Những lưu ý cho bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Alzheimer là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, làm sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Bệnh Alzheimer giai đoạn cuối khiến người bệnh hầu như không thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt đơn giản hàng ngày. Bệnh nhân giai đoạn cuối luôn cần sự hỗ trợ từ người thân.

1. Những dấu hiệu của bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

Một số triệu chứng cho thấy bệnh Alzheimer đã tiến triển sang giai đoạn cuối và cần có sự chăm sóc đặc biệt hơn với bệnh nhân là:

– Lặp đi lặp lại một câu hỏi, một câu chuyện.

– Cần nhiều sự hỗ trợ hơn trước, dù là những hành động đơn giản nhất.

– Không thể tự ăn uống.

– Có những hành vi không phù hợp, khác thường.

Khó ngủ, thời gian ngủ – nghỉ bị đảo lộn.

– Hay lục lọi đồ đạc.

– Gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc không thể đi lại, phải dùng xe lăn.

– Khó nuốt, luôn có cảm giác mắc nghẹn.

– Mất nhận thức về không gian, thời gian, môi trường xung quanh.

– Khó biểu đạt suy nghĩ qua lời nói, ngại giao tiếp và thường tránh né tương tác xã hội. Có trường hợp mất khả năng ngôn ngữ, chỉ có thể “ú, ớ”.

– Kích động hơn vào một số thời điểm trong ngày.

– Dễ bị cảm lạnh, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi.

– Gặp khó khăn trong việc đi vệ sinh, có trường hợp đi vệ sinh không tự chủ.

– Thường xuyên nổi nóng, lo âu hoặc không hợp tác trong ăn uống, …

Bệnh Alzheimer giai đoạn cuối, tình trạng mất trí nhớ nghiêm trọng hơn

Ở giai đoạn cuối, tình trạng suy giảm trí nhớ của bệnh nhân nghiêm trọng hơn

2. Những lưu ý trong việc chăm sóc bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối

2.1. Lưu ý chế độ dinh dưỡng của người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

Người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối sẽ không còn khả năng tự ăn mà còn gặp vấn đề như khó nuốt, chán ăn, ăn không ngon miệng nên rất dễ thiếu chất, ảnh hưởng tới sức khỏe. Ở giai đoạn cuối, người nhà nên lưu ý một số điều như sau:

– Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, các thực phẩm giàu vitamin E.

– Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt và đồ uống có cồn.

– Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất tốt cho não.

– Tuyệt đối không được uống bia, rượu và hút thuốc.

Ngoài ra, trong khi cho bệnh nhân ăn, người nhà nên:

– Khi ăn cho bệnh nhân ngồi thẳng và 20 phút sau bữa ăn.

– Tạo không gian ăn uống yên tĩnh, thoải mái và thoáng mát.

– Cho người bệnh ăn từng thìa nhỏ, để họ có thời gian nhai nuốt kỹ. Không nên thúc ép sẽ tạo cảm giác sợ ăn uống.

– Vuốt nhẹ ở cổ đồng thời nhắc họ nuốt thức ăn.

– Thức ăn nên được nấu mềm, cắt nhỏ để dễ nuốt. Tránh cho dùng ống hút khi ăn vì dễ sặc.

2.2. Lưu ý chăm sóc da cho người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

Bệnh nhân Alzheimer mất khả năng di chuyển nên có thể phải nằm một chỗ trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng lở loét ở da. Để hạn chế tình trạng này, người nhà bệnh nhân nên:

– Dùng các miếng lót, nệm giúp giảm nhẹ tình trạng loét da.

– Thường xuyên kiểm tra các bộ phận trên cơ thể nhất là hông, mông, vai để phát hiện và xử lý nếu bị loét.

– Thực hiện các bài tập giãn cơ, vận động tay chân nhẹ nhàng cho bệnh nhân.

– Thường xuyên lật người, cho bệnh nhân ngồi dậy hoặc di chuyển để tránh nằm quá lâu một chỗ.

