Sỏi kẹt niệu quản nội thành bàng quang là một bệnh lý phổ biến của sỏi niệu quản. Sỏi nằm tại vị trí này có khả năng di chuyển xuống đường tiết niệu phía dưới dễ dàng hơn so với sỏi nằm đoạn cao hơn. Tuy nhiên nhìn chung sỏi kẹt tại niệu quản là tình trạng đáng báo động và khá nguy hiểm nếu người bệnh cố giữ sỏi hoặc chịu đựng những triệu chứng mà sỏi gây ra. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số thông tin về tình trạng sỏi kẹt niệu quản đoạn nội thành bàng quang và giải pháp điều trị cho người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin cơ bản về sỏi kẹt tại niệu quản nội thành bàng quang
Niệu quản nội thành bàng quang là đoạn niệu quản nối với bàng quang. Đoạn này thường có đường kính hẹp chỉ khoảng 2-3mm, và có đến 70% sỏi niệu quản kẹt tại vị trí này. Sỏi ở vị trí này còn được gọi là sỏi niệu quản đoạn ⅓ dưới.
Niệu quản nói chung có đường kính nhỏ nên khi sỏi mắc kẹt lại sẽ dễ gây ra những triệu chứng tác động đến sức khỏe người bệnh như:
– Các cơn đau quặn thận, đau vùng hông lưng dần dần lan xuống thấp hơn là bộ phận sinh dục.
– Triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu rát, nước tiểu có lẫn máu…
– Diễn biến xa hơn là có thể phải đối mặt với các biến chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, giãn niệu quản, suy thận cấp tính, mạn tính…
2. Giải pháp điều trị sỏi kẹt niệu quản đoạn nội thành bàng quang
Để các triệu chứng bệnh không đeo bám làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt và làm việc của người bệnh, thì việc tiếp nhận điều trị y khoa sớm là điều nên thực hiện sớm. Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị hợp lý nhất. Với sỏi niệu quản nội thành bàng quang, giải pháp điều trị phổ biến hiện nay dành cho bệnh nhân là điều trị nội khoa sử dụng thuốc và sử dụng tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng để loại bỏ sỏi.
2.1 Điều trị nội khoa sỏi kẹt niệu quản nội thành bàng quang
Phương pháp này áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ dưới kích thước còn nhỏ, có khả năng di chuyển được ra bên ngoài cơ thể. Bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên quá trình thăm khám, kết quả xét nghiệm để chỉ định điều trị bằng thuốc theo một liệu trình nhất định. Người bệnh tuyệt đối không nhầm lẫn việc sử dụng thuốc trong điều trị nội khoa và sử dụng các loại loại thuốc nam, thuốc lá, thuốc đông y… Việc sử dụng các loại thuốc mà không có sự đánh giá xác định, và theo dõi tình trạng bệnh rõ ràng bằng các thiết bị y học tiên tiến có thể làm gia tăng triệu chứng bệnh.
Người bệnh mắc sỏi niệu quản phải đảm bảo quá trình sử dụng thuốc là đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng cách để tặng hiệu quả của thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc cần uống nhiều nước, hoạt động thể dục thể thao thường xuyên để hỗ trợ sỏi nhanh chóng đi ra ngoài.
2.2 Tán sỏi kẹt niệu quản nội thành bàng quang thông qua nội soi niệu quản ngược dòng
Đây là giải pháp mới có nhiều ưu việt hơn mổ mở truyền thống được áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ dưới nói chung. Phương pháp này hoạt động bằng cách sử dụng kỹ thuật nội soi niệu quản, đưa máy nội soi qua niệu đạo vào bàng quang đến niệu quản để tìm sỏi. Sau đó sử dụng năng lượng laser cũng được dẫn vào theo đường tự nhiên này để bắn phá sỏi thành vụn kích thước nhỏ. Chỉ trong khoảng 30-60 phút viên sỏi to sẽ trở thành những vụn nhỏ và được đưa toàn bộ ra bên ngoài.
Quá trình tán sỏi kẹt niệu quản đoạn nội thành bàng quang diễn ra hoàn toàn theo đường tự nhiên là đường ống dẫn nước tiểu. Chính vì vậy người bệnh hoàn toàn không có tác động của dao kéo, không có vết rạch mổ, không để lại sẹo trên cơ thể. Bệnh nhân cũng cảm thấy ít đau, không mất sức, không nằm một chỗ quá lâu. Thường sau khoảng 24h là bệnh nhân trở về nhà sinh hoạt và làm việc nhẹ nhàng. Sau khoảng 1 tuần sonde JJ được rút ra, người bệnh bình phục hoàn toàn, rút ngắn thời gian phục hồi hơn rất nhiều so với mổ mở mất 1 đến 2 tháng.
3. Làm thế nào để tránh gặp tình trạng sỏi niệu quản nội thành bàng quang
Sỏi kẹt ở niệu quản ⅓ dưới hay cụ thể là vị trí nội thành bàng quang chủ yếu là do sỏi thận rơi xuống mà không thể di chuyển theo dòng nước tiểu xuống thấp hơn. Do vậy để hạn chế tình trạng này người bệnh cần điều trị triệt để sỏi thận. Sỏi mắc kẹt tại niệu quản sẽ rất dễ gây nhiều biến chứng như giãn niệu quản đoạn trước sỏi, giãn đài bể thận, thận ứ nước ứ mủ, suy giảm chức năng thận.
Sau khi đã điều trị thành công sỏi niệu quản, người bệnh cũng không nên chủ quan mà cần giữ cho mình một lối sống lành mạnh, khoa học để hạn chế khả năng tái phát sỏi.
– Uống nhiều nước khoảng 2-3 lít mỗi ngày. Nước có thể là nước lọc, nước ép hoa quả rau củ, hạn chế uống các loại nước giải khát, rượu bia…
– Ăn uống lành mạnh không nên ăn quá mặn, quá nhiều dầu mỡ, quá nhiều thức ăn nhanh, quá nhiều đạm động vật, quá nhiều thực phẩm chứa oxalate…
– Không nên nhịn tiểu, ngồi một chỗ quá lâu, lười vận động mà cần luyện tập thể dục thể thao bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe của bản thân khoảng 30 phút mỗi ngày.
– Thăm khám sức khỏe định kỳ 3 đến 6 tháng một lần để đảm bảo hệ bài tiết hoạt động tốt, không gặp vấn đề.
Một số lời khuyên trên đây đều không quá phức tạp, dễ dàng duy trì được hàng ngày, vì thế nên nếu áp dụng đúng cách tỷ lệ nguy cơ tái phát sỏi do những nguyên nhân bên ngoài tác động sẽ giảm hơn so với những người không tuân thủ.
4. Kết luận
Trên đây là các thông tin cơ bản về tình trạng sỏi niệu quản đoạn nội thành bàng quang. Bạn đọc chắc hẳn đã biết được những dấu hiệu nhận biết bệnh, những biến chứng bạn có thể phải đối mặt cũng như các phương pháp điều trị phổ biến, ứng dụng rộng rãi hiện nay. Bệnh nhân khi tiếp nhận điều trị cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin của bệnh viện, phương pháp thực hiện, lựa chọn bệnh viện uy tín có trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp để quá trình điều trị sỏi của mình được đảm bảo đạt kết quả toàn diện.