Phân biệt bệnh run vô căn và Parkinson – những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Bệnh run vô căn và Parkinson là hai bệnh lý thần kinh, gây ra nhiều hạn chế trong sinh hoạt. Bài viết này, hãy để Thu Cúc TCI giúp bạn phân biệt hai loại bệnh lý này.

1. Bệnh run vô căn là gì?

Các rối loạn vận động thường gặp hơn cả chính là chứng run vô căn, có thể xảy ra ở người già, tuổi trung niên. Đặc biệt, có rất nhiều trường hợp người trẻ cũng mắc run tay vô căn. Số ca bệnh run vô căn rất nhiều, thường cao hơn số ca bệnh Parkinson gấp 20 lần.

Người bệnh run vô căn có các triệu chứng bao gồm run tay và run đầu cổ theo kiểu gật gật hoặc lắc lắc. Tuy nhiên, run tay là triệu chứng phổ biến hơn, và hầu như các bác sĩ khi thực hiện xét nghiệm cần thiết không tìm ra được nguyên nhân của tình trạng này.

Mặc dù bệnh lý này hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng hay để lại những biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, đa số bệnh nhân cảm thấy khó chịu và tự ti cũng như gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, bệnh run vô căn còn là căn bệnh có nguy cơ di truyền khá cao. Nếu bố mẹ mắc run vô căn thì khả năng con cái đối mặt với nguy cơ mắc bệnh này là khoảng 50%.

Bệnh run vô căn và Parkinson thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau, bởi vậy việc phân biệt hai loại bệnh này là vô cùng cần thiết để có hướng điều trị chính xác, hiệu quả và kịp thời.

Run là biểu hiện điển hình của bệnh run vô căn và Parkinson

Run là biểu hiện điển hình của cả bệnh run vô căn và bệnh Parkinson

2. Giải thích: bệnh Parkinson là gì, tại sao lại mắc Parkinson?

Bệnh Parkinson cũng là một trong những bệnh lý thần kinh khá phổ biến. Bệnh lý này thường xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, khiến con người đi lại khó khăn, cử động chân chạp và run cứng chân tay. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, khiến dopamine thiếu hụt.

Cho đến hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra lý do dẫn đến tình trạng các tế bào não sản sinh chất dẫn truyền thần kinh lại bị thoái hóa và sau đó chết đi, dẫn đến Parkinson. Một số nguyên nhân có thể là do tuổi tác, di truyền, yếu tố môi trường và thậm chí có thể là virus.

Bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson cũng là một trong những bệnh lý thần kinh khá phổ biến

3. Phân biệt run vô căn và bệnh Parkinson như thế nào?

3.1. Bệnh run vô căn và Parkinson khác nhau trong các triệu chứng

Mặc dù đều gây ra hiện tượng run, tuy nhiên đặc điểm của từng tình trạng này lại khác nhau giúp ta có thể phân biệt hai loại bệnh.

Trong khi bệnh nhân bị bệnh Parkinson có triệu chứng run tay nặng hơn khi nghỉ ngơi, thì bệnh nhân bị run tay vô căn có triệu chứng run tay khi cầm nắm hoặc làm việc.

– Run vô căn: Run thường xuất hiện ở tay hoặc đầu khi bạn cầm nắm các thứ như viết lách, đánh máy hoặc rót nước. Tập trung vào công việc khiến tay run nặng. Triệu chứng run tay giảm đi khi bạn nghỉ ngơi hoặc thả lỏng cơ thể.

– Bệnh Parkinson: Không giống như run vô căn, triệu chứng run của bệnh Parkinson tăng lên khi bạn nghỉ ngơi và giảm xuống khi bạn hoạt động. Bạn có thể bị run ở một bên cơ thể, run ngón tay hoặc bàn tay với biên độ nhỏ, theo kiểu lắc vẩy hoặc “vê thuốc” ở giai đoạn sớm của bệnh Parkinson. Sau đó, triệu chứng run có thể di chuyển xuống chân cùng bên và sau đó lan rộng sang nửa người còn lại, bắt đầu từ tay đến chân. Sau nhiều năm mắc bệnh Parkinson thì tình trạng run sẽ diễn ra cả khi nghỉ ngơi và khi hoạt động.

Các triệu chứng khác của bệnh Parkinson bao gồm run, cứng đờ, chậm chạp khi di chuyển hoặc phối hợp động tác.

3.2. Bệnh run vô căn và Parkinson khác nhau ở các yếu tố tăng nguy cơ hình thành

– Đối với bệnh run vô căn, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh có thể di truyền. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt là một trong những yếu tố góp phần gây ra chứng run vô căn (quá nóng hay quá lạnh làm cho các triệu chứng trở nên nặng hơn), hoặc khi người bệnh bị mệt mỏi hoặc lo âu, điều này có thể khiến biên độ run tăng lên.

– Đối với bệnh Parkinson: Rượu không cải thiện triệu chứng run của bệnh nhân Parkinson và bệnh nhân thường ít bị ảnh hưởng bởi tiền sử gia đình. Nguyên nhân là vì Parkinson là do tình trạng thoái hóa các tế bào liềm đen khiến cơ thể không sản xuất đủ dopamine, chỉ khoảng 10% bệnh do di truyền gây ra.

4. Cách kiểm soát hai bệnh lý trên

Tùy thuộc vào tình trạng run nặng hay nhẹ, mức độ nghiêm trọng của run vô căn và hậu quả có thể khác nhau rất nhiều ở mỗi người bệnh. Trong những trường hợp bệnh tiến triển xấu dẫn đến tình trạng run nghiêm trọng, người bệnh thậm chí không thể thực hiện được các động tác thông thường trong cuộc sống hàng ngày và luôn cần sự giúp đỡ của người thân.  Tình trạng run do lo âu hoặc trầm cảm có thể làm trầm trọng các triệu chứng của cả hai loại run này.

Tuy nhiên, kiểm soát lối sống và dùng thuốc có thể làm giảm triệu chứng run tay và làm chậm tiến triển của bệnh. Ngoài ra, có thể tuân theo những khuyến nghị như sau:

– Không sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích bất kỳ loại nào.

– Điều chỉnh thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng.

– Nếu bạn không bị đái tháo đường, hãy ăn nhiều trái cây và rau xanh. Ăn thêm hạnh nhân, hạt điều, óc chó và các loại quả hạch khác.

Bệnh nhân có thể ăn nhiều quả hạch

Bệnh nhân có thể bổ sung các loại quả hạch

Căng thẳng có thể làm tăng mức độ và tần suất run. Bởi vậy, bạn cần giảm stress và căng thẳng, có thể tập dưỡng sinh, yoga, thiền, đi bộ hoặc nghe nhạc. Ngoài ra, bạn có thể làm các công việc yêu thích của mình. Nếu gặp các khó khăn trong sinh hoạt, bạn nên nhờ người thân giúp đỡ. Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn làm cho cơ bắp và tay chân linh hoạt hơn, giảm triệu chứng run.

5. Một số cách điều trị bệnh run vô căn và Parkinson

Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc chặn beta giao cảm (thuốc thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao) cho những người bị run tay vô căn. Thuốc điều trị run tay vô căn này có thể cải thiện một phần triệu chứng run khi cầm cốc nước hoặc bát cơm.

Đối với bệnh nhân Parkinson, bác sĩ sẽ dựa vào từng tình huống đế chỉ định thuốc phù hợp. Biện pháp để điều trị bệnh Parkinson chủ yếu là dùng thuốc và luyện tập phục hồi, trong một số trường hợp phải phẫu thuật não để chữa trị.

Trên đây là những thông tin giúp bạn phân biệt bệnh run vô căn và Parkinson. Bệnh nhân nên đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và chỉ định điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital