Thuốc chữa bệnh crohn và những điều cần lưu ý 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Phạm Đức Sơn

Trưởng Đơn vị Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Bệnh crohn hầu như không thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Điều trị bệnh khá phức tạp, người bệnh có thể dùng các thuốc chữa bệnh crohn hoặc phải phẫu thuật. Trong đó, việc điều trị bằng thuốc được áp dụng phổ biến hơn nhằm kiểm soát tốt triệu chứng và kéo dài thời gian viêm giữa các lần tái phát.

1. Triệu chứng bệnh crohn cần thăm khám ngay

Bệnh crohn (viêm ruột) có thể gây tổn thương ở bất kỳ đoạn nào trên ống tiêu hóa. Viêm có thể lan sâu vào các lớp mô ruột nên triệu chứng gặp phải và những ảnh hưởng của bệnh rất nghiêm trọng.

Triệu chứng ban đầu của crohn khá dễ nhầm lẫn với những vấn đề rối loạn tiêu hóa thông thường. Triệu chứng bệnh nhận biết theo hai dạng là cấp tính và mạn tính. Cụ thể:

– Triệu chứng viêm ruột cấp: Đau bụng, đau quặn từng cơn, có thể đau ở bất cứ vùng bụng nào tùy theo vị trí ruột bị tổn thương nhưng thường gặp nhất là đau vùng hố chậu phải. Ngoài đau bụng, bệnh nhân còn đi ngoài phân lỏng, có thể kèm theo máu, buồn nôn và nôn nhiều.

– Triệu chứng viêm ruột mạn: Triệu chứng thể mạn tính sẽ từ từ, kéo dài khá lâu nên người bệnh dễ bỏ qua. Người bệnh cũng có những cơn đau bụng âm ỉ. Tùy tình trạng cụ thể, người bệnh có thể bị thiếu máu, gầy sút, người mệt mỏi, thể trạng suy sụp, sắc mặt xanh xao, không muốn ăn, bị mất nước, mất cân bằng điện giải, suy dinh dưỡng.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm ruột, người bệnh nên chủ động khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán đúng bệnh và tiến hành điều trị đúng phác đồ, được kê đúng thuốc giúp kiểm soát tốt các triệu chứng.

Triệu chứng bệnh viêm ruột

Người bệnh nên thăm khám khi có những cơn đau bụng bất thường.

2. Những lưu ý khi điều trị bệnh crohn bằng thuốc

Bệnh Crohn hiếm khi được điều trị chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị bằng thuốc nhằm mục đích thuyên giảm các triệu chứng, hạn chế các đợt viêm cấp. kéo dài thời gian ở những lần tái phát. Tùy theo mỗi tình trạng bệnh cụ thể sẽ có phác đồ thuốc phù hợp nhằm tương thích với người bệnh và cho hiệu quả điều trị tốt. Vì vậy, việc dùng thuốc chữa bệnh crohn cần thực hiện theo đúng các hướng dẫn và lưu ý sau đây:

– Người bệnh thăm khám chuyên khoa tiêu hóa, có chẩn đoán đúng bệnh mới thực hiện điều trị theo chỉ định.

– Tuân thủ đúng đơn thuốc từ bác sĩ, uống thuốc chữa bệnh crohn đúng loại, đúng liều, đúng theo hướng dẫn sử dụng.

– Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc, không dùng thuốc theo đơn kê của người khác hay nghe theo các biện pháp truyền miệng không có căn cứ.

– Bên cạnh việc uống thuốc cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học cùng lối sống lành mạnh theo hướng dẫn từ bác sĩ để tăng cường hiệu quả dùng thuốc.

– Thăm khám định kỳ đều đặn sẽ giúp theo dõi và kiểm soát bệnh hiệu quả.

Lưu ý khi điều trị viêm ruột bằng thuốc

Người bệnh chỉ dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.

3. Thuốc chữa bệnh crohn được dùng

Điểm danh một số nhóm thuốc chữa bệnh crohn thường được chỉ định bao gồm:

3.1. Acid 5-aminosalicylic (5-ASA)

5-ASA có tác dụng thuyên giảm bệnh, hạn chế các đợt viêm cấp. Thuốc giúp ngăn cản quá trình sản sinh ra prostaglandin và leukotrienes. Đây là các tác nhân gây viêm ruột. 5-ASA có nhiều dạng chế phẩm gồm thuốc uống, thuốc thụt,… để phù hợp với các vị trí viêm hoặc giai đoạn viêm của từng người bệnh.

3.2. Thuốc corticosteroid chữa bệnh crohn

Corticosteroid là thuốc rất cần thiết cho các đợt viêm ruột cấp tính bùng phát ở hầu hết các trường hợp khi các hợp chất 5-ASA không phù hợp.

Thông thường, người bệnh sẽ cần dùng corticosteroid cho đến khi các triệu chứng dần thuyên giảm (thường từ 7 đến 28 ngày). Sau đó sẽ giảm dần liều dùng tùy theo mức độ đáp ứng lâm sàng của mỗi người bệnh. Trong khi dùng corticosteroid, người bệnh vẫn tiến hành điều trị duy trì bằng 5-ASA hoặc uống kết hợp các thuốc điều hòa miễn dịch theo đúng chỉ định.

Lưu ý, dùng corticosteroid ngắn hạn khi dùng liều cao sẽ gây ra một số tác động bất lợi bao gồm cao huyết áp, tăng đường huyết, mất ngủ, tăng động,… Người bệnh khi điều trị bằng corticosteroid, nên được bổ sung thêm vitamin D và canxi. Đặc biệt cần thận trọng dùng thuốc ở những người bị bệnh gan mạn tính, xơ gan.

3.3 Thuốc điều hòa miễn dịch chữa bệnh crohn

Thuốc điều hòa miễn dịch được chỉ định nhằm giảm nhu cầu sử dụng corticosteroid và có lợi cho bệnh nhân crohn kháng corticosteroid hoặc bị phụ thuộc corticosteroid.

Thuốc có tác dụng thuyên giảm bệnh trong nhiều năm. Người bệnh cần sử dụng từ 1-3 tháng để mang lại các lợi ích lâm sàng. Có nhiều loại thuốc điều hòa miễn dịch như Azathioprine và 6-mercaptopurine; Methotrexate; Cyclosporine và tacrolimus;… Trước khi dùng thuốc điều hòa miễn dịch, người bệnh sẽ cần làm các xét nghiệm cần thiết, đánh giá các đáp ứng lâm sàng từ đó bác sĩ sẽ chỉ định đúng loại, liều lượng để mang lại hiệu quả điều trị tốt.

Tác dụng bất lợi thường gặp khi dùng thuốc điều hòa miễn dịch là buồn nôn, nôn, người mệt mỏi.

Thuốc chữa bệnh crohn

Người bệnh viêm ruột cần uống đúng loại thuốc theo đúng liều và hướng dẫn sử dụng.

3.4. Thuốc ức chế sinh học

Thuốc ức chế sinh học là loại thuốc được biến đổi gen, tác động vào một số phân tử trong cơ thể có liên quan đến việc gây viêm. Thuốc ức chế sinh học thường được kê cho những trường hợp bị bệnh crohn khó chữa, không đáp ứng với các nhóm thuốc thông thường khác hoặc cho những người có triệu chứng nghiêm trọng.

Tác dụng bất lợi khi dùng thuốc ức chế sinh học thường gặp phải như phản ứng quá mẫn tức thì (người bệnh bị phát ban, ngứa, đôi khi có phản ứng phản vệ), sốt, người ớn lạnh, nhức đầu, buồn nôn.

Những trường hợp chống chỉ định dùng thuốc ức chế sinh học khi người bệnh có nhiễm khuẩn không kiểm soát, người bệnh lao, viêm gan B. Do đó, người bệnh cần thăm khám sàng lọc để được chỉ định dùng thuốc đúng cách.

3.5. Kháng sinh

Kháng sinh có thể dùng với người bệnh crohn, nhưng sẽ hạn chế ở viêm đại tràng thể loét, ngoại trừ ở viêm đại tràng nhiễm độc. Một số loại kháng sinh được sử dụng như metronidazole, ciprofloxacin, rifaximin,…

Tác dụng của kháng sinh sẽ phát huy tốt ở từng tình trạng phù hợp. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định vì có thể gây ra những tác động khó lường.

Các gợi ý dùng thuốc chữa bệnh crohn nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trên hết, người bệnh cần chủ động thăm khám và thực hiện theo đơn kê từ bác sĩ chuyên khoa để có được hiệu quả điều trị như mong muốn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital