Trẻ 5 – 36 tháng tuổi là đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ gặp rất nhiều bệnh lý trong đó có sốt phát ban. Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh là bệnh thường gặp, đơn giản nhưng yêu cầu bố mẹ cần chú ý quan tâm và chăm sóc trẻ đúng cách. Nếu không, sức khỏe của trẻ dễ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đi và để lại nhiều biến chứng khó lường.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh sốt phát ban là gì?
Đây là tình trạng trẻ có các cơn sốt kèm theo các nốt đỏ li ti, các nốt này có thể nổi lên hoặc bằng phẳng so với bề mặt da. Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh là một dạng bệnh lý truyền nhiễm. Trẻ mắc sốt phát ban nhiều là những trẻ thiếu tháng, kháng thể không đủ sức chống cự virus và vi khuẩn.
Phân loại bệnh:
– Ban đào do virus rubella: các nốt ban mật độ dày và nhạt màu. Đây cũng là dấu hiệu phân biệt sốt phát ban với bệnh sởi.
– Ban đỏ do virus sởi: các nốt ban gồ ghề, để lại các nốt thâm sau khi khỏi bệnh
Trẻ sẽ khỏi bệnh và hoàn toàn không để lại biến chứng gì khi bố mẹ biết cách nhận biết sớm, chăm sóc và điều trị dứt điểm cho con. Vậy bố mẹ có thể nhận biết bệnh sớm nhờ các dấu hiệu nào?
2. Biểu hiện bệnh sốt phát ban
Các dấu hiệu nhận biết bệnh có thể phân loại dựa vào 2 thể bệnh như đã đề cập trên:
– Dấu hiệu ban đào: có thời gian phát ban khoảng 3 ngày, bắt đầu từ mặt xuống chân, ban phẳng, nhạt màu. Nhiều trẻ có dấu hiệu nổi hạch sau tai, cổ,…
– Dấu hiệu ban đỏ: ban xuất hiện sau tai lan ra mặt rồi xuống cơ thể. Các nốt ban sần sùi. Trẻ có thể đi kèm các dấu hiệu như có cơn sốt, chảy nước mũi.
Bệnh đem đến các dấu hiệu chung như:
– Quấy khóc, khó chịu, bỏ ăn hoặc ăn kém đi
– Sốt cao bất ngờ, ho, chảy nước mũi,… Các dấu hiệu khá giống với cảm cúm, dễ khiến bố mẹ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, bố mẹ có thể chú ý, các cơn sốt của trẻ khó cắt, kéo dài dai dẳng cảnh báo tình trạng sức khỏe của trẻ đang xấu đi chứ không đơn thuần là cảm cúm.
– Các nốt ban có cảm giác ngứa nhẹ
– Vấn đề về tiêu hóa
Việc phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ là cực kỳ quan trọng. Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng cực kỳ nguy hiểm như:
– Các cơn sốt cao bất thình lình kéo dài không được điều trị dứt điểm có thể khiến trẻ gặp tình trạng giật kinh. Giật kinh không ảnh hưởng quá xấu đến thần kinh của trẻ nhưng cũng được coi là dấu hiệu bất thường.
– Tái phát bệnh nặng hơn. Nhiều trẻ do bị sốt phát ban dai dẳng, lâu dài, dễ bị tái phát và khi này tình trạng bệnh là nặng hơn rất nhiều.
– Bệnh có thể đem đến một số biến chứng khác như: viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu,…
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nhiều bố mẹ vẫn còn băn khoăn về nguyên nhân gây sốt phát ban. Dưới đây là một số nguyên nhân chính giúp bố mẹ phần nào trong cách phòng bệnh cho trẻ:
– Virus lây nhiễm từ người sang người gây bệnh. Trẻ tiếp xúc với người lớn, người chăm sóc, trẻ khác có virus dễ bị lây nhiễm.
– Do chấy rận, chuột,…
4. Chăm sóc trẻ bị sốt phát ban
4.1. Khi nào trẻ cần gặp bác sĩ?
Bệnh sốt phát ban là một chứng bệnh đơn giản, bố mẹ có thể chăm sóc cho trẻ tại nhà nhưng không nên chủ quan. Bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi trẻ có dấu hiệu bất thường. Với những trường hợp dưới đây thì bố mẹ càng không nên chậm trễ:
– Trẻ có cơn sốt cao bất thình lình lên 39 độ và không thể hạ sốt hoặc cắt cơn sốt với thuốc và có cơn co giật
– Đã điều trị tại nhà trên 3 ngày mà trẻ không có dấu hiệu khỏi bệnh
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được đưa đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt
– Trẻ có dấu hiệu mất nước
– Trẻ mệt mỏi, ngủ li bì
4.2. Chăm sóc trẻ khi trẻ bị sốt phát ban
Để chăm sóc cho trẻ khi trẻ bị sốt phát ban, bố mẹ có thể thực hiện kết hợp các biện pháp dưới đây:
– Hạ sốt cho trẻ: dùng thuốc hạ sốt paracetamol, chườm ấm, lau người cho trẻ. Kết hợp bù nước bằng cách cho trẻ bú nhiều. Bố mẹ chú ý để trẻ mặc thông thoáng, không mặc quá nhiều lớp áo. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt mà cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
– Làm thông mũi cho trẻ giúp trẻ hít thở bình thường. Thực hiện bằng cách dùng nước muối sinh lý và khăn sạch. Chú ý tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mũi.
– Chế độ sinh hoạt và ăn uống: mẹ chú ý chia nhỏ các cữ bú, bữa ăn cho trẻ để tránh việc gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Nên cho trẻ ăn đồ ăn loãng, dễ tiêu hóa. Trẻ khi bị sốt phát ban không cần kiêng gió, kiêng nước. Việc cố gắng kiêng gió bằng cách quấn trẻ trong chăn, mặc nhiều áo có thể khiến trẻ bị sốt cao hơn. Bố mẹ có thể tắm và vệ sinh cho trẻ bình thường.
– Vệ sinh: chú ý vệ sinh nhà cửa, không gian sống và các đồ dùng của con như: bình sữa, đồ chơi,…
– Bố mẹ cần theo dõi con tránh để con gãi, cào lên các vết phát ban gây tổn thương
5. Cách phòng bệnh sốt phát ban
Trẻ sơ sinh có thể được chủ động phòng ngừa bệnh bằng một số cách sau:
– Mẹ nên cho trẻ bú đầy đủ để cung cấp đủ khoáng chất và chất dinh dưỡng
– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người có nguy cơ mắc. Chú ý vệ sinh sau khi trẻ được người lạ, ngoài bố mẹ ẵm bế.
– Giữ môi trường sống luôn có độ ẩm hợp lý, thông thoáng, sạch sẽ
– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo lộ trình
Bố mẹ đừng để phút giây lơ là gây nên những biến chứng nguy hiểm cho bé. Khi thấy sức khỏe của trẻ có dấu hiệu chuyển biến tiêu cực, bố mẹ nên cho trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời. Ngoài ra, bố mẹ nên đề cao tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ bảo vệ sức khỏe toàn diện cho trẻ. Thu Cúc TCI đồng hành cùng bố mẹ trên mọi chặng đường.