– Không để da người bệnh bị khô, cho uống thêm nước và ăn trái cây.

Ở giai đoạn cuối, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng kèm theo như bệnh răng miệng, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng … Nếu việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn, người nhà có thể lựa chọn đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế chăm sóc chuyên nghiệp để giúp giảm nhẹ đau đớn. Đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng tâm lý cho người thân khi chăm sóc tại nhà.

2.3. Lưu ý dấu hiệu co giật ở giai đoạn cuối

Bệnh Alzheimer giai đoạn cuối có thể gây ra hiện tượng co giật ở tay chân hoặc toàn bộ cơ thể. Khi thấy người bệnh có dấu hiệu này, cần đưa tới cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ xử lý kịp thời.

3. Hội chứng Alzheimer ở giai đoạn cuối cùng có thể điều trị được không?

Các biện pháp điều trị ở giai đoạn cuối gần như không có tác dụng. Do đó ngay từ khi phát hiện bệnh, người bệnh cần nghiêm túc thực hiện phác đồ của bác sĩ để ngăn chặn bệnh tiến triển nhanh.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị Alzheimer nhưng vẫn có một cách để hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh, cụ thể là:

– Dùng thuốc duy trì chức năng tâm thần: dùng để điều trị bệnh Alzheimer ở giai đoạn vừa đến nặng. Mục đích của nhóm thuốc này là giảm các triệu chứng đồng thời giải quyết một số vấn đề về hành vi. Tuy nhiên thuốc chỉ có hiệu quả với một nhóm bệnh nhân và trong khoảng thời gian nhất định.

– Dùng thuốc kiểm soát hành vi: triệu chứng phổ biến của hội chứng Alzheimer bao gồm mất ngủ, kích động, nóng tính, lo lắng, đi lang thang. Sử dụng nhóm thuốc này sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và người chăm sóc cũng dễ dàng hơn.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, sự chăm sóc từ gia đình có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh Alzheimer. Người thân hãy luôn quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, tạo môi trường sống lành mạnh, tích cực để bệnh nhân có thêm động lực. Bên cạnh đó lúc cho ăn, hay hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày, hãy thể hiện tinh thần sẵn sàng giúp đỡ để bệnh nhân bớt tự ti, mặc cảm.

Người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối cần được chăm sóc với thái độ tích cực

Người bệnh Alzheimer cần được quan tâm và chăm sóc với thái độ tích cực

4. Cách ngăn ngừa hội chứng Alzheimer

Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp như sau:

– Ăn uống và sinh hoạt khoa học: ăn uống đủ chất với nhiều rau củ, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, hạn chế ăn các món nhiều dầu mỡ, tránh ăn quá mặn. Hạn chế các thói quen làm tổn thương não như thức khuya, uống nhiều rượu bia, hút thuốc và sử dụng chất kích thích. Bên cạnh đó cần tăng cường vận động, giữ thói quen tập luyện đều đặn cũng là cách tăng cường sức khỏe.

– Kiểm tra định kỳ huyết áp, đường huyết và cholesterol để ngăn ngừa bệnh diễn biến âm thầm.

– Người cao tuổi nên tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đọc sách, luyện trí nhớ, chơi các trò chơi trí tuệ để vận động trí não, nên ra ngoài để giao tiếp nhiều với mọi người.

– Cần đi khám ngay khi cơ thể có sự thay đổi dù là nhỏ nhất.

Chơi các trò chơi rèn luyện trí não là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh

Chơi các trò chơi rèn luyện trí não là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh

Hiện nay, tỷ lệ tử vong do hội chứng Alzheimer đang gia tăng, để bảo vệ bản thân cũng như mọi người trong gia đình, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện các phương pháp ngăn ngừa bệnh kể trên. Khi có các triệu chứng bất thường liên quan đến trí não hay sự khác thường trong hành vi và cảm xúc, hãy đến khoa Nội thần kinh để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital