Sốt siêu vi là thuật ngữ y khoa được sử dụng để xác định chung tình trạng sốt do nhiễm virus (chính vì vậy, sốt siêu vi còn được gọi là sốt virus). Bệnh lành tính trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số trường hợp sốt siêu vi diễn biến tiêu cực, đòi hỏi bệnh nhân nhập viện điều trị, những bệnh nhân này, chủ yếu là trẻ nhỏ. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI xin tổng hợp thông tin hữu ích cơ bản về sốt siêu vi ở trẻ, đừng bỏ lỡ, bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm
Như đã đề cập phía trên, sốt siêu vi xuất hiện khi bệnh nhân nhiễm virus. Virus gây sốt siêu vi có thể là Rhinovirus, Adenovirus, Coronavirus, Enterovirus, Cúm,…
Sốt siêu vi phát triển mạnh mẽ vào những khoảng giao mùa, khi mà các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm không khí,… thay đổi thất thường. Sở dĩ như vậy là bởi, đây là điều kiện sinh sôi lý tưởng của virus. Về cơ bản, sự phát tán sốt siêu vi sẽ diễn ra theo một trong 2 cách:
– Trực tiếp, từ người bệnh sang người không bệnh: Người không bệnh hít phải dịch tiết đường hô hấp người bệnh ho/hắt hơi ra không khí. Người không bệnh ăn uống thực phẩm dính dịch tiết đường hô hấp người bệnh. Người không bệnh nhận máu của người bệnh.
– Gián tiếp: Người không bệnh sờ/chạm/cầm/nắm đồ đạc dính dịch tiết đường hô hấp người bệnh rồi vô tình sờ/chạm tay lên mắt/mũi/miệng.
Đối tượng nào cũng có thể là nạn nhân của sốt siêu vi. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi, nguy cơ bị sốt siêu vi là cao hơn bình thường, đặc biệt là ở rẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2. Triệu chứng
Triệu chứng sốt siêu vi vô cùng đa dạng. Với mỗi virus nguyên nhân, bệnh lại có triệu chứng riêng biệt. Mặc dù vậy, nhìn chung sốt siêu vi ở trẻ, dù là khởi phát do virus nào, cũng có một số biểu hiện đồng nhất, như: Sốt cao (38 – 39 độ C, thậm chí có thể cao hơn), đau đầu, đau cơ – xương – khớp, buồn nôn và nôn, mệt mỏi,… Ngoài ra, trẻ sốt siêu vi còn có thể có hoặc không các triệu chứng: Ho, đau họng, chảy mũi, khó thở, rối loạn tiêu hóa, phát ban, viêm kết mạc,… Việc có hay không có những dấu hiệu này, phụ thuộc virus nguyên nhân sốt siêu vi.
3. Biến chứng
Sốt siêu vị hiếm khi tiến triển tiêu cực. Tuy nhiên, ít tiến triển tiêu cực không đồng nghĩa với không tiến triển tiêu cực. Thực tế, vẫn ghi nhận một số bệnh nhân sốt siêu vi rơi vào hôn mê, suy thận, suy gan, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết.
4. Điều trị
Có một đặc điểm mọi bệnh lý phát sinh do virus đều có, đó là: Chúng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Hay có thể nói, hệ miễn dịch của chúng ta nói chung và của trẻ nói riêng là thuốc điều trị đặc hiệu duy nhất của bệnh lý này. Sốt siêu vi không phải là ngoại lệ. Trẻ sốt siêu vị được chăm sóc tốt, có thể khỏi bệnh trong 7 – 10 ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình tự chữa lành của cơ thể cũng như để hạn chế nguy cơ sốt siêu vi biến chứng, trẻ có thể sử dụng một số thuốc kiểm soát triệu chứng. Những thuốc này nên được sử dụng dưới sự chỉ định của chuyên gia. Chính vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu sốt siêu vi, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất.
4.1. Chẩn đoán sốt siêu vi ở trẻ
Sốt do virus (sốt siêu vi) và sốt do vi khuẩn tương đối giống nhau về dấu hiệu nhận biết lâm sàng nhưng lại có phương pháp điều trị hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, để điều trị hiệu quả sốt siêu vi hay để chỉ định thuốc kiểm soát triệu chứng sốt siêu vi chuẩn xác, chẩn đoán loại trừ sốt do vi khuẩn là vô cùng cần thiết. Theo đó, để chẩn đoán sốt siêu vi, loại trừ sốt do vi khuẩn, trẻ sẽ được thăm khám lâm sàng (khai thác tiền sử bệnh lý và các dấu hiệu lâm sàng,…) và thăm khám cận lâm sàng, như: Xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch tiết đường hô hấp, xét nghiệm phân,…
4.2. Điều trị hỗ trợ sốt siêu vi ở trẻ
4.2.1. Thuốc kiểm soát triệu chứng
Khi sốt siêu vi đã được chẩn đoán, chuyên gia sẽ chỉ định thuốc kiểm soát triệu chứng cho trẻ, mà ở đây, chủ yếu là thuốc hạ sốt. Về những cái tên cụ thể, chúng ta có thuốc hạ sốt Paracetamol, Ibuprofen hoặc Acetaminophen. Lưu ý, tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ, Aspirin chỉ có thể sử dụng cho bệnh nhân sốt siêu vi trên 18 tuổi.
4.2.2. Những phương pháp kiểm soát triệu chứng khác
Ngoài thuốc, để cải thiện triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ, bố mẹ có thể: Cho trẻ nghỉ ngơi tại phòng thoáng mát, cho trẻ mặc quần áo thấm hút mồ hôi và chườm ấm trán, nách, bẹn cho trẻ. Bổ sung đầy đủ nước và các chất điện giải cho trẻ bằng nước Oresol, nước dừa, nước cam,… Mỗi ngày, cho trẻ ăn uống nhiều bữa nhỏ thay vì ít bữa lớn với thực phẩm được chế biến theo nguyên tắc 3 chữ L: Lỏng, lạt, lạnh.
5. Dự phòng
Xem xét các đường lây được chia sẻ tại mục 1, chúng ta có 4 lưu ý trong dự phòng sốt siêu vị cho trẻ như sau:
– Cho trẻ chủng ngừa đầy đủ các virus đã có vắc xin, như Cúm chẳng hạn.
– Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc thân mật, gần gũi với bệnh nhân sốt siêu vi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cho trẻ đeo khẩu trang cẩn thận, để giảm thiểu tối đa nguy cơ trẻ tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp bệnh nhân sốt siêu vi.
– Vệ sinh thân thể, đồ đạc sinh hoạt và không gian sống của trẻ và gia đình kỹ lưỡng thường xuyên bằng các sản phẩm khử khuẩn.
– Thiết lập cho trẻ một lối sống lành mạnh, bao gồm các thói quen ăn uống và vận động khoa học, giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch – sức đề kháng tự nhiên.
Phía trên là toàn bộ thông tin hữu ích cơ bản về sốt siêu vi ở trẻ. Nếu còn băn khoăn cần giải đáp, liên hệ Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!