Phương pháp chẩn trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn là gì?

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Khác với thiếu máu cục bộ cấp tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính thường không gây nguy hiểm ngay nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, đe dọa đến tính mạng. Cùng tìm hiểu bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn là gì, phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh ra sao qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tổng quan về bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ mạn

Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính hay còn gọi là bệnh động mạch vành ổn định. Bệnh biểu hiện bằng những cơn đau thắt ngực ổn định với đặc điểm:

– Đau như thắt lại, bó nghẹt, đè nặng trước ngực, có khi buốt giá

– Bệnh nhân cảm thấy khó thở, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, vã mồ hôi

– Đau ngực khi gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá

– Thường là những cơn đau ngắn, đỡ khi nghỉ hoặc dùng nitrates

– Vị trí đau thường là vùng sau xương ức, lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, xuống tận các ngón tay út, áp út

– Đau có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh

– Kéo dài từ 3 – 5 phút cho đến dưới 20 phút, nếu đau dài hơn và xuất hiện khi nghỉ cần nghĩ đến đau thắt ngực không ổn định hay nhồi máu cơ tim

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cơn đau thắt ngực cũng điển hình như vậy. Nhiều bệnh nhân chỉ cảm giác tức nặng, khó chịu ở ngực, cứng hàm khi gắng sức… Do đó, để xác định bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, bệnh nhân cần được thăm khám và thực hiện những chẩn đoán hiện đại.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành hội chứng mạch vành cấp, gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử. Việc tiến hành điều trị sớm đối với các bệnh nhân này là rất quan trọng. 

Thiếu máu cơ tim cục bộ mạn hay còn gọi là bệnh mạch vành ổn định hay đau thắt ngực ổn định.

Thiếu máu cơ tim cục bộ mạn hay còn gọi là bệnh mạch vành ổn định hay đau thắt ngực ổn định.

2. Các phương pháp chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính

Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ mạn là một quy trình gồm các bước:

2.1 Chẩn đoán lâm sàng

Các bác sĩ sẽ khai thác kỹ các triệu chứng của bệnh nhân, tiền sử bệnh tật, đo huyết áp, sờ tim, gõ tim, nghe tim,…

2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

Để khẳng định chính xác bệnh động mạch ổn định, cần thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng sau:

Xét nghiệm máu

Xác định công thức máu, kiểm tra nồng độ hồng cầu, tiểu cầu, đánh giá mức độ cholesterol…

– Điện tâm đồ lúc nghỉ

Điện tâm đồ là một thăm dò sàng lọc bệnh mạch vành. Trong cơn đau, các bác sĩ có thể thấy ST chênh xuống, sóng T âm.

– Các phương pháp gắng sức

Giúp xác định tình trạng thiếu máu cơ tim mạn, cho phép xác định vùng cơ tim thiếu máu và vị trí động mạch vành bị tổn thương. Đánh giá được nguy cơ bệnh mạch vành, dự đoán khả năng hoạt động thể lực cho bệnh nhân, nhất là sau nhồi máu cơ tim. 

– Siêu âm tim thường quy

Phương pháp thăm dò không xâm lấn giúp tìm kiếm rối loạn vận động vùng, đánh giá chức năng tim, van tim, màng tim, cơ tim…

– Holter điện tim

Phương pháp theo dõi nhịp tim bằng thiết bị gắn trên người trong 24 – 48 giờ, phát hiện những thời điểm xuất hiện bệnh tim thiếu máu cục bộ trong ngày hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ thầm lặng cùng một số các rối loạn nhịp tim khác. Trong cơn co thắt mạch có thể thấy hình ảnh đoạn ST chênh lên.

– Chụp CT mạch vành

Ghi nhận hình ảnh vùng tổn thương do thiếu máu cơ tim, đánh giá khả năng tắc hẹp mà không hề xâm lấn.

– Chụp động mạch vành

Thường chỉ định cho những bệnh nhân suy vành để xác định có thể can thiệp hay không.

Phương pháp chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn là gì?

Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim mạn tính được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp gắng sức, điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp CT mạch vành,…

3. Điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn bằng cách nào?

3.1 Mục tiêu điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn là gì?

Mục tiêu của việc điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ mạn gồm:

– Làm giảm triệu chứng nhằm cải thiện tình trạng khó chịu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh

– Tăng khả năng tưới máu, giảm tình trạng thiếu máu cơ tim

– Cải thiện tiên lượng bệnh để ngăn ngừa tử vong và hội chứng mạch vành cấp

Quan trọng nhất trong việc điều trị bệnh này là kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như chế độ dinh dưỡng, vận động, các thói quen không tốt bằng các biện pháp:

–  Cố gắng từ bỏ hoặc hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia

–  Duy trì tập thể dục hàng ngày, khoảng 30 – 60 phút/ngày, cường độ tập phù hợp với khả năng gắng sức của cơ thể 

 – Tránh ăn quá no tránh các chất béo no, nhiều cholesterol như mỡ, phủ tạng động vật, bơ, sữa béo, trứng, sữa, hạn chế ăn mặn…thay vào đó ăn nhiều cá, rau quả

 – Thường xuyên đi khám để phát hiện và điều trị tốt các bệnh, rối loạn khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,…bằng cách uống thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ

– Nếu bạn thừa cân, béo phì cần có kế hoạch giảm cân

– Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh stress, giữ thăng bằng và điều độ trong cuộc sống

3.3 Các phương pháp điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn là gì?

Tùy vào tình trạng sức khỏe thực tế của bệnh nhân mà sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Hiện nay, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp chủ yếu dành cho các bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ mạn.

– Các loại thuốc thường dùng

Một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị cơn đau thắt ngực ổn định gồm: 

+ Các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu: Aspirin, Ticlopidine, Clopidogrel

+ Thuốc điều trị rối loạn lipid máu: Ức chế men HMG-CoA, dẫn xuất Fibrat, Nicotinic acid, Colestipol, Cholestyramine…

+ Dẫn xuất Nitrates: Nitroglycerin, Isosorbide dinitrate, Isosorbid- 5-mononitrate, Erythrityl tetranitrate…

+ Các thuốc chẹn beta giao cảm: Các loại thường dùng là Metoprolol , Atenolol, Acebutolol, Betaxolol, Propranolol, Nadolol, Timolol, Pindolol…

+ Các thuốc chẹn dòng canxi: Dihydropyridines (thường dùng khi bệnh nhân có tăng huyết áp và có yếu tố co thắt kèm theo), Benzothiazepines (không dùng ở bệnh nhân có giảm chức năng co bóp thất trái, nhịp chậm), Phenylalkylamine (giúp giảm chức năng co bóp thất trái và làm chậm nhịp tim, không nên dùng ở bệnh nhân suy tim).

+ Ức chế men chuyển: Các loại thuốc nhóm này chỉ nên dùng cho những bệnh nhân đau thắt ngực ổn định sau nhồi máu cơ tim có rối loạn chức năng thất trái hoặc bệnh nhân có tăng huyết áp kèm theo. Nên bắt đầu bằng liều thấp để tránh tụt huyết áp và suy thận.

+ Điều trị Hormon thay thế: Estrogen, vitamin E…

Các loại thuốc này chỉ mang tính tham khảo. Để biết thêm về cách sử dụng các loại thuốc, bệnh nhân vui lòng liên hệ bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh hoặc đi khám để được để được chẩn đoán, kê đơn và tư vấn chi tiết.

Dùng thuốc là một trong các biện pháp điều trị giúp cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ mạn.

Dùng thuốc là một trong các biện pháp điều trị giúp cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ mạn.

– Cần làm gì nếu điều trị bằng thuốc không có tác dụng?

Trong trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng hoặc mạch vành bị tắc hẹp diện rộng, nhiều động mạch vành bị hẹp, ví dụ tổn thương 3 động mạch vành trở lên, tổn thương thân chung,… bệnh nhân có thể phải thực hiện các biện pháp can thiệp khác theo chỉ định của bác sĩ nhằm khôi phục khả năng tưới máu cơ tim.

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn là gì và các phương pháp chẩn đoán, điều trị trong từng trường hợp. Đừng quên luôn chủ động đi khám thường xuyên, theo dõi sức khỏe để phát hiện những bất thường dù là nhỏ nhất để bảo vệ mạch vành, tránh các biến cố tim mạch nguy hiểm nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital