Sử dụng thuốc điều trị sỏi niệu quản, sỏi tiết niệu là một phương pháp nhẹ nhàng, mang đến hiệu quả cho bệnh nhân mắc sỏi kích thước nhỏ. Điều trị nội khoa sử dụng thuốc sẽ giúp người bệnh loại bỏ sỏi mà không có xâm lấn, rạch mổ. Một trong những loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh đó là thuốc giãn cơ niệu quản. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tác dụng cụ thể của thuốc mang lại cho người bệnh và những điều cần lưu ý khi dùng thuốc.
Menu xem nhanh:
1. Mục đích sử dụng thuốc giãn cơ trơn niệu quản trong điều trị sỏi
1. 1 Tác dụng của thuốc giãn cơ niệu quản
Thuốc giãn cơ của ống niệu quản là một loại thuốc nằm trong nhóm thuốc giãn cơ trơn tiết niệu được sử dụng trong điều trị sỏi niệu quản, sỏi đường tiết niệu. Mục đích dùng thuốc cho người bệnh là để kích thích làm giãn rộng đường kính niệu quản, giúp viên sỏi di chuyển xuống phía dưới và thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Không chỉ có vậy còn làm giảm nhịp độ co bóp của cơ trơn niệu quản giúp người bệnh giảm triệu chứng đau gây ra khi viên sỏi gây tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
Thuốc giãn cơ trơn một trong những loại thuốc điều trị sỏi đường tiết niệu. Người bệnh không chỉ sử dụng duy nhất một loại thuốc này mà có thể cần kết hợp với các loại thuốc khác như: Thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc kiềm hóa nước tiểu, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh dự phòng… Các loại thuốc này sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng theo liều lượng phù hợp dựa vào tình trạng bệnh cụ thể sau thăm khám, để đạt kết quả loại bỏ sỏi nhanh chóng và tốt nhất.
1.2 Chỉ định sử dụng của thuốc giãn cơ niệu quản trong điều trị sỏi
Niệu quản là hai đường ống dẫn nước tiểu từ hai thận xuống bàng quang dài khoảng 25 đến 30cm. Khi thận đẩy nước tiểu xuống niệu quản, các cơ ở thành niệu quản sẽ co thắt và thư giãn để đẩy nước tiểu xuống bàng quang.
Trong trường hợp sỏi kẹt tại niệu quản, ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu xuống bàng quang gây tắc nghẽn cấp tính đường dẫn nước tiểu, dẫn đến ứ nước, căng trướng đài bể thận. Sự căng trướng đột ngột gây ra cơn đau quặn thận cho người bệnh.
Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc khi kích thước sỏi còn nhỏ nhưng gây tắc nghẽn, sỏi được đánh giá có thể di chuyển ra ngoài theo dòng nước tiểu, đoạn tiết niệu phía dưới sỏi không có tắc nghẽn, chức năng thận ổn định…
Lúc này bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giãn cơ trơn tiết niệu bằng hình thức tiêm hoặc uống. Thuốc đều sẽ được hấp thu, phát huy công dụng làm thư giãn các cơ trơn niệu quản giúp ngăn chặn cơn đau mà bạn đang cảm thấy. Đồng thời tạo con đường thuận lợi để đẩy sỏi ra ngoài theo dòng nước tiểu dễ dàng hơn.
2. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc giãn cơ trơn niệu quản
– Người bệnh cần lưu ý không tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ bởi: Thuốc có tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương khiến người bệnh cảm thấy buồn ngủ, khó tập trung. Nếu sử dụng quá liều còn có thể dẫn đến ảo giác và gây sốc.
– Trong quá trình sử dụng thuốc không sử dụng các chất kích thích như uống rượu bia, hút thuốc lá.
– Bệnh nhân có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, suy thận cần thăm khám với bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng bởi có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn.
– Nếu gặp các tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, khó thở, hụt hơi… thì cần thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị để được xử lý hoặc thay đổi phương hướng điều trị kịp thời.
– Trong liệu trình sử dụng thuốc bệnh nhân cần đến tái khám với bác sĩ đầy đủ, đúng kế hoạch để bác sĩ xác định được tình trạng bệnh sau dùng thuốc. Thuốc có thể làm mờ đi triệu chứng của bệnh, khiến người bệnh nhầm tưởng bệnh tình được cải thiện, mà không biết rằng cơ thể không đáp ứng thuốc, tình trạng sỏi vẫn đang diễn tiến.
3. Các phương pháp khác điều trị triệt để sỏi niệu quản
Khi điều trị nội khoa sử dụng kết hợp các loại thuốc trong đó có thuốc giãn cơ trơn niệu quản nhưng bệnh nhân không đáp ứng điều trị. Hoặc khi bệnh nhân có viên sỏi có kích thước lớn, không thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ chuyển hướng xử lý triệt để viên sỏi bằng phương pháp điều trị ngoại khoa.
Khác với trước đây người bệnh thường sẽ phải mổ để lấy sỏi, nhưng hiện nay với kỹ thuật tân tiến trong y học, sỏi có thể được nhẹ nhàng lấy ra ngoài mà không cần mổ.
– Tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể: Hoàn toàn không xâm lấn, không đau, không chảy máu, loại bỏ sỏi bằng cách sử dụng năng lượng sóng điện từ tác động từ bên ngoài cơ thể, xuyên qua da hội tụ tại viên sỏi. Viên sỏi sẽ vỡ thành vụn nhỏ và tự đi ra ngoài theo quá trình bài xuất nước tiểu trong khoảng 7-10 ngày.
– Tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng: Hoàn toàn không mổ, thực hiện loại bỏ sỏi trực tiếp qua đường tiểu. Máy nội soi và thiết bị tán sỏi được đưa vào từ niệu đạo đến bàng quang tới niệu quản, tiếp cận sỏi. Năng lượng laser sẽ được chiếu trực tiếp vào viên sỏi đế bắn sỏi thành vụn nhỏ, sau đó vụn sỏi sẽ được hút gắp ra bên ngoài cơ thể.
– Tán sỏi niệu quản qua da đường hầm nhỏ: Chỉ với vết rạch xâm lấn tối thiểu khoảng 5mm trên da để chọc và nong một đường hầm kích thước nhỏ vào thận. Đường hầm này là kênh làm việc sẽ hỗ trợ ống nội soi, dây dẫn năng lượng laser, và rọ gắp sỏi được đưa vào để xác định sỏi, bắn phá và hút gắp sỏi ra ngoài.
4. Kết luận
Thuốc giãn cơ niệu quản là một loại thuốc được ứng dụng trong điều trị sỏi, tuy nhiên người bệnh cần sử dụng dưới hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý mua và sử dụng theo đơn thuốc của bệnh nhân khác bởi có thể sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe.