Trẻ bị sốt phát ban: Dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Sốt phát ban là căn bệnh thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 6 – 36 tháng. Đây cũng là vấn đề được các bậc phụ huynh có con nhỏ vô cùng quan tâm. Trong bài viết bên dưới, chúng tôi sẽ chia sẻ với bố mẹ những dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả khi trẻ bị sốt phát ban.

1. Đôi nét về bệnh sốt phát ban ở trẻ nhỏ

Sốt phát ban ở trẻ là bệnh nhiễm trùng nhẹ thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 6 – 36 tháng. Căn bệnh này phổ biến tới mức rất nhiều trẻ mắc phải. Trên thực tế, có rất nhiều loại sốt phát ban, nhưng phổ biến nhất là ban đỏ và ban đào.

Đặc trưng của bệnh sốt phát ban là bé sẽ nổi các nốt phát ban sau khi bị sốt. Một số bé chỉ bị nổi ban đỏ rất nhẹ và không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, những bé khác có thể gặp phải tất cả các dấu hiệu của sốt phát ban.

Theo các chuyên gia, sốt phát ban ở trẻ nhỏ không phải là căn bệnh quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong những trường hợp hiếm, sốt phát ban có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm.

Sốt phát ban là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ

Sốt phát ban là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ

2. Triệu chứng sốt phát ban ở trẻ nhỏ

Sốt phát ban là căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao với những triệu chứng nhẹ và khó có thể nhận thấy như:

– Sốt: Trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ khoảng 37,5 – 38 độ C hoặc sốt cao đột ngột hơn 39,4 độ C. Một số bé cũng có thể bị sổ mũi, đau họng hoặc ho, sưng hạch bạch huyết ở cổ kèm theo sốt. Thông thường, cơn sốt này sẽ kéo dài từ 3 – 5 ngày.

– Phát ban: Trẻ thường nổi nốt phát ban sau khi bị sốt nhưng không phải lúc nào bé cũng gặp phải triệu chứng này. Thông thường, bé có thể nổi nhiều nốt hoặc những mảng nhỏ màu hồng, có thể có viền trắng ở xung quanh và bắt đầu từ lưng, ngực, bụng rồi lan ra cổ, cánh tay, chân, mặt. Tình trạng phát ban này có thể kéo dài từ vài giờ tới vài ngày. Tuy nhiên, tình trạng này thường không gây ngứa ngáy hay khó chịu.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ bị sốt phát ban thường đi kèm với những triệu chứng như hay quấy khóc, mệt mỏi, tiêu chảy nhẹ, chán ăn, sưng mí mắt. Khi trẻ xuất hiện dấu hiệu co giật do sốt, sốt cao hơn 39,4 độ C và không hạ sốt,… thì bố mẹ phải đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám ngay.

Sốt và nổi nốt phát ban là triệu chứng thường gặp khi trẻ nhỏ bị sốt phát ban

Sốt và nổi nốt phát ban là triệu chứng thường gặp khi trẻ bị sốt phát ban

3. Cách điều trị tình trạng trẻ bị sốt phát ban

3.1. Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt phát ban tại nhà

3.1.1. Những việc bố mẹ nên làm khi chăm sóc bé bị sốt phát ban:

– Nới lỏng quần áo để trẻ cảm thấy thoải mái nhất.

– Không để con sử dụng tay để gãi lên da.

– Chườm ấm không quá 10 phút/ giờ và thường xuyên theo dõi thân nhiệt và hạ sốt cho bé.

– Thận trọng khi tắm rửa cho trẻ.

– Cho con uống thuốc hạ sốt theo sự chỉ định của bác sĩ.

– Với những trẻ lớn, bố mẹ nên khuyến khích con uống nước lọc, các loại nước khoáng, Oresol, chất điện giải,…

– Cách ly con để tránh nhiễm khuẩn và lây nhiễm với những trẻ khác.

Sau khi đã sử dụng các phương pháp hạ sốt và bù đầy đủ nước điện giải cho trẻ, bố mẹ phải tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của con. Nếu diễn biến xấu, bố mẹ nên nhanh chóng đưa con tới bệnh viện uy tín gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị.

3.1.2. Những việc bố mẹ không nên làm khi chăm sóc con bị sốt phát ban

– Không để con ở nơi tù túng, chật kín và ẩm ướt.

– Không đưa con tới nơi đông người, công cộng.

– Không cho con tiếp xúc với sữa tắm, các loại nước tẩy rửa, hóa chất, môi trường ô nhiễm, lông thú nuôi ở trong nhà để bệnh sốt phát ban không có cơ hội diễn biến nặng.

– Không cho con mặc quần áo bó sát và chất liệu vải dễ gây kích ứng da.

– Không cho con ăn những loại thực phẩm khó tiêu, trứng, kem, uống nước lạnh,…

3.2. Cho trẻ nhỏ nhập viện kịp thời

Những trường hợp trẻ bị sốt phát ban, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con vào viện để được bác sĩ điều trị kịp thời là:

– Trẻ nhỏ bị sốt không kiểm soát được thân nhiệt dù đã sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

– Trẻ nhỏ bị sốt cao trên 39,4 độ C.

– Tình trạng sốt phát ban không chuyển biến tốt sau 3 ngày.

– Trẻ có hệ miễn dịch yếu kém.

– Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

– Trẻ nhỏ bị mất nước do chứng tiêu chảy.

Bố mẹ cần cho trẻ nhập viện kịp thời khi con có dấu hiệu sốt phát ban

Bố mẹ cần cho trẻ nhập viện kịp thời khi con có dấu hiệu sốt phát ban

Khi cho trẻ nhập viện, bác sĩ sẽ hỏi bố mẹ về tiền sử bệnh của con. Lúc này, bố mẹ cần phải nêu rõ những triệu chứng, nghi ngờ về tình trạng của trẻ để cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ. Sau khi chẩn đoán bệnh, trẻ sẽ được làm xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ để xác định kháng thể chống lại virus sốt phát ban trong cơ thể con.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ thường kê thuốc hạ sốt và chất bù điện giải cho trẻ để kiểm soát tình trạng sốt cao. Nếu trẻ có biểu hiện nặng, bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định phức tạp hơn.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ bị sốt phát ban. Từ đó, biết dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả để con mau khỏi bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital