Phân biệt dấu hiệu bệnh bạch hầu với các bệnh khác

Tham vấn bác sĩ

Dấu hiệu bệnh bạch hầu rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như viêm amidan, viêm phế quản trong khi đó mức độ nguy hiểm là khác nhau. Vào giai đoạn có nguy cơ lây nhiễm cao như hiện nay, việc nhận biết bạch hầu sớm, chủ động phòng ngừa lây lan ra cộng đồng là rất quan trọng. Bài viết sau sẽ làm rõ dấu hiệu của bệnh bạch hầu ở trẻ em và người lớn. Đồng thời chỉ ra cách phân biệt với một số bệnh có triệu chứng tương đồng và cách phòng bệnh an toàn, hiệu quả nhất.

1. Dấu hiệu bệnh bạch hầu ở người lớn và trẻ nhỏ

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời. Vi khuẩn bạch hầu là một dạng trực khuẩn không di động nhưng có khả năng sản xuất nhiều loại độc tố. Sau khi xâm nhập vào cơ thể từ 2 – 10 ngày, độc tố của nó ức chế khả năng tổng hợp tế bào, lan khắp cơ thể qua đường máu, gây tổn thương cho hệ thống tuần hoàn, tim, dây thần kinh… gây nhiều biến chứng. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong sau vài ngày xuất hiện triệu chứng.

Căn bệnh này đang có nguy cơ lây lan cao trong cộng đồng, ai cũng có nguy cơ mắc phải. Theo nguồn tin từ báo điện tử VnExpress, chỉ trong khoảng 10 ngày (từ 25 – 28/6 đến 5/7), sau khi ở cùng phòng với nữ sinh được xác định tử vong do bệnh bạch hầu, cô gái ở Bắc Giang đã có biểu hiện đau họng và chủ động mua kháng sinh uống. CDC Bắc Giang đã tiến hành xét nghiệm và xác nhận cô dương tính với khuẩn bạch hầu.

Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh bạch hầu sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc phòng ngừa lây lan và điều trị bệnh.

Hình ảnh mô phỏng vi khuẩn bạch hầu

Hình ảnh mô phỏng vi khuẩn bạch hầu

1.1. Dấu hiệu bệnh bạch hầu ở trẻ em và người lớn

Trẻ em là đối tượng đáng lo ngại nhất, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ nhiễm bệnh. Triệu chứng bạch hầu ở trẻ thường điển hình và rất rõ ràng như sau:

– Trẻ sốt cao đột ngột từ 38,5 – 40 độ, kèm theo đau họng dữ dội, nổi hạch ở cổ.

– Trẻ khó nuốt, chán ăn, trong người mệt mỏi.

– Trong cổ họng, amidan xuất hiện màng giả màu trắng xám hoặc xanh nhạt, sưng hạch bạch huyết.

– Ở trẻ nhỏ còn có biểu hiện khó thở, thở rít, ho khan và có thể tắc nghẽn đường thở (do đường thở hẹp).

Ở người lớn, dấu hiệu bệnh bạch hầu thường nhẹ hơn, khó phát hiện hơn:

– Một số người bị sốt nhẹ, hoặc không sốt.

– Có biểu hiện đau họng, khàn giọng, mệt mỏi và chán ăn.

– Màng giả xuất hiện không rõ ràng hoặc muộn, sưng hạch bạch huyết.

Khi bệnh bạch hầu kéo dài và có xu hướng trở nặng, người bệnh có biểu hiện:

– Cổ họng có áp lực, gây khó khăn trong việc nuốt thức ăn, thậm chí là khó hô hấp, khó giao tiếp.

– Thị lực bị giảm, người bệnh có xu hướng nhìn mờ dần, tầm nhìn xa kém.

– Một số trường hợp có thể bị sốc nhiệt với biểu hiện chính là mặt tái nhợt, đổ mồ hôi lạnh, nhịp tim nhanh đột ngột hoặc không đều.

Ngay khi bệnh nhân sốt kéo dài kèm theo biểu hiện đau họng dữ dội, khó thở, cần đến gặp bác sĩ để khám và điều trị ngay.

1.2. Phân biệt dấu hiệu bệnh bạch hầu với viêm amidan

Triệu chứng của bệnh bạch hầu và viêm amidan có nhiều điểm chung như: Sốt, đau và khó chịu ở họng, khó nuốt, chán ăn và mệt mỏi. Tuy nhiên cũng có khá nhiều sự khác biệt trong từng biểu hiện.

Để nhận biết bị viêm amidan hay mắc bệnh bạch hầu, bạn có thể dựa trên cách phân biệt triệu chứng bạch hầu và viêm amidan sau đây.

Dấu hiệu bệnh bạch hầu và viêm họng không hoàn toàn giống nhau

Dấu hiệu bệnh bạch hầu và viêm họng có thể dễ dàng phân biệt sớm

– Biểu hiện sốt ở người bệnh bạch hầu thường nhẹ (ở người lớn), hoặc sốt cao đột ngột (ở trẻ em). Trong khi đó cơn sốt do viêm amidan thường lên cao 39, 40 độ, có thể kéo dài vài ngày, kèm theo biểu hiện nhức hai bên thái dương.

– Bị bệnh bạch hầu bạn cảm thấy khó chịu ở khu vực cổ họng. Còn khi viêm amidan, người bệnh thường có cảm giác khô cổ, đau cổ ngay cả khi nuốt nước bọt. Bên cạnh đó viêm amidan còn có thể khiến bạn mất giọng, chảy nước mũi này trắng, vàng hoặc tắc mũi.

– Virus bạch hầu làm sưng hạch bạch huyết, còn người bệnh viêm amidan thường bị sưng đỏ amidan

– Giả mạc dày, sẫm màu là triệu chứng đặc trưng của bệnh bạch hầu. Nó bám chặt gần như không tách ra khỏi niêm mạc họng. Nếu cố gắng tách, bạn có thể bị chảy máu. Ở bệnh viêm amidan, đôi khi người bệnh cũng có giả mạc màu trắng nhưng mỏng, màu trắng, dễ lấy ra.

1.3. Phân biệt triệu chứng bệnh bạch hầu với viêm phế quản

Biểu hiện bị bạch hầu và viêm phế quản giống nhau là ban đầu đều ho khan, kèm theo chảy nước mũi, người bệnh mệt mỏi, sốt, khó thở, thở rít (ở trẻ em). Tuy nhiên, bạn có thể phân biệt hai bệnh này dựa trên những đặc điểm khác biệt sau đây:

– Ban đầu bệnh viêm phế quản và bạch hầu đều khiến người bệnh ho khan, tuy nhiên về sau tình trạng ho do viêm phế quản kéo dài dai dẳng và chuyển sang ho có đờm.

– Bệnh bạch hầu gây tổn thương chủ yếu ở vùng họng, còn bệnh phế quản tác động nhiều đến phế quản.

– Triệu chứng bạch hầu tiến triển nhanh hơn viêm phế quản.

– Ở bệnh nhân viêm phế quản không xuất hiện màng giả ở họng.

– Nhìn chung, bệnh bạch hầu được cho là nguy hiểm hơn viêm phế quản.

2. Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu hiệu quả

Bên cạnh việc phân biệt được đâu là dấu hiệu bệnh bạch hầu, đâu là triệu chứng viêm amidan, viêm phế quản, việc làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm bạch hầu cũng rất quan trọng. Trong thời điểm này, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn đang tiếp tục giám định các trường hợp tiếp xúc với nữ sinh tử vong do bạch hầu và các trường hợp dương tính, chúng ta cần hết sức thận trọng đề phòng bệnh lây lan. Hãy chú ý:

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng nên tiêm vắc xin bạch hầu mũi nhắc lại

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng nên tiêm vắc xin bạch hầu mũi nhắc lại

– Tiêm phòng vắc xin bạch hầu cho trẻ và tiêm nhắc lại cho người lớn theo lịch tiêm chủng để tăng cường bảo vệ.

– Rửa tay sạch với xà phòng thường xuyên và hướng dẫn trẻ cách rửa tay diệt khuẩn.

– Súc họng và nhỏ mắt, mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

– Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là khi tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp.

– Khi hắt hơi cần che miệng để hạn chế giọt bắn văng ra xung quanh.

– Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, sát khuẩn thường xuyên và cách lý với người bệnh bạch hầu (nếu có).

– Khi nghi ngờ nhiễm khuẩn bạch hầu, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và tiến hành cách ly theo hướng dẫn của nhân viên y tế để ngăn chặn lây lan.

Tóm lại, dấu hiệu bệnh bạch hầu có nhiều điểm tương đồng với triệu chứng viêm amidan, viêm phế quản. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phân biệt được nếu xem xét kỹ đặc điểm của triệu chứng. Điểm khác biệt lớn nhất ở hai bệnh này là ở lớp giả mạc. Giả mạc do bạch hầu dày, đậm màu, dính chặt vào niêm mạc họng rất khó gỡ. Trong khi đó giả mạc viêm amidan mỏng, sáng màu và dễ loại bỏ; còn bệnh viêm phế quản không có giả mạc.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital