Tất cả các kiến thức về bệnh crohn ở nữ

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Bệnh Crohn ở nữ gây ra không ít khó chịu và ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh. Bệnh gây ra các triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị bệnh khỏi hoàn toàn. Các phương pháp chỉ có thể làm giảm triệu chứng và nguy cơ bệnh chuyển biến nặng.

1. Nguyên nhân bệnh Crohn ở nữ

Bệnh Crohn ở nữ hiện tại vẫn chưa thể xác định rõ ràng. Trước đây mọi người thường cho rằng bệnh xảy ra do chế độ ăn kiêng và tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên theo các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các yếu tố trên chỉ làm bệnh tăng nặng chứ không phải nguyên nhân chính. Các yếu tố về di truyền và hệ thống miễn dịch gặp vấn đề đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh.

1.1 Hệ thống miễn dịch là nguyên nhân gây bệnh

Giả thuyết đặt ra rằng các loại vi khuẩn, virus gây kích hoạt bệnh Crohn. Khi hệ thống miễn dịch của người bệnh cố gắng chống lại vi sinh vật xâm nhập thì sẽ xảy ra phản ứng miễn dịch bất thường. Hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn khi tấn công luôn cả các tế bào tốt trong hệ tiêu hóa.

1.2 Di truyền

Bệnh Crohn thường xuất hiện ở những người có người thân từng mắc bệnh. Vì vậy có thể gen sẽ đóng vai trò nhất định khiến các thế hệ sau có khả năng mắc bệnh cao hơn các gia đình khác.

Bệnh Crohn ở nữ có thể do sự bất thường trong hệ miễn dịch gây ra

Bệnh Crohn ở nữ có thể do sự bất thường trong hệ miễn dịch gây ra

2. Triệu chứng bệnh Crohn ở nữ

Bệnh Crohn có biểu hiện không phân biệt dù là ở đối tượng hay giới tính nào. Vì vậy phần lớn người mắc bệnh sẽ có những biểu hiện sau:

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện xen kẽ giữa giai đoạn ổn định và bùng phát.

– Hệ tiêu hóa xuất hiện bất thường như: Tiêu chảy, đau quặn bụng, trong phân có lẫn máu, mót rặn, đầy bụng, đau vùng hậu môn.

– Sốt cao ( có thể do viêm ruột có áp xe), suy nhược cơ thể, giảm cân đột ngột

– Xuất hiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, loãng xương, viêm cột sống, các tình trạng rối loạn nội tiết

Triệu chứng cận lâm sàng của người mắc bệnh nằm ở tình trạng phân và máu. Khi phân tích tế bào máu của bệnh nhân có tốc độ máu lắng (ESR) tăng và protein phản ứng (CPR) tăng. Đồng thời sẽ xuất hiện các hiện tượng rối loạn điện giải, giảm albumin máu, giảm sắt và B12 huyết thanh. Trường hợp người bệnh giảm hấp thu thì trong phân sẽ có lẫn máu và bạch cầu.

Người bệnh thường bị tiêu chảy

Người bệnh thường bị tiêu chảy

3. Phương pháp chẩn đoán bệnh Crohn chính xác

Quy trình chẩn đoán bệnh Crohn gồm 3 bước: Chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán biến chứng.

Chẩn đoán xác định là bước đầu tiên. Bác sĩ sẽ dựa trên những triệu chứng lâm sàng mà người bệnh đưa ra để đánh giá chung. Sau đó bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để có thể đưa ra kết luận cụ thể.

3.1 Xét nghiệm máu

Mẫu máu của người bệnh được lấy để mang đi phân tích. Chuyên gia sẽ kiểm tra tốc độ máu lắng, các yếu tố viêm, protein phản ứng, kết quả hóa sinh máu.

3.2 Xét nghiệm phân

Xét nghiệm này giúp kiểm tra hồng cầu, bạch cầu, ký sinh trùng, procaltectin trong phân. Các chỉ số này phản ánh mức độ viêm ruột.

3.3 Nội soi dạ dày và đại tràng

Đây là kỹ thuật giúp tiếp cận tổn thương trực tiếp ở đường tiêu hóa trên và dưới. Đồng thời phương pháp này còn có thể sinh thiết các tổn thương nghi ngờ giúp hỗ trợ cho công tác chẩn đoán bệnh.

3.4 Chụp transit ruột non có cản quang

Chụp transit là phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh. Các bác sĩ có thể quan sát các tổn thương của ruột non ví dụ như đoạn ruột chít hẹp.

3.5 Chụp CT

Hình ảnh thu được sẽ phản ánh tình trạng bên trong ruột: Các biến chứng áp xe, đường rò bàng quang hoặc ruột – niệu quản – lỗ rò trong đường ruột.

3.6 Giải phẫu bệnh

Phương pháp này giúp phân tích các tế bào viêm trên tổn thương để chẩn đoán bệnh. Dựa vào kết quả thu được bác sĩ sẽ tiếp tục chẩn đoán phân bệnh Crohn với hai nhóm bệnh khác là các bệnh liên quan tới đại tràng hoặc bệnh ruột non vùng hồi manh tràng.

Bệnh nhân có thể được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp khác nhau

Bệnh nhân có thể được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp khác nhau

4. Điều trị bệnh Crohn như thế nào để hiệu quả?

Bệnh Crohn có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và mức độ tổn thương mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

4.1 Điều trị nội khoa bệnh Crohn ở nữ

Phương pháp điều trị bằng thuốc luôn được ưu tiên trong kế hoạch chữa bệnh. Hầu hết các loại thuốc sẽ giúp làm giảm và kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tái phát. Bệnh nhân cần tuân thủ theo các yêu cầu của bác sĩ để kết quả điều trị hiệu quả tối đa.

4.2 Phẫu thuật

Một số trường hợp mắc bệnh Crohn cần can thiệp phẫu thuật. Bệnh ở giai đoạn nặng có thể xuất hiện tình trạng hẹp đường ruột, biến chứng áp xe, các bệnh xung quanh trực tràng. Mục đích của phẫu thuật là điều trị bệnh và loại bỏ phần ruột bị viêm. Bác sĩ sẽ thực hiện nối các phần ruột khỏe mạnh lại với nhau sau khi phần ruột hỏng bị cắt bỏ.

4.3 Thay đổi chế độ ăn uống nhằm hỗ trợ điều trị bệnh Crohn ở nữ

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ điều trị. Người bệnh cần nghiêm túc nghe theo các lời khuyên dinh dưỡng kết hợp với điều trị y tế để thúc đẩy quá trình hồi phục.

– Hạn chế lactose bằng cách không ăn các sản phẩm từ sữa động vật

– Ăn ít các thực phẩm giàu chất béo

– Thực hiện chế độ ăn ít các chất cặn bã như: Trái cây sấy, thịt nguội, socola, rau sống,…

5. Lưu ý khi điều trị bệnh Crohn ở nữ với người đang mang thai

Khi mang thai có một số loại thuốc không thể sử dụng vì chúng ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Bác sĩ và bệnh nhân cần cân nhắc lựa chọn loại thuốc an toàn nhất. Nếu tại thời điểm bắt đầu có thai, bệnh đang trong thời gian hoạt động thì có đến ⅔ số bệnh nhân bệnh sẽ tiến triển nặng. Người bệnh có nguy cơ sinh non, trẻ bị thiếu cân. Tuy nhiên nếu tại thời điểm mang thai bệnh đang ở giai đoạn ổn định thì không ảnh hưởng quá nhiều. Chính vì vậy các chuyên gia khuyên phụ nữ mắc bệnh Crohn nên mang thai ở giai đoạn bệnh đã ổn định.

6. Biện pháp phòng bệnh Crohn

Ngoại trừ các yếu tố rủi ro như: Di truyền, độ tuổi dễ mắc bệnh thì yếu tố hệ miễn dịch yếu cũng làm tăng khả năng mắc bệnh. Mọi người có thể phòng ngừa bằng cách chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt, tạo chế độ dinh dưỡng khoa học. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh giúp nâng cao sức khỏe để hạn chế vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt nên bỏ các thói quen xấu như: Ăn uống thất thường, ăn quá nhiều chất béo không cần thiết.

Tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe để đẩy lùi bệnh tật

Tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe để đẩy lùi bệnh tật

Bài viết đã cung cấp đầy đủ những điều cần biết về bệnh Crohn ở nữ. Cũng giống như các bệnh lý khác, bệnh cần được điều trị sớm để hạn chế những biến chứng nặng có thể xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital