Phẫu thuật ung thư tuyến giáp là một phương pháp then chốt trong quá trình điều trị bệnh lý ung thư tuyến giáp. Vậy sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp người bệnh cần lưu ý những điều gì để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về phẫu thuật ung thư tuyến giáp
1.1 Các phương pháp phẫu thuật cụ thể trong điều trị ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp có 4 thể chính là ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư tuyến giáp thể nang, ung thư tuyến giáp thể tủy và ung thư tuyến giáp dạng không biệt hóa. Dù khác nhau về đặc điểm nhưng phương pháp điều trị được sử dụng đầu tiên và then chốt trong điều trị của cả 4 loại ung thư này vẫn là phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng dạng bệnh và giai đoạn khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất.
– Phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp hay cắt thùy tuyến giáp: Chỉ có phần thùy tuyến giáp chứa tế bào ung thư và eo giáp bị loại bỏ.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp thường được chỉ định trong các trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang có kích thước không quá 4cm và chưa có dấu hiệu vượt ra bên ngoài tuyến giáp.
– Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp: Là phương pháp điều trị thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang có kích thước khối u lớn hơn 4cm, bệnh đã có dấu hiệu lan đến bề mặt của tuyến giáp, đã di căn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Các trường hợp ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa, phương pháp điều trị sẽ là cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ và xạ trị bổ trợ.
1.2 Nguyên tắc điều trị ung thư tuyến giáp sau thực hiện phẫu thuật
Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp bệnh nhân vẫn cần điều trị bổ trợ, và nguyên tắc của quá trình điều trị sau phẫu thuật đó là:
– Điều trị nội tiết sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp bằng cách uống hormone tuyến giáp thay thế suốt đời, và sử dụng liều lượng cụ thể tùy vào chỉ định của bác sĩ đối với bệnh nhân cắt 1 phần tuyến giáp..
Mục đích sử dụng thuốc đường uống hormone thay thế là để thay thế hormone tuyến giáp, đồng thời làm, chậm sự phát triển của tế bào ung thư còn lại sau phẫu thuật.
– Sử dụng i-ốt phóng xạ theo đường uống sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp để đảm bảo không còn tế bào ung thư sót lại, tiêu diệt những ổ nhỏ di căn sau phẫu thuật, tránh ung thư tuyến giáp tái phát.
2. Những lưu ý điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật
2.1 Lưu ý sử dụng hormone tuyến giáp sau điều trị phẫu thuật
Sau khi trải qua phẫu thuật tuyến giáp triệt căn, người bệnh đã mất đi cơ quan sản xuất hormone nên phải bắt buộc sử dụng hormone tuyến giáp thay thế. Và trong quá trình sử dụng người bệnh cần lưu ý những điểm sau:
– Uống thuốc đúng theo liều lượng bác sĩ chỉ định bởi liều lượng thuốc có thể sẽ được tăng hoặc giảm dựa trên các yếu tố như tình trạng sức khỏe hiện tại, thời gian sử dụng, tuổi tác… Tránh tự ý tăng giảm liều lượng thuốc bởi có thể sẽ dẫn đến các bệnh lý cường giáp, suy giáp.
– Chú ý đến thời điểm uống thuốc mang lại tối ưu trong việc hấp thu và chuyển hóa của cơ thể.
– Lưu ý sử dụng các loại thuốc khác cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh tương tác thuốc.
2.2 Lưu ý sử dụng phóng xạ I-ốt 131 sau phẫu thuật
Không giống các loại thước thông thường mà là một chất phóng xạ, nên trong quá trình sử dụng bệnh nhân cần lưu ý:
– Uống thuốc theo chỉ định đúng thời gian và liều lượng của bác sĩ.
– Nếu gặp tác dụng phụ của thuốc, người bệnh có triệu chứng bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ trực tiếp điều trị của bạn.
– Thực hiện nghiêm túc cách ly an toàn phóng xạ trong phòng cách ly, tuyệt đối không để các chất thải cá nhân rò rỉ ra bên ngoài môi trường, để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người xung quanh đặc biệt là cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.
– Uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên để tăng quá trình hấp thụ và đào thải i-ốt
2.3 Lưu ý trong việc theo dõi và tái khám sau phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp
Sau khi trải qua cuộc đại phẫu thuật ung thư tuyến giáp, người bệnh cần nhiều thời gian để phục hồi, vậy nên trong thời gian này người nhà cần chú ý theo dõi sức khỏe, chăm sóc và tái khám đầy đủ để giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi, sức khỏe được đảm bảo.
– Theo dõi các biến chứng sau phẫu thuật, nhận thấy những dấu hiệu bất thường như: Sốt cao kéo dài hơn 24 tiếng, da bị đỏ và sưng, đau tại vết mổ, chảy máu tại vết mổ, khó thở… người nhà cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được xử lý kịp thời.
– Chăm sóc vết mổ theo đúng chỉ định hướng dẫn của bác sĩ, cần hạn chế tối đa vết thương mổ tiếp xúc với nước, bị cọ xát với vật khác hoặc bị tì đè lên.
– Bệnh nhân cần tới viện thăm khám và kiểm tra lại theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi khả năng phục hồi, khả năng tái phát ung thư tuyến giáp…
2.3 Lưu ý về chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp
Bệnh nhân thực hiện phẫu thuật ung thư tuyến giáp sẽ phải hạn chế vận động vùng cổ, do đó bệnh nhân nên được ăn những loại thức ăn mềm, lỏng, không cần nhai nhiều và dễ tiêu hóa. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết khi nào được quay trở về chế độ ăn uống bình thường.
Bên cạnh cách chế biến thực phẩm ở dạng mềm lỏng thì bệnh nhân cũng cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể để quá trình phục hồi được diễn ra tốt.
– Uống đủ nước, uống bổ sung các loại nước ép trái cây để tăng cường vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
– Nên sử dụng thực phẩm giàu vitamin C, thực phẩm giàu kẽm để thúc đẩy vết thương nhanh lành và hệ thống miễn dịch hoạt động ổn định.
Cuối cùng người bệnh luôn cần giữ một tinh thần thoải mái lạc quan, đồng thời tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ thì tốc độ hồi phục của bệnh nhân sẽ được rút ngắn đáng kể, nhanh chóng trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc bình thường.