Phương pháp điều trị sỏi tiết niệu đối với sỏi niệu đạo trước

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi niệu đạo chắn hẳn một bệnh lý thuộc sỏi tiết niệu mà có thể bạn đã từng nghe thấy. Đây là bệnh lý phổ biến ở nam giới hơn là nữ giới, và có đến ⅔ sỏi mắc ở niệu đạo trước của nam giới, nhiều hơn so với ở niệu đạo sau. Vậy sỏi ở niệu đạo trước là gì, nguyên nhân gây bệnh và các phương pháp điều trị như thế nào hãy cùng theo dõi bài viết sau đây nhé.

1. Niệu đạo trước và sỏi niệu đạo trước

Niệu đạo trước là khái niệm được sử dụng cho đoạn nằm gần với lỗ sáo (lỗ tiểu) của đường ống niệu đạo dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể ở nam giới. Niệu đạo ở nam giới có độ dài từ khoảng 18-20cm và được chia nhỏ thành năm phần từ trên xuống đó là niệu đạo tiền liệt tuyến, niệu đạo màng, niệu đạo hành, niệu đạo dương vật, niệu đạo hố thuyền. Niệu đạo trước sẽ bao gồm niệu đạo hành, niệu đạo dương vật, niệu đạo hố thuyền.

Sỏi ở niệu đạo trước nghĩa là người bệnh có tinh thể rắn xuất hiện tại đường ống niệu đạo đoạn trước gần với lỗ sáo, mắc kẹt tại đây và không di chuyển được ra bên ngoài. Thông thường sỏi ở vị trí niệu đạo phía trước sẽ có khả năng theo dòng nước tiểu đi ra ngoài dễ dàng hơn so với sỏi ở vị trí đoạn trên cao.

2. Nguyên nhân hình thành sỏi ở niệu đạo đoạn trước

Sỏi mắc kẹt tại niệu đạo chủ yếu là do quá trình rơi của sỏi ở đường tiết niệu trên xuống và không di chuyển được nên dẫn đến kẹt tại đây.

Một số nguyên nhân khác có thể là bởi bệnh nhân có tình trạng hẹp niệu đạo, dị dạng niệu đạo dẫn đến nước tiểu ứ đọng lâu ngày kết tủa cặn thành sỏi. Hoặc cũng có thể bệnh nhân gặp tình trạng hẹp bao quy đầu, dính bao quy đầu khiến sỏi mắc kẹt tại niệu đạo phía trước và không thể theo dòng nước tiểu ra ngoài. 

Tổng quan về bệnh sỏi niệu đạo trước

Hẹp niệu đạo có thể dẫn đến tình trạng ứ đọng nước tiểu lâu ngày hình thành nên sỏi

3. Giải pháp điều trị sỏi tiết niệu – sỏi ở niệu đạo trước

3.1 Tại sao cần điều trị kịp thời bệnh lý sỏi ở niệu đạo trước của nam giới?

Sỏi kẹt tại đoạn niệu đạo phía trước ở nam giới sẽ dễ dẫn đến những triệu chứng đau buốt bộ phận sinh dục do sỏi cọ xát. Khi đi tiểu người bệnh cũng sẽ nhận thấy những khác biệt như tiểu tia nhỏ, dòng tiểu ngừng đột ngột, có thể tiểu thành hai tia, đi tiểu đau buốt,… Những triệu chứng này gây ảnh hưởng, khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

Khi sỏi kẹt tại niệu đạo lâu ngày mà không được xử lý loại bỏ, bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp những biến chứng gây ảnh hưởng đến hệ bài tiết và xa hơn là sức khỏe của toàn bộ cơ thể.

Cụ thể, khi dòng nước tiểu bị ngăn chặn, bàng quang không thể đẩy hết hoàn toàn nước tiểu ra ngoài, trong khi đó thận vẫn hoạt động lọc chất thải bài xuất nước tiểu đưa nước tiểu xuống bàng quang. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng ngược dòng, nước tiểu đẩy lại thận dẫn đến thận ứ nước, thận bị giãn căng phồng.

Nghiêm trọng hơn người bệnh sẽ gặp các tình trạng nhiễm khuẩn và suy thận khi thận bị ứ nước lâu ngày mà không được điều trị.

Tổng quan về bệnh sỏi niệu đạo trước

Bệnh nhân mắc sỏi niệu đạo cần tiến hành điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm đối với thận và hệ bài tiết

3.2 Phương pháp điều trị tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser cho sỏi niệu đạo đoạn trước

Khi sỏi có kích thước nhỏ kết hợp với bệnh nhân chưa có các tình trạng thận ứ nước hay nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc phối hợp với chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày để sỏi có thể tự di chuyển và trôi ra ngoài theo dòng nước tiểu.

Lưu ý rất quan trọng khi người bệnh sử dụng thuốc đó là cần uống nhiều nước và phải tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Tránh tự ý kê đơn, thay đổi liệu trình uống thuốc, điều này có thể làm bệnh nặng hơn và gặp những tác dụng không mong muốn.

Bên cạnh phương pháp điều trị nội khoa sử dụng thuốc để giúp đẩy sỏi ra ngoài thì đối với trường hợp sỏi không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc kích thước đã lớn gây cản trở quá trình bài tiết. Phương pháp điều trị sỏi tiết niệu lúc này là cần tán sỏi nội soi ngược dòng để làm vỡ vụn sỏi, đưa sỏi ra ngoài. 

Đây là phương pháp loại bỏ sỏi tân tiến mà không cần mổ mở, bệnh nhân sẽ được lấy sỏi thông qua đường tự nhiên của cơ thể là niệu đạo bằng một ống nội soi chuyên dụng và tán vỡ bằng năng lượng laser, sau đó hút hoặc gắp ra ngoài.

Đối với phương pháp điều trị sỏi tiết niệu tân tiến này người bệnh hoàn toàn không có vết mổ, không có sẹo, ít chảy máu, thời gian lưu viện rất ngắn chỉ khoảng 2-3 ngày. Người bệnh cũng cần lưu ý sau tán sỏi nên nghỉ ngơi không vận động mạnh, làm việc nặng trong khoảng 1 tuần và phải uống nhiều nước để cặn sỏi còn sót có thể nhanh chóng đào thải ra ngoài. Đặc biệt phải đến tái khám theo yêu cầu của bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe, hạn chế nguy cơ sỏi tái phát.

Tổng quan về bệnh sỏi niệu đạo trước

Bệnh nhân thực hiện tán sỏi tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

4. Một số lưu ý giúp ngăn ngừa sỏi tái phát

Sau khi đã điều trị sỏi, người bệnh nên xây dựng cho bản thân một lối sống khoa học, lành mạnh để ngăn ngừa bệnh quay trở lại. Bởi nguyên nhân dẫn đến sỏi không nằm đâu xa mà chính do thói quen trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

– Mỗi ngày bạn cần nhớ phải uống nước từ 2 đến 3 lít, và cần bổ sung thêm nếu bạn làm việc nặng, hoạt động thể dục thể thao, vận động mạnh.

– Tuyệt đối không nhịn tiểu, cần đi tiểu ngay khi có nhu cầu để hạn chế nguy cơ tái phát.

– Ăn nhiều trái cây, rau củ quả chứa chất xơ và các loại vitamin A, B6, D…

– Cắt giảm lượng đạm động vật, muối, đường trong thực đơn hàng ngày.

– Hạn chế sử dụng chất kích thước, rượu bia, thuốc lá bởi sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc sỏi và làm suy yếu thận.

– Sử dụng thuốc và bổ sung vitamin khoáng chất cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.

– Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để quá trình bài tiết của cơ thể diễn ra thuận lợi.

– Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm sỏi, phát hiện sỏi kích thước nhỏ phương hướng điều trị cũng sẽ đơn giản và đỡ tốn nhiều chi phí.

Hy vọng với những thông tin chúng tôi chia sẻ về bệnh sỏi ở niệu đạo trước, bạn đọc đã trang bị thêm kiến thức cho bản thân. Khi phát hiện bệnh không nên chủ quan nghĩ rằng sỏi ở gần với lỗ sáo có thể tự di chuyển ra ngoài. Bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bệnh để được điều trị loại bỏ sỏi kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital