Quy trình điều trị với kỹ thuật tán sỏi nội soi ngược dòng

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Mỗi liệu pháp điều trị sỏi tiết niệu đều có những quy trình nhất định để đảm bảo đem lại hiệu quả điều trị cao và an toàn cho người bệnh. Kỹ thuật tán sỏi nội soi ngược dòng cũng yêu cầu bệnh nhân điều trị với các bước nhất định. Bệnh nhân và người nhà hãy cũng tìm hiểu cụ thể quy trình này trong bài viết dưới đây.

1. Trước điều trị với tán sỏi nội soi ngược dòng

1.1 Thăm khám trước khi tán sỏi ngược dòng

Các phương pháp điều trị tán sỏi là giải pháp khắc phục hoàn toàn nhược điểm của các liệu pháp điều trị truyền thống trong điều trị sỏi tiết niệu. Đối với kỹ thuật tán sỏi nội soi ngược dòng, người bệnh có thể điều trị sạch sỏi trong thời gian ngắn từ 30 – 45 phút mà không cần mổ, không đau, không gây nhiều biến chứng . Đồng thời, vì không can thiệp phẫu thuật nên người bệnh hồi phục sau điều trị nhanh chóng, tiết kiệm tối đa thời gian lưu viện.

Tán sỏi nội soi ngược dòng là phương pháp điều trị sỏi niệu quản, sỏi bàng quang được đánh giá cao bởi độ sạch sỏi và an toàn. Tuy nhiên, để quá trình điều trị với phương pháp này diễn ra thuận lợi, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Thăm khám trước khi thực hiện kỹ thuật tán sỏi nội soi ngược dòng

Bệnh nhân được chỉ định những xét nghiệm/ chẩn đoán cần thiết để xác định chính xác tình trạng sỏi trước khi can thiệp điều trị

Trước khi tiến hành điều trị với tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, người bệnh cần thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Thận – Tiết niệu để nắm bắt được tình trạng viên sỏi trong cơ thể:

– Kích thước và vị trí sỏi: Đây là yếu tố quan trọng, nhờ đó bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Sỏi từ 5mm trở xuống được coi là sỏi nhỏ và từ 5mm đến 20mm đa phần sẽ được chỉ định tán sỏi. Bên cạnh đó, sỏi có thể xuất hiện tại thận, niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo; tùy vào vị trí của sỏi, bác sĩ sẽ nghiên cứu phác đồ điều trị phù hợp nhất.

– Tính chất và số lượng: Một vài trường hợp, bệnh nhân có thể có nhiều sỏi trong cùng một vị trí hoặc nhiều sỏi ở nhiều vị trí khác nhau. Đồng thời, cũng có một số trường hợp, bệnh nhân xuất hiện sỏi với tính chất đặc biệt như: sỏi quá cứng, sỏi xù xì phức tạp, sỏi dính chặt vào niêm mạc tiết niệu… Thực hiện các xét nghiệm và thăm khám ban đầu giúp bác sĩ nắm rõ được tình trạng của bệnh nhân và điều trị hiệu quả hơn.

1.2 Những xét nghiệm cần làm trước khi tán sỏi ngược dòng

Một số xét nghiệm trước khi thực hiện tán sỏi ngược dòng, bệnh nhân có thể được chỉ định bao gồm: xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp CT, chức năng gan, thận, điện tâm đồ, siêu âm tim… Đặc biệt lưu ý, bệnh nhân không được lược bỏ bước thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và thực hiện điều trị tại nhà, điều trị nội khoa không theo chỉ định, điều này rất nguy hại cho sức khỏe.

2. Quá trình điều trị với tán sỏi nội soi ngược dòng

2.1 Chuẩn bị cho quá trình điều trị với kỹ thuật tán sỏi nội soi ngược dòng

Chuẩn bị cho bệnh nhân

Để bắt đầu điều trị tán sỏi ngược dòng, bệnh nhân cần nhịn ăn uống hoàn toàn trước khi mổ ít nhất 6 giờ để tránh biến chứng trào ngược thức ăn. Biến chứng này có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh bởi gây sặc. Nếu bệnh nhân đã lỡ ăn, cần báo ngay với nhân viên y tế để xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được chuẩn bị các bước trước điều trị như: tháo tư trang cá nhân, cạo sạch lông bộ phận sinh dục và đi tiểu trước khi mổ, thay trang phục phù hợp… Đồng thời, bệnh nhân tuyệt đối lưu ý không xóa ký hiệu được bác sĩ đánh dấu trên cơ thể.

Quá trình điều trị với tán sỏi nội soi ngược dòng

Thực hiện đầy đủ các công tác chuẩn bị trước khi tiến hành tán sỏi

Chuẩn bị dụng cụ phòng mổ

Đối với nhân viên y tế và cơ sở ý tế, trước mỗi ca điều trị tán sỏi ngược dòng, cần chuẩn bị đầy đủ:

– Phòng mổ: Khí tươi, dụng cụ gây mê hồi sức, gây mê nội khí quản…

– Dụng cụ y tế, gồm: Dàn nội soi hệ tiết niệu và ống nội soi niệu quản, Sonde JJ, dây dẫn, pince, rọ lấy sỏi, dây laser, bộ máy phát tia laser.

– Phòng hồi sức: Bệnh nhân theo dõi sau điều trị.

2.2 Tiến hành điều trị với kỹ thuật tán sỏi nội soi ngược dòng

Mọi điều kiện đã sẵn sàng, bệnh nhân có thể tiến hành điều trị tán sỏi nội soi ngược dòng. Toàn bộ quá trình diễn ra sau 30 – 45 phút và bệnh nhân hoàn toàn không cảm thấy đau đớn, khó chịu trong quá trình điều trị.

Đầu tiên, điều dưỡng tiến hành gây tê tủy sống cho bệnh nhân và đặt bệnh nhân nằm tư thế sản khoa.

Sau đó, tiến hành đưa ống nội soi tiến hành đưa ông nội soi qua niệu đạo đến bàng quang và niêu quản.Thông qua màn hình camera, bác sĩ sẽ tiếp cận viên sỏi và tán laser để làm sỏi vỡ vụn. Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ là rọ chuyên dụng cố gắng gom hết vụn sỏi đưa ra ngoài, một số ít vụn sỏi rất nhỏ còn lại sẽ tự thoát ra ngoài theo đường tiểu.

Quá trình điều trị với kỹ thuật tán sỏi nội soi ngược dòng

Ekip tiến hành thực hiện tán sỏi niệu quản cho người bệnh tại TCI

Sau khi hoàn thiện, bác sĩ sẽ đặt một dây dẫn lưu từ thận qua niệu quản xuống bàng quang – Sonde JJ để giúp vụn sỏi, cặn sỏi còn lại đi ra ngoài dễ dàng, nhanh chóng, đồng thời để tránh tình trạng niệu quản bị hẹp sau can thiệp điều trị, đặc biệt là viên sỏi nằm lâu năm có độ bám dính chắc ở niêm mạc niệu quản Sonde JJ sẽ được bác sĩ rút ra theo tình trạng của từng người bệnh, thông thường là khoảng 1-2 tuần.

3. Sau điều trị với tán sỏi nội soi ngược dòng

Một số lưu ý quan trọng sau điều trị với kỹ thuật tán sỏi nội soi ngược dòng, bệnh nhân cần lưu ý như sau:

– Sau khi tán sỏi, một vài trường hợp sau khi đi tiểu, bệnh nhân có thể thấy một chút máu nhạt. Hiện tượng đi tiểu ra máu sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn.

– Một vài trường hợp, bệnh nhân cũng bị đau lưng nhẹ hoặc đau nhẹ ở dương vật. Đây cũng là tình trạng thường gặp và có thể tự hết sau một vài ngày.

– Người bệnh nên duy trì thói quen ăn uống sinh hoạt hợp lý:

+ Ăn kiêng, cân bằng dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ.

+ Uống nhiều nước mỗi ngày để đào thải vụn sỏi, không nhịn tiểu.

+ Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, không ngồi hoặc nằm quá lâu.

+ Có thể bổ sung thêm một số thuốc theo chỉ định của bác sĩ: thuốc kiểm soát tỷ lệ khoáng chất, thuốc lợi tiểu…

– Nếu cơ thể sốt cao không dứt hoặc đau quặn thận…, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị sớm.

– Trở lại bệnh viện khám định kỳ sau điều trị để theo dõi tình trạng sạch sỏi.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital