Những phương pháp điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim

Tham vấn bác sĩ

Thiếu máu cục bộ cơ tim có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng tới tính mạng con người. Do đó việc nhận diện và điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim là vô cùng cấp thiết để ngăn chặn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

1. Sơ lược về bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim

Thiếu máu cục bộ cơ tim là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu tới nuôi tim bị sụt giảm, khiến tim không nhận được đủ oxy. Đây có thể là kết quả của việc tắc nghẽn, hẹp một phần hoặc toàn bộ động mạch vành (động mạch đưa máu đến nuôi tim).

Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim làm giảm khả năng bơm máu của cơ quan này và có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim hoặc những cơn đau tim nghiêm trọng.

Bệnh tồn tại ở 2 dạng chính là thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính và thiếu máu cục bộ cơ tim mạn tính.

– Thiếu máu cục bộ cấp tính

Đây là tình trạng động mạch của tim đột ngột bị tắc nghẽn. Tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn tới đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim.

– Thiếu máu cục bộ mạn tính

Là tình trạng động mạch vành ổn định hay cơn đau thắt ngực ổn định, xuất hiện khi người bệnh gắng sức. Cơn đau thường xuất hiện trong thời gian ngắn và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.

Đây là tình trạng ổn định của mảng xơ vữa động mạch vành. Trong quá trình hoạt động, các mảng xơ vữa bị nứt sẽ gây hẹp hoặc tắc lòng mạch, dẫn tới hội chứng mạch vành cấp. Hội chứng này được điều trị ổn định sẽ được xem là bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính hay đau thắt ngực ổn định.

Triệu chứng bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim là gì?

Thiếu máu cục bộ cơ tim là tình trạng lưu lượng máu đi nuôi tim bị sụt giảm.

2. Triệu chứng của người bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim

Theo các chuyên gia y tế, không phải người nào mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim cũng có triệu chứng cụ thể. Trong một vài trường hợp, người bệnh có thể không có bất cứ biểu hiện nào. Song ở nhiều bệnh nhân khác, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

– Cơn đau thắt ngực ổn định

Những cơn đau này thường bắt đầu ở khu vực vùng ngực rồi lan ra phần cổ, vai, lưng. Cơn đau xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn, khi người bệnh làm việc nặng nhọc, hút thuốc lá hoặc lo âu. Kèm theo đó là một số triệu chứng như khó thở, đau đầu, buồn nôn hoặc ra mồ hôi. Tuy nhiên nếu cơn đau thắt ngực ổn định xuất hiện cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi, cần tới bệnh viện ngay lập tức để xử trí, ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim.

– Đau thắt ngực không ổn định

Là tình trạng cơn đau thắt ngực xuất hiện bất thình lình, không có dấu hiệu báo trước, kéo dài và không được cải thiện khi người bệnh nghỉ ngơi hay dùng thuốc. Cơn đau thắt ngực không ổn định làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người bệnh.

Ngoài ra, người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ cũng có thể gặp một vài triệu chứng khác như khó thở, nhịp tim đập nhanh khi làm việc nặng, ra nhiều mồ hôi…

3. Các phương pháp trị bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim

Điều trị bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim có thể thực hiện theo 2 phương pháp là nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa.

Nhận diện và điều trị bệnh thiếu máu cơ tim là vô cùng cấp thiết.

Người bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim thường gặp phải cơn đau thắt ngực.

3.1. Điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim bằng nội khoa

Điều trị nội khoa là phương pháp được ưu tiên áp dụng cho bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim. Một số loại thuốc có thể được các bác sĩ chỉ định để cải thiện tình trạng đau thắt ngực ở người bệnh là:

– Thuốc điều trị rối loạn lipid máu như ezetimibe, statin

– Thuốc chẹn beta giao cảm như Bisoprolol, Metoprolol, Carvedilol, Nebivolol…

– Thuốc chống kết tiểu cầu như Clopidogrel, Aspirin, Prasugrel hay Ticagrelor

– Thuốc ức chế men chuyển như lisinopril, enalapril hay perindopril

– Thuốc chẹn kênh canxi như non dihydropyridines hay dihydropyridines

Hầu hết những loại thuốc trên được sử dụng nhằm làm giảm triệu chứng của bệnh cũng như hỗ trợ quá trình đưa máu lên tim. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng mà phải tới cơ sở y tế để thăm khám và được bác sĩ kê đơn phù hợp.

3.2. Điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim bằng can thiệp ngoại khoa

Điều trị bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim bằng ngoại khoa được chỉ định khi bệnh nhân điều trị nội khoa nhưng vẫn còn triệu chứng đau ngực. Mục đích của việc điều trị can thiệp nhằm làm tăng khả năng tưới máu cơ tim.

Hai phương pháp điều trị bệnh được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

– Nong mạch vành và đặt stent

Các bác sĩ sẽ đưa một đoạn ống thông qua động mạch ngoại biên để đến khu vực mạch vành bị tắc nghẽn, sau đó thổi phồng quả bóng nhỏ được gắn ở đầu ống thông để lưu thông máu bình thường. Đồng thời, đặt stent ở ngay vị trí tắc nghẽn để tránh động mạch hẹp lại.

– Phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Các bác sĩ sẽ tiến hành ghép một mạch máu khác băng qua đoạn động mạch vành bị tắc để lưu thông máu qua đặt stent. Tiếp đó, bác sĩ đưa đoạn ống thông qua động mạch ngoại biên, đi tới khu vực mạch vành bị tắc, sau phần động mạch vành bị tắc.

Các phương pháp phẫu thuật kể trên thường tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Vì thế, người bệnh chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ và cần kiểm soát chặt chẽ để tránh nguy hiểm tới sức khỏe.

Điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim bằng nội khoa và can thiệp ngoại khoa.

Cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời dấu hiệu bất thường của tim.

4. Lời khuyên của chuyên gia trong việc phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh

Theo các chuyên gia, để cải thiện tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim, người bệnh cần bảo vệ tim mạch khỏe mạnh bằng cách chủ động thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học.

Ngoài ra nên thực hiện những phương pháp phòng ngừa dưới đây để có một trái tim khỏe mạnh:

– Bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bằng thực phẩm giàu dưỡng chất, hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa.

– Tập luyện thể thao tăng cường sức khỏe mỗi ngày bằng những bài tập nhẹ nhàng, đơn giản như bơi lội, yoga, đi bộ…

– Hạn chế sử dụng chất kích thích có chứa caffein, nicotin.

– Duy trì cân nặng một cách khoa học, tránh tình trạng thừa cân béo phì.

– Giảm lượng đường trong khẩu phần ăn uống hàng ngày và điều trị đúng cách các bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp, cholesterol.

Đặc biệt, mỗi người cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở tim hoặc những yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital