Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những căn bệnh ung thư ác tính phổ biến ở nam giới và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay với công nghệ y học hiện đại, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến giúp phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư từ đó có thể kịp thời điều trị, tăng tiên lượng sống cho bệnh nhân.
Menu xem nhanh:
1. Những hiểu biết cơ bản về ung thư tiền liệt tuyến
1.1. Ung thư tiền liệt tuyến là gì?
Ung thư tiền liệt tuyến là một bệnh lý ác tính do các tế bào bên trong tuyến tiền liệt phát triển không bình thường, mất kiểm soát từ đó hình thành nên khối u. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có những triệu chứng lâm sàng rõ ràng nên rất khó phát hiện. Nếu không được điều trị kịp thời, khối u sẽ di căn ra bên ngoài tuyến, đến các cơ quan lân cận như túi tinh, bàng quang và trực tràng. Ở giai đoạn này thì nguy cơ tử vong là rất cao.
1.2. Những dấu hiệu cảnh báo ung thư tiền liệt tuyến
Trong giai đoạn đầu, có thể sẽ không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Nhưng sau khi các tế bào ung thư phát triển, các triệu chứng có thể gồm:
– Gặp khó khăn trong việc đi tiểu như mắc tiểu nhưng lại không thể đi được hoặc đi mà phải dừng lại đột ngột hay cũng có thể là đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
– Xuất hiện cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu hoặc xuất tinh.
– Phát hiện máu trong nước tiểu hay tinh dịch. Đây là dấu hiệu ít phổ biến nhất nhưng nếu có hiện tượng này thì bệnh nhân cần đi khám nam khoa ngay.
– Khi ung thư tiến triển hơn có thể gây cho người bệnh cảm giác đau sâu ở phía dưới lưng, hông hoặc đùi trên.
2. Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến – chìa khóa bảo vệ sức khỏe nam giới
Tầm soát ung thư là phương pháp tối ưu giúp phát hiện sớm phát hiện ung thư. Tuy nhiên, tầm soát ung thư tuyến tiền liệt không được khuyến cáo thực hiện thường xuyên ở nam giới mọi lứa tuổi
Bởi vì, ung thư tiền liệt tuyến thường phổ biến ở nam giới trong độ tuổi trung niên. Do bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt ở giai đoạn đầu, vì vậy để phát hiện bệnh sớm, nam giới trên 40 tuổi nên đi tầm soát ung thư tuyến tiền liệt định kỳ hằng năm.
2.1. Ý nghĩa của việc tầm soát ung thư tiền liệt tuyến
Nếu ung thư tuyến tiền liệt khi được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao. Không những thế quá trình điều trị bệnh cũng sẽ dễ dàng hơn, giảm thiểu được thời gian và chi phí điều trị. Đồng thời việc tái phát bệnh hay những biến chứng sau khi điều trị khỏi sẽ được giảm thiểu hơn.
Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì lúc này khối u đã di căn hoặc xâm lấn sang những cơ quan nội tặng khác. Lúc này thì việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Ở giai đoạn này, để có thể điều trị thành công thì người bệnh sẽ cần phải thực hiện những biện pháp điều trị nặng như hóa xạ trị, phẫu thuật cắt bỏ khối u,… Những biện pháp này không chỉ tốn kém chi phí, thời gian mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như để lại biến chứng sau này.
Do vậy sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.
2.2. Các phương pháp tầm soát ung thư tiền liệt tuyến
2.2.1. Khám tiền liệt tuyến thông qua trực tràng
Ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ khám trực tiếp bằng cách đeo găng tay và đưa ngón tay vào trong trực tràng để kiểm tra những bất thường ở tuyến tiền liệt. Đây là phương pháp thăm khám cơ bán và đơn giản nhất giúp phát hiện những dấu hiệu bệnh ở tiền liệt tuyến tuy nhiên lại khó phát hiện được ung thư ở giai đoạn đầu. Hơn nữa, khi thực hiện, phương pháp sẽ đem lại cảm giác khó chịu cho người bệnh.
2.2.2. Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư PSA thông qua lấy máu
Khi không có triệu chứng cụ thể, xét nghiệm dấu ấn ung thư PSA sẽ được sử dụng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Việc thực hiện xét nghiệm PSA mang hiệu quả cao trong việc chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
PSA là kháng nguyên đặc hiệu giúp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt tuy nhiên kháng nguyên này còn tồn tại trong một số loại ung thư khác nên vẫn không được coi là đặc hiệu lý tưởng cho tiền liệt tuyến. Chỉ số PSA càng cao thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt càng lớn. Người bình thường sẽ có nồng độ PSA trong máu dưới 4 ng/mL. Tuy nhiên, do kích thước tiền liệt tuyến gia tăng theo độ tuổi nên có thể đánh giá khác nhau theo từng độ tuổi khác nhau như sau:
– Từ 40 đến 49 tuổi: PSA ≤ 2.5 ng/mL
– Từ 50 đến 59 tuổi: PSA ≤ 3.5 ng/mL
– Từ 60 đến 69 tuổi: PSA ≤ 4.5 ng/mL
– Từ 70 đến 79 tuổi: PSA ≤ 6.5 ng/mL
2.2.3. Siêu âm tuyến tiền liệt
Siêu âm cung là phương pháp cung cấp thông tin giá trị cho việc chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Có hai phương pháp siêu âm phổ biến hiện nay:
– Siêu âm trên xương mu: Đây là phương pháp siêu âm bên ngoài vùng xương mu. Phương pháp siêu âm này giúp đo kích thước tuyến tiền liệt, phát hiện những bất thường như thành bàng quang dày, niệu quản và bể thận giãn, ứ nước do u chèn ép,… Ngoài ra, siêu âm trên xương mu còn giúp đánh giá những tổn thương khác như hạch chậu, mức độ u xâm lấn,…
– Siêu âm qua trực tràng: Bác sĩ sẽ đưa đầu dò nhỏ có chiều rộng bằng ngón tay được bôi trơn sẽ được đưa vào trực tràng để quan sát tuyến tiền liệt. Phương pháp này có thể phát hiện được khối ung rất nhỏ trong tuyến tiền liệt, đồng thời giúp sinh thiết chính xác hơn nhờ thiết bị định vị đi kèm với đầu dò.
2.2.4. Phẫu thuật sinh thiết ung thư tiền liệt tuyến
Khi nghi ngờ bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt để xác định chính xác bệnh.
Phương pháp sẽ dùng một đầu kim để lấy mẫu nhỏ của tuyến tiền liệt, mẫu này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Sinh thiết tế bào ung thư tuyến tiền liệt là biện pháp duy nhất có thể chẩn đoán chính xác bệnh nhân có bị ung thư hay không.
2.2.5. Chụp cắt lớp vi tính CT vùng trực tràng
Đây là phương pháp sàng lọc kinh điển với ung thư tiền liệt tuyến. Theo thống kê, chụp cắt lớp vi tính trực tràng có thể phát hiện được 55% đến 68% ung thư tuyến tiền liệt, khi bệnh chưa có triệu chứng. Tuy nhiên, kỹ thuật này thường gây khó chịu cho bệnh nhân và độ nhạy cũng hạn chế.
Trên đây là những thông tin hữu ích về sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến, mong rằng sau khi tham khảo, bệnh nhân có thể hiểu hơn về công dụng và ý nghĩa của việc sàng lọc sớm ung thư tiền liệt tuyến.