Tất tần tật về bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Văn Khuê

Bác sĩ Nội Khoa

Thiếu máu cơ tim thầm lặng là một trong những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại và ngày càng nhiều người gặp phải. Đây là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm nhưng thường không có triệu chứng rõ ràng, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. 

1. Thiếu máu cơ tim thầm lặng là bệnh gì?

Thiếu máu cơ tim thầm lặng là tình trạng mạch máu cung cấp không đủ máu, oxy và dưỡng chất cho cơ tim nhưng không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, nhiều người không nhận biết được bệnh ở giai đoạn đầu.

Thiếu máu cơ tim ít triệu chứng xảy ra do sự tích tụ của các chất béo và cục máu đông ở mạch máu, làm hạn chế hoặc tắc nghẽn sự lưu thông của máu qua động mạch vành. Động mạch vành có nhiệm vụ cung cấp oxy và dưỡng chất cho cơ tim để hoạt động một cách hiệu quả. Khi động mạch này tắc nghẽn, cơ tim không nhận được đủ lượng máu cần thiết để làm việc, dẫn đến thiếu máu cơ tim.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Việc nhận biết và chẩn đoán thiếu máu cơ tim yên lặng đòi hỏi sử dụng các phương pháp khoa học. Đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch như huyết áp cao, cholesterol, tiểu đường hoặc béo phì, nên tầm soát tim mạch để phát hiện bệnh sớm và có cách điều trị kịp thời.

Thiếu máu cơ tim thầm lặng là tình trạng mạch máu cung cấp không đủ oxy và dưỡng chất cho cơ tim nhưng không có triệu chứng rõ ràng

Bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim yên lặng không có các triệu chứng rõ ràng.

2. Những đối tượng dễ bị thiếu máu cơ tim yên lặng

Những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ cao hơn mắc thiếu máu cơ tim ít triệu chứng:

– Người trong độ tuổi trung niên và cao tuổi: Nguy cơ mắc thiếu máu cơ tim yên lặng thường cao hơn ở người già. Nguyên nhân là do quá trình lão hóa và tích tụ tác nhân khác trong khoảng thời gian dài.

– Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn mắc thiếu máu cơ tim yên lặng so với phụ nữ. Tuy nhiên, sau tuổi mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh tăng lên ở phụ nữ, xuất phát từ sự thay đổi hormone và quá trình lão hóa.

– Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là yếu tố hàng đầu gây ra nhiều vấn đề tim mạch. Các chất độc hại có trong thuốc lá có thể gây gián đoạn và tắc nghẽn trong mạch máu, gây rối loạn tuần hoàn.

– Cholesterol cao: Mức cholesterol cao là tác nhân dẫn đến hình thành cục máu đông trong mạch máu, làm hạn chế lưu lượng máu và oxy đến cơ tim.

– Béo phì: Cân nặng quá cao tạo áp lực lên hệ tim mạch, gây căng thẳng cho cơ tim và tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim mà không có triệu chứng rõ ràng.

– Tiểu đường: Khi lượng đường trong máu tăng bất thường, các dây thần kinh sẽ bị tổn thương, khiến các triệu chứng càng “thầm lặng” hơn. Do đó, bệnh nhân gặp khó khăn trong việc phát hiện bệnh sớm.

Người cao tuổi có khả năng bị thiếu máu cơ tim cao hơn thanh thiếu niên

Người cao tuổi có khả năng bị thiếu máu cơ tim cao hơn người trẻ

3. Dấu hiệu giúp nhận biết thiếu máu cơ tim yên lặng

Dù không có triệu chứng rõ ràng và rất khó chẩn đoán, thiếu máu cơ tim trong thầm lặng vẫn có thể được phát hiện nếu người bệnh không chủ quan trước các biểu hiện bất thường của cơ thể. Một số dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim như đau ngực nhẹ, khó thở, mệt mỏi. Người bệnh có thể cảm thấy như có vật nặng đè lên ngực trong khoảng vài phút. Ở nhiều trường hợp, triệu chứng này tái diễn nhiều lần.

Thiếu máu cơ tim cũng gây ra cảm giác khó chịu tại các vùng cánh tay, lưng, hàm hoặc cổ. Ngoài ra, một số dấu hiệu thường bị người bệnh bỏ qua như ợ nóng, khó đi cầu, buồn nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh và choáng váng.

Khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, thực hiện các phương pháp chụp chiếu, xét nghiệm để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

4. Phòng ngừa và điều trị thiếu máu cơ tim yên lặng

4.1. Biện pháp phòng ngừa thiếu máu cơ tim thầm lặng

Bệnh nhân nên nghiêm túc thực hiện những biện pháp sau đây để giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim:

– Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng: Người có khả năng cao bị bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như hoa quả, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, việc hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa và natri cao như thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt cũng góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch.

– Điều chỉnh cân nặng: Trọng lượng cơ thể quá mức tiêu chuẩn sẽ tạo áp lực lên tim và các mạch máu, gây nguy cơ mắc thiếu máu cơ tim. Hãy duy trì cân nặng trong khoảng BMI hợp lý bằng các biện pháp khoa học.

– Luyện tập: Sức khỏe mỗi người có thể được cải thiện đáng kể nếu duy trì thực hiện ít nhất 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày, đều đặn 5 ngày trong tuần. Các hoạt động đơn giản nhưng đem lại nhiều lợi ích gồm đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc tham gia các hoạt động thể thao khác.

– Từ bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá là tác nhân gây ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Hãy giảm hoặc ngừng hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

– Giảm căng thẳng: Tinh thần căng thẳng, lo âu gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tim mạch. Vì vậy, mọi người cần áp dụng các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền định để giảm stress và duy trì trạng thái thư giãn.

Ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng và tập luyện đều đặn giúp giảm nguy cơ bị thiếu máu cơ tim

Bổ sung đủ chất dinh dưỡng, tập luyện đều đặn giúp giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim

4.2. Điều trị thiếu máu cơ tim thầm lặng

Quá trình điều trị thiếu máu cơ tim ít triệu chứng thường kết hợp giữa biện pháp thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống và lịch tập luyện thích hợp nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện sức khỏe tim mạch. Nếu cần, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol hoặc ngăn chặn sự hình thành của cục máu đông.

Có thể thấy, thiếu máu cơ tim yên lặng là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại cần được nhận biết và giải quyết kịp thời. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ giảm tối đa nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital