Tìm hiểu bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Văn Khuê

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không là băn khoăn của rất nhiều người. Suy tim là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến hơn ở người cao tuổi. Theo thống kê, tỷ lệ suy tim ở người trên 65 tuổi chiếm ít nhất 20% số bệnh nhân nhập viện và gia tăng theo tuổi. Khoảng 85% tử vong vì suy tim xảy ra ở bệnh nhân trên 65 tuổi. 

1. Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không?

1.1 Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không, vì sao?

Suy tim là một bệnh lý tim mạch đặc trưng bởi sự suy yếu hoạt động và chức năng bơm máu của tim. Bệnh thường là hậu quả của một loạt bệnh lý tim mạch khác như bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, hẹp – hở van tim,… hoặc do bẩm sinh.

Bệnh suy tim có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng thường gặp nhiều ở người già. Tỷ lệ suy tim gia thường tăng theo độ tuổi. Theo thống kê, suy tim ở người trên 65 tuổi chiếm ít nhất 20% số bệnh nhân nhập viện. Khoảng 85% trường hợp tử vong do suy tim xảy ra ở bệnh nhân trên 65 tuổi.

Suy tim mức độ càng nặng thì càng nguy hiểm vì khi đó tim càng khó đảm bảo được chức năng nuôi dưỡng cơ thể. Các cơ quan trong cơ thể cũng sẽ hoạt động không hiệu quả. Ở người cao tuổi, suy tim thường xảy ra do quá trình lão hóa, sức khoẻ yếu và cùng nguy cơ cao mắc các bệnh lý phối hợp nên dễ gây biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh. Những biến chứng người già thường gặp khi mắc bệnh suy tim gồm:

– Đột tử

Những đợt suy tim nặng hơn bình thường khiến người bệnh cảm thấy khó thở và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không nhập viện điều trị kịp thời. Họ dễ có những cơn rối loạn nhịp tim đột ngột gây đột tử.

– Phù phổi cấp

Tình trạng suy tim trái diễn tiến đến một mức độ nào đó có thể khiến cho máu ứ lại ở tuần hoàn phổi, gây phù phổi cấp. Tình trạng này thường gặp về đêm, khiến người bệnh phải ngồi dậy để thở. Nếu không được điều trị, phù phổi cấp có thể dẫn đến tử vong.

– Rối loạn nhịp tim

Suy tim mạn tính có thể gây ra những bất thường trong dẫn truyền xung động ở tim, dẫn tới các rối loạn nhịp nguy hiểm như nhịp nhanh thất, rung nhĩ.

– Đột quỵ não

Đột quỵ não có liên quan mật thiết đến các vấn đề tim mạch. Đặc biệt tình trạng suy tim khiến máu lưu thông khó khăn, đồng thời các rối loạn nhịp làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Các cục máu đông này có thể gây tắc nghẽn nhiều vị trí, di chuyển lên não sẽ gây đột quỵ.

Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không?

Suy tim ở người già có thể gây các triệu chứng khó chịu và biến chứng nguy hiểm.

1.2 Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không và các triệu chứng gây ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh?

Người cao tuổi mắc bệnh suy tim có thể gặp nhiều triệu chứng khó chịu như:

– Khó thở: Ban đầu người bệnh có thể chỉ cảm thấy khó thở khi gắng sức, nhưng sau đó tình trạng này xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi. Người bệnh có thể bị khó thở nhiều hơn ban đêm, phải ngồi dậy để thở.

– Đau tức ngực: Tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim và cơ thể có thể gây đau thắt ngực.

– Mệt mỏi: Do thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan, người bệnh suy tim dễ cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.

– Phù chân: Tình trạng này xảy ra do ứ trệ tuần hoàn, thường xuất hiện và nặng hơn về chiều và giảm nhẹ vào buổi sáng.

– Ho: Thường là ho khan không có đờm, ho kéo dài, ho nhiều khi nằm.

– Tiểu đêm, tiểu ít

– Hoa mắt, chóng mặt

– Sưng phù mềm chi do ứ trệ tuần hoàn

Những triệu chứng này có khiến cho rất nhiều hoạt động của người bệnh bị hạn chế, ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Triệu chứng suy tim ở người già

Suy tim nặng có thể gây phù chân, sưng chân.

2. Nguyên tắc và phương pháp điều trị bệnh suy tim ở người cao tuổi

Mục tiêu của việc điều trị suy tim ở người già là làm giảm triệu chứng của bệnh, ổn định huyết động và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, việc điều trị còn giúp phòng ngừa đột tử do suy tim, từ đó giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp. Một số biện pháp chú yếu được dùng để điều trị suy tim bao gồm:

2.1 Điều trị nội khoa

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ suy tim mà bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp các loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị suy tim có thể kể đến như Digoxin, thuốc ức chế men chuyển, chẹn beta giao cảm, chẹn thụ thể AT1 của Angiotensin II; thuốc lợi tiểu…  Ngoài ra bệnh nhân có thể cần kết hợp các thuốc điều trị điều trị bệnh nền như mỡ máu, đái tháo đường, huyết áp…

2.1 Điều trị hỗ trợ

Để sống chung khỏe mạnh với bệnh suy tim và ngăn biến chứng, người bệnh cần áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lí, bao gồm các biện pháp như:

– Không hút các loại thuốc như thuốc lá, thuốc lào,…

– Kiểm tra cân nặng thường xuyên giúp phát hiện sớm tình trạng giữ nước quá mức

– Giảm cân một cách hợp lý ở người thừa cân, béo phì, chú ý không được kiêng khem quá mức, vì dễ khiến tim bị suy kiệt

– Giảm muối trong khẩu phần ăn, hầu như không nên thêm muối trong tất cả các món ăn

– Hạn chế mỡ và cholesterol, thay thế bằng các loại mỡ tốt như mỡ từ cá, dầu olive…

– Hạn chế rượu, bia nếu bị suy tim bởi rượu, bia có thể tương tác với thuốc điều trị suy tim, gây tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim

– Hoạt động ở mức độ vừa phải, thường là mức độ nhẹ hoặc trung bình, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện

– Hạn chế căng thẳng và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Điều trị suy tim ở người già

Mục tiêu điều trị suy tim ở người cao tuổi nhằm giúp người bệnh “sống chung” hòa bình với căn bệnh này và ngăn biến chứng.

Qua đây hi vọng các bạn đã nắm được bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm hay không và các biện pháp kiểm soát phù hợp. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ suy tim hoặc có tiền sử mắc bệnh tim mạch từ trước, người cao tuổi nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital