Tán sỏi thận ngoài da nghĩa là người bệnh không phải chịu bất cứ tác động xâm lấn nào , vẫn có thể làm sạch sỏi. Toàn bộ các thao tác điều trị đều thực hiện bên ngoài da với sự hỗ trợ của công nghệ cao. Phương pháp này còn hay được gọi với cái tên tán sỏi ngoài cơ thể. Bài viết sau sẽ giải đáp về quy trình tán sỏi, mức độ xâm lấn gây đau và chi phí dự kiến khi điều trị sỏi thận bằng phương pháp này.
Menu xem nhanh:
1. Vậy tán sỏi thận ngoài da là gì?
Tán sỏi thận ngoài da (hay tán sỏi thận ngoài cơ thể) là một trong những phương pháp tán sỏi được áp dụng phổ biến hiện nay.
Nguyên tắc điều trị của phương pháp này là sử dụng thiết bị tạo sóng xung kích hội tụ tại vị trí có sỏi. Sau đó nguồn năng lượng từ sóng sẽ phá hủy sỏi thành vụn nhỏ. Các vụn sỏi nhỏ sẽ từ từ trôi ra ngoài theo đường tiểu.
Như vậy người bệnh không phải mổ, không đau mà vẫn có thể loại bỏ sỏi thận hiệu quả. Sau tán sỏi, bệnh nhân nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 30 phút là có thể về nhà, sinh hoạt bình thường, không cần phải nằm viện. Tái khám sau 1 – 2 tuần theo chỉ định của bác sĩ để đánh giá, kiểm tra xem sỏi đã được loại bỏ hết chưa. Trường hợp sỏi lớn, người bệnh có thể phải tán nhiều hơn 1 lần.
Với những ưu điểm nêu trên, tán sỏi thận ngoài da được đánh giá là phương pháp điều trị sỏi nhẹ nhàng nhất.
2. Quy trình tán sỏi thận ngoài da
Nhìn chung toàn bộ quá trình tán sỏi thận ngoài da (tán sỏi ngoài cơ thể) khá nhanh chóng, chỉ mất khoảng nửa ngày ở bệnh viện, không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc và học tập của bệnh nhân.
2.1. Các bước tiến hành tán sỏi thận ngoài da
Trước khi tiến hành điều trị, người bệnh đã được thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh kiểm tra đảm bảo đủ điều kiện tán sỏi.
– Bước 1: Người bệnh được hỗ trợ nằm lên bàn tán sỏi, bác sĩ tiến hành tiền mê giảm đau.
– Bước 2: Phần hông lưng vị trí có sỏi của người bệnh kê sát với phần bóng của nguồn phát sóng xung kích.
– Bước 3: Dưới sự hỗ trợ của máy Xquang, bác sĩ bắt đầu khởi động máy phát sóng xung để làm tan sỏi. Người bệnh nằm yên, thở đều, thư giãn.
– Bước 4: Kết thúc điều trị, bác sĩ hỏi han, đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh. Kê đơn thuốc và dặn dò chế độ ăn uống, sinh hoạt tại nhà. Hẹn lịch tái khám.
2.2. Chế độ chăm sóc sau tán sỏi
– Bệnh nhân sau tán sỏi thận ngoài da nên uống nhiều nước mỗi ngày (2-3 lít) để hỗ trợ tống vụn sỏi qua đường tiểu hiệu quả.
– Uống thuốc theo đơn kê và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ.
– Một số trường hợp sẽ cảm thấy đau nhẹ ở vùng lưng và nước tiếu có màu hồng nhạt. Những triệu chứng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm và biến mất, không cần dùng đến thuốc nên người bệnh không cần lo lắng.
– Nếu có bất cứ biểu hiện bất thường nào khác, hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn cách xử trí.
3. Tán sỏi thận ngoài da có đau không?
Như đã đề cập ở phần đầu của bài viết, tán sỏi thận ngoài da (tán sỏi ngoài cơ thể) được đánh giá là rất nhẹ nhàng. Người bệnh sau trải nghiệm tán sỏi ngoài da đều đánh giá là không đau, không khó chịu vì không phải mổ, không chịu bất cứ can thiệp xâm lấn nào cả.
Vùng da lưng kề sát phần bóng của nguồn sát xung kích hoàn toàn bình thường, không sưng đỏ, không có bất cứ vết xây xước nào. Tâm lý khi điều trị của bệnh nhân nhờ đó cũng thoải mái hơn rất nhiều. Thậm chí tại nhiều bệnh viện, người bệnh vừa được tán sỏi ngoài da vừa được bố trí tai nghe nhạc để giảm bớt căng thẳng, hồi hộp.
Nhờ không đau, không khó chịu nên sau điều trị bệnh nhân có thể về nhà ngay, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
4. Chi phí tán sỏi thận ngoài da
Chi phí tán sỏi ngoài thận ngoài da so với các phương pháp tán sỏi khác và phẫu thuật lấy sỏi ở mức tiết kiệm nhất.
Để biết con số cụ thể, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Bởi tổng chi phí điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể: số lượng, kích thước, vị trí, độ rắn của viên sỏi cũng như số lần tán.
Trường hợp sỏi thận kích thước nhỏ, sỏi mềm, đường tiết niệu thông thoáng thì người bệnh chỉ cần tán 1 lần là loại bỏ hết sỏi. Do đó để tiết kiệm tiền bạc, chúng ta nên chủ động khám và điều trị sỏi càng sớm càng tốt.
5. Tán sỏi thận ngoài da áp dụng cho các trường hợp nào?
Tán sỏi thận ngoài da (tán sỏi ngoài cơ thể) được chỉ định cho trường hợp sỏi thận <1.5cm. Ngoài ra sỏi niệu quản 1/3 trên vị trí sát bể thận và <1cm cũng có thể điều trị hiệu quả bằng phương pháp này.
Như vậy với sự xuất hiện của tán sỏi ngoài da, người bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu nói chung đã có phương pháp xử lý sỏi cực kỳ hiệu quả mà lại rất nhẹ nhàng, đặc biệt không phải mổ, không đau.
Phương pháp tán sỏi này cũng được đánh giá là rất an toàn, tỷ lệ biến chứng thấp. Sóng xung kích chỉ tác động đến sỏi, không ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh nên người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm.
6. Phân biệt tán sỏi thận ngoài da và tán sỏi thận qua da
Nhiều bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn giữa 2 phương pháp này do tên gọi khá tương đồng. Cả tán sỏi thận NGOÀI DA và tán sỏi thận QUA DA đều nằm trong nhóm các phương pháp tán sỏi ứng dụng công nghệ cao nhưng có một số điểm khác biệt nổi bật như sau:
6.1. Về đối tượng điều trị
– Tán sỏi thận ngoài da áp dụng cho các trường hợp sỏi thận kích thước nhỏ, sỏi <1.5cm.
– Tán sỏi thận qua da thì ngược lại, giải quyết rất hiệu quả các trường hợp sỏi to, sỏi >1.5cm.
6.2. Về mức độ xâm lấn
– Tán sỏi thận ngoài da: đúng như tên gọi, chỉ tác động bên ngoài da, không gây xâm lấn, không cần mổ. Người bệnh hầu như không hề đau.
– Tán sỏi thận qua da: bác sĩ sẽ phải dùng công cụ để đưa máy nội soi đi qua da tiếp cận với viên sỏi, cụ thể là tạo một vết trích nhỏ (5mm) ở vùng lưng hông. Sau đó dùng ống nong tạo đường hầm, đưa máy nội soi tìm ở thận rồi dùng năng lượng bắn phá sỏi. Cuối cùng là hút bỏ ra ngoài. Người bệnh sau tán rất ít đau.
6.3. Về thời gian phục hồi
– Tán sỏi thận ngoài da có thể ra viện ngay sau khi điều trị.
– Tán sỏi thận qua da thì người bệnh phải nằm viện theo dõi khoảng 2 – 3 ngày mới có thể về nhà.
6.4. Về quy trình điều trị
– Tán sỏi thận qua da nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn (30 – 40 phút), thực hiện tại phòng tán sỏi riêng biệt, người bệnh không cần gây mê.
– Tán sỏi thận ngoài da mất nhiều thời gian hơn (khoảng 2 tiếng), thực hiện tại phòng mổ, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp quý độc giả có cái nhìn tổng quát và hiểu rõ hơn về phương pháp tán sỏi thận ngoài da. Khi nghi ngờ có sỏi ở thận, chúng ta nên thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt, để ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm. Sỏi nhỏ hoàn toàn có thể xử lý hiệu quả bằng phương pháp tán sỏi ngoài da, không cần mổ.