Cũng giống như những phương pháp điều trị các bệnh lý của cơ thể, tán sỏi ngoài cơ thể là một phương pháp điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu yêu cầu người bệnh đáp ứng các chỉ định cụ thể. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể chỉ định thực hiện cho những trường hợp nào.
Menu xem nhanh:
1. Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi như thế nào?
Là một phương pháp điều trị sỏi tiết niệu hiện đại, áp dụng công nghệ cao, sỏi sẽ được loại bỏ gián tiếp để trôi ra ngoài theo dòng nước tiểu. Cụ thể là bằng cách sử dụng sóng điện từ tác động từ bên ngoài cơ thể vào viên sỏi với một áp lực lớn để sỏi vỡ ra thành các mảnh vụn siêu nhỏ. Thông qua quá trình bài tiết của cơ thể, trong khoảng 7-10 ngày vụn sỏi sẽ được trôi sạch ra bên ngoài.
2. Những chỉ định trong tán sỏi ngoài cơ thể
Được đánh giá là một phương pháp điều trị không xâm lấn, không rạch mổ, an toàn cho sức khỏe sau tán sỏi của người bệnh, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp sỏi tiết niệu và mọi giai đoạn sỏi đều áp dụng cách điều trị này. Chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể phải dựa trên sự đánh giá, phân tích dựa trên nhiều yếu tố: Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh sỏi và hệ tiết niệu, chỉ số cơ thể…
2.1 Tán sỏi ngoài cơ thể chỉ định thực hiện trong trường hợp nào?
– Bệnh nhân mắc sỏi thận có kích thước nhỏ hơn 15mm.
– Bệnh nhân mắc sỏi niệu quản 1/3 trên sát bể thận có kích thước nhỏ hơn 10mm.
– Bệnh nhân mắc sỏi kích thước lớn hơn cần cân nhắc cụ thể từng trường hợp
– Bệnh nhân tốt nhất là nên chỉ có 1-2 viên sỏi thận, niệu quản ⅓ trên.
– Bệnh nhân có sỏi tái phát hoặc vẫn còn sỏi sau phẫu thuật loại bỏ sỏi thận.
– Bệnh nhân mắc sỏi ở giai đoạn sớm, chưa ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của thận, cũng như chưa hình thành các biến chứng xa của bệnh.
2.2 Những chỉ định khác trong tán sỏi ngoài cơ thể
Bệnh nhân mắc sỏi có kích thước và vị trí như trên cần đáp ứng các điều kiện như:
– Bệnh nhân là nữ giới không đang trong quá trình mang thai.
– Không có tình trạng hẹp đường tiết niệu phía dưới sỏi như hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo.
– Chức năng thận hoạt động ổn định, đảm bảo khả năng bài tiết.
– Không có tình trạng rối loạn đông máu hoặc dùng thuốc chống đông máu
– Nếu mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị triệt để trước tán sỏi.
3. Những lợi ích của người bệnh khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể
– Phương pháp tán sỏi không xâm lấn, không mổ mở, không có tổn thương
Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi không sử dụng dao kéo rạch mổ da, thận để lấy sỏi. Mà chỉ sử dụng sóng điện từ chiếu từ ngoài cơ thể hội tụ vào viên sỏi để làm vỡ chúng. Với nguyên tắc này người bệnh không có tổn thương thận và những cơ quan lân cận. Cũng vì lý do này nên sẽ bảo tồn được tối đa chức năng thận, niệu quản.
– Người bệnh không mất sức, không cần nằm viện
Do tán sỏi bên ngoài cơ thể nên bệnh nhân không chảy máu, không cần chăm sóc phục hồi sức khỏe. Thông thường bệnh nhân sẽ xuất viện ngay trong ngày, chủ động đi lại, vận động, làm việc mà không cần có người chăm sóc.
– Tiết kiệm thời gian điều trị cho người bệnh điều trị sỏi thận, niệu quản.
Bệnh nhân thông thường chỉ tán sỏi trong khoảng 30 đến 60 phút là kết thúc toàn bộ quá trình, rút ngắn thời gian hơn nhiều so với mổ mở truyền thống. Đặc biệt không rạch mổ nên ngay khi xuất viện bệnh nhân sẽ dễ dàng quay trở lại làm việc, mà không làm ảnh hưởng đến nhiều thời gian cá nhân.
– Không sử dụng thuốc kéo dài.
Người bệnh sạch sỏi nhanh, thường chỉ sau một liệu trình điều trị do vậy sẽ không cần dùng thuốc kéo dài, không làm ảnh hưởng đến dạ dày, gan hoặc thận.
4. Người bệnh cần làm gì sau khi kết thúc quá trình tán sỏi ngoài cơ thể
4.1 Điều cần làm sau tán sỏi ngoài cơ thể để tăng hiệu quả sạch sỏi
– Điều quan trọng đầu tiên sau tán sỏi ngoài cơ thể là bệnh nhân cần uống nhiều nước để quá trình bài tiết diễn ra thuận lợi. Vụn sỏi sẽ đi ra ngoài dễ dàng, hạn chế khả năng mắc kẹt ở lại bất kì cơ quan nào trên đường tiết niệu.
– Sử dụng thuốc theo hướng dẫn kê đơn của bác sĩ để tăng hiệu quả sạch sỏi.
– Nên tránh va đập vào vùng da, khu vực tán sỏi.
– Nếu có các triệu chứng như sốt cao, đau quặn thận, tiểu máu không dứt người bệnh cần nhanh chóng quay lại bệnh viện để xử lý kịp thời nếu có biến chứng.
– Tái khám đúng theo lịch trình của bác sĩ điều trị để xác định mức độ sạch sỏi và có phương hướng điều trị tiếp nếu sỏi còn gây tắc nghẽn.
4.2 Điều cần làm sau tán sỏi để hạn chế sỏi tái phát
Để phòng ngừa khả năng sỏi tái phát sau điều trị, nên có lối sống lành mạnh, khoa học để giảm thiểu nguy cơ này.
– Bên cạnh việc uống nhiều nước, bệnh nhân cần đi tiểu ngay khi có nhu cầu, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.
– Nên sử dụng chế độ ăn dễ tiêu hóa, nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế bổ sung quá nhiều đạm động vật, muối, đường, chất kích thích…
– Không sử dụng thuốc, vitamin bừa bãi mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
– Nên thăm khám sức khỏe hệ tiết niệu định kỳ để được đánh giá các chỉ số sức khỏe thường xuyên, và thay đổi kịp thời nếu có những bất thường.
Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi tân tiến, hiện đại, nhẹ nhàng hiện nay, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chất lượng thăm khám để được xác định chính xác mức độ phù hợp với kỹ thuật này để đạt hiệu quả cao trong tán sỏi. Tuân thủ đúng chỉ định điều trị người bệnh có cơ hội sạch sỏi nhanh, đồng thời đảm bảo an toàn, giảm tối đa những biến chứng sau điều trị.