Theo WHO năm 2018, ung thư dạ dày ở Việt Nam đứng thứ 4 sau ung thư gan và ung thư phổi với hơn 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong lớn là do hơn 90% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy tầm soát sớm ung thư dạ dày là phương pháp giúp phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Tầm soát sớm ung thư dạ dày là gì?
Tầm soát sớm ung thư dạ dày là các phương pháp giúp kiểm tra và phát hiện sớm ung thư ở giai đoạn đầu hoặc những mầm mống khi mới hình thành. Đây được coi là biện pháp hiệu quả giúp giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong do mắc ung thư dạ dày ở Việt Nam và trên thế giới.
1.1 Đối tượng cần tầm soát sớm ung thư dạ dày
Ung thư không phân biệt độ tuổi, giới tính tuy nhiên nếu nằm trong những đối tượng dưới đây bạn nên tham gia tầm soát định kỳ hàng năm:
- Có người trong gia đình mắc ung thư tiêu hóa hoặc các bệnh ung thư tiêu hóa như: thực quản, đại tràng,…
- Người thường xuyên mắc các vấn đề liên quan đến dạ dày
- Người có thói quen sử dụng nhiều đồ muối, đồ nướng và những thực phẩm bảo quản có chất lượng kém
- Người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia
- Những bệnh nhân mắc viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm chuyển sản ruột,…
- Người có tiền sử gia đình mắc polyp tuyến có tính chất gia đình(FAP); mắc hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng Juvenile polyposis.
1.2 Vai trò của tầm soát sớm ung thư dạ dày
Hiện nay, số lượng người mắc ung thư đang gia tăng vô cùng mạnh mẽ. Ung thư có thể xuất hