Thời tiết chuyển lạnh là điều kiện phát triển mạnh các bệnh đường hô hấp. Nhiều bệnh lý đường hô hấp nguy hiểm gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và gây ra những khó chịu làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao đường hô hấp dễ bị tổn thương khi thời tiết chuyển lạnh?
Đường hô hấp bao gồm đường hô hấp trên (gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản) và đường hô hấp dưới (gồm khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi). Đường hô hấp bị tổn thương khi tiếp xúc với vi khuẩn, virus gây bệnh dẫn tới các triệu chứng đau đầu, ngạt mũi, chảy dịch nước mũi, rát họng, hắt hơi. Điều này thường xảy ra khi thời tiết giao mùa chuyển lạnh là do:
– Khi nhiệt độ giảm kéo theo là độ ẩm giảm khiến cho hệ miễn dịch suy yếu. Thời tiết khô lạnh khiến làn da, mắt, phổi, màng nhầy trong mũi cũng bị khô dẫn tới chức năng “phòng thủ” của hệ miễn dịch suy giảm. Từ đó cơ thể sẽ dễ bị vi khuẩn, virus tấn công.
– Thời tiết vào mùa đông lạnh, thiếu ánh nắng mặt trời là điều kiện vi sinh vật phát triển và hoạt động mạnh. Thêm nữa, trời lạnh nên mọi người thường có xu hướng chỉ ở trong nhà, đóng cửa. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật sinh sôi, tấn công cơ thể và gây bệnh.
– Hít thở không khí lạnh dẫn tới hẹp mạch máu ở đường hô hấp trên để bảo toàn nhiệt. Điều này khiến cho tế bào bạch cầu khó tiếp cận màng nhầy, do đó cơ thể bị suy giảm khả năng chống lại vi khuẩn.
2. Cảnh giác những bệnh đường hô hấp dễ gặp khi chuyển lạnh
Các bệnh lý đường hô hấp dễ gặp khi thời tiết chuyển lạnh bao gồm các các bệnh lý đường tiêu hóa trên và đường tiêu hóa dưới.
2.1. Viêm họng là bệnh đường hô hấp dễ gặp khi chuyển lạnh
Viêm họng rất phổ biến vào mùa lạnh. Nguyên nhân thường do virus, vi khuẩn, nấm, bị dị ứng, tiếp xúc với môi trường bụi bẩn. Viêm họng có thể gặp phải ở mọi đối tượng và thường là viêm họng đỏ, viêm họng trắng, bệnh viêm họng hạt,… Người bệnh có các triệu chứng ho, đau họng, đau nhiều hơn khi nuốt, mệt mỏi, sốt cao.
2.2. Bệnh cảm cúm
Bệnh cúm do virus cúm gây ra gồm các loại cúm A, cúm B và cúm C. Bệnh cúm có thể lây nhiễm dễ dàng từ người này qua người khác khi tiếp xúc trực tiếp, nói chuyện, hắt hơi, ho. Tùy từng chủng cúm mà có tốc độ lây nhiễm khác nhau, nhiều trường hợp có thể thành dịch hoặc đại dịch. Khi bị cúm, người bệnh sẽ sốt, đau đầu, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và có thể ho nhiều. Ở trẻ em còn có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
2.3. Bệnh viêm xoang
Viêm xoang xảy ra khi lớp niêm mạc lót trong lòng các xoang bị phù nề và thu hẹp lỗ xoang dẫn tới ứ chất nhầy dịch mủ. Nguyên nhân gây bệnh thường do vi trùng tấn công hoặc bị dị ứng.
Người bệnh viêm xoang sẽ gặp những triệu chứng đau nhức vùng xoang bị viêm, chảy dịch mũi liên tục, nghẹt mũi, khó thở, người mệt mỏi, giảm khứu giác. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị sốt, chóng mặt, đau quanh vùng mắt, chán ăn,…
2.4. Viêm thanh quản
Viêm thanh quản có thể đến từ sự tấn công từ vi khuẩn, virus, nấm gây ra. Triệu chứng viêm thanh quản có sự khác nhau ở trẻ nhỏ và người lớn. Cụ thể:
– Ở trẻ em: Sốt, ho, bị khàn tiếng, thở rít,… Những triệu chứng này thường sẽ dịu hơn vào ban đêm.
– Ở người lớn: Người mệt mỏi, ớn lạnh, bị sốt nhẹ, khàn giọng, mất tiếng, ho nhiều, nuốt vướng,…
2.5. Viêm phế quản là bệnh đường hô hấp dễ gặp khi chuyển lạnh
Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc ống phế quản bị nhiễm khuẩn gây viêm với triệu chứng thường gặp là ho, sốt, thở khò khè. Bệnh viêm phế quản chia thành 2 thể là viêm cấp tính và mạn tính. Trường hợp viêm phế quản mạn tính nguy hiểm hơn và có thể dẫn tới biến chứng phổi tắc nghẽn rất nguy hiểm.
2.6. Bệnh viêm tiểu phế quản
Phần lớn những trường hợp mắc viêm tiểu phế quản là do nhiễm virus hợp bào (RSV) gây ra. Bệnh viêm tiểu phế quản nếu gặp phải ở trường hợp trẻ sinh non hoặc có một số các vấn đề về sức đề kháng thì bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn và người bệnh cần được nhập viện điều trị sớm.
2.7. Viêm phổi
Bệnh viêm phổi do nhiễm virus, vi khuẩn, nấm gây ra. Bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ với những triệu chứng điển hình như tức ngực, khó thở, mỏi cơ, tăng thân nhiệt, nôn, tiêu chảy. Đặc biệt lưu ý trường hợp nghi ngờ viêm phổi ở trẻ nhỏ với biểu hiện sốt, trẻ bỏ bú, khó thở, mệt mỏi,… Khi đó, bố mẹ cần đưa bé đến viện ngay để được điều trị kịp thời.
3. Phòng ngừa bệnh đường hô hấp vào mùa lạnh
Để phòng bệnh các bệnh viêm đường hô hấp khi thời tiết chuyển lạnh, điều quan trọng nhất là vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống.
– Đối với vệ sinh cá nhân:
Cần mặc áo ấm, chú trọng giữ ấm vùng cổ, cần quàng khăn, đi găng tay, đi tất chân đầy đủ. Thực hiện vệ sinh răng miệng đều đặn hàng ngày, trước và sau giấc ngủ. Khi ra đường nên đeo khẩu trang, đeo kính để hạn chế hít phải bụi bẩn hoặc các tác nhân gây bệnh.
– Vệ sinh môi trường sống:
Trong gia đình, nơi ở cần được vệ sinh sạch sẽ, giữ không gian thông thoáng, không bị gió lùa. Giường ngủ cần gọn gàng, thường xuyên giặt chăn, giặt màn,… Không hút thuốc lá, thuốc lào trong nhà. Ở những gia đình dùng bếp than cần có các biện pháp hạn chế khí than thải ra. Những gia đình còn dùng bếp củi, bếp rơm, rạ nên thiết kế loại bếp ít khói.
Khi có các dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp như: ho, sốt, sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi,…. bạn không được tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là dùng thuốc kháng sinh và không điều trị theo lời truyền miệng của người khác. Bạn cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và thực hiện điều trị đúng cách.