiểu
Sỏi gây nhiễm khuẩn nặng, viêm thận, viêm bàng quang, ứ nước tại thận… đều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là suy thận cấp và mãn tính. Sự xuất hiện của sỏi một hoặc hai bên niệu quản hay sỏi ở hai bên thận có thể dẫn đến chứng vô niệu. Chức năng thận sẽ bị suy giảm, tế bào thận bị phá hủy dẫn đến suy thận.
Trường hợp thận ứ mủ nhiều khiến đài bể thận giãn to ra còn khiến phải cắt bỏ thận.
Tình trạng viêm nhiễm nặng nề tại đường tiểu còn dẫn đến hoại tử đường tiểu. Tình trạng này khiến xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang hay niệu quản.
4. Sỏi tiết niệu và cách điều trị hiệu quả hiện nay là gì?
Điều trị sỏi tiết niệu như thế nào phụ thuộc vào vị trí, kích thước của viên sỏi. Đồng thời phụ thuộc vào tình trạng biến chứng của sỏi và thể trạng người bệnh. Khi sỏi còn nhỏ (kích thước dưới 6mm) và ở vị trí thuận lợi có thể đào thải. Đồng thời có niệu quản, niệu đạo không bị hẹp. Bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc giúp bào mòn và tan sỏi. Kết hợp thuốc giãn cơ trơn để hỗ trợ đẩy sỏi ra ngoài. Thuốc giảm đau, kháng viêm để giảm bớt sự khó chịu cho người bệnh. Thuốc kháng sinh để chống viêm nhiễm, vì sỏi đào thải có thể dẫn đến xước niêm mạc đường tiết niệu.
Khi sỏi có kích thước lớn, đã gây ra biến chứng can thiệp loại bỏ sỏi là chỉ định bắt buộc. Nếu như trước đây, phải phẫu thuật mổ mở với vết rạch dài đến 15cm gây nhiều biến chứng. Thì nay các phương pháp tán sỏi công nghệ cao vừa điều trị hiệu quả sỏi tiết niệu vừa an toàn cho người bệnh.
4.1. Sỏi tiết niệu và cách điều trị bằng tán sỏi ngoài cơ thể
Áp dụng phương pháp tán sỏi này cần thỏa mãn các điều kiện:
– Sỏi có kích thước nhỏ (nhỏ hơn hoặc bằng 1,5cm).
– Sỏi đài thận, sỏi bể thận.
– Sỏi niệu quản.
– Sỏi có số lượng không quá 3 viên.
– Thận bài tiết được nước tiểu, niệu quản và niệu đạo thông thoáng.
Tán sỏi ngoài cơ thể hoàn toàn không xâm lấn cơ thể, không đau. Người bệnh có thể về nhà sau tán sỏi theo dõi 30 phút tại viện.
4.2. Sỏi tiết niệu và cách điều trị bằng tán sỏi qua da
Áp dụng tán sỏi trong những trường hợp sau:
– Sỏi thận kích thước lớn (lớn hơn 1,5cm).
– Sỏi niệu quản đoạn ⅓ trên kích thước lớn.
– Đã thực hiện phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể nhưng thất bại
Tán sỏi qua da được xem là một cuộc cách mạng trong điều trị sỏi với ưu điểm: Tán được nhiều sỏi kích thước lớn, ít đau, ít chảy máu và rất nhanh hồi phục.
4.3. Sỏi tiết niệu và cách điều trị bằng tán sỏi nội soi ngược dòng
Phương pháp tán sỏi này áp dụng tán được sỏi niệu quản kích thước lớn đến 2cm. Ngoài ra tán sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
Tán sỏi nội soi ngược dòng hoàn toàn qua đường tự nhiên nên không có vết mổ. Bệnh nhân được gây tê nên không đau, tỉnh táo trong quá trình tán sỏi…
Như vậy, sỏi tiết niệu và cách điều trị hiệu quả ngày nay đã được thông tin đến bạn đọc rất chi tiết trong bài viết trên. Để đảm bảo sức khỏe và tiết kiệm chi phí, người dân nên đi khám định kỳ để phát hiện những bất thường của cơ thể cũng như phát hiện ra sỏi tiết niệu khi mới hình thành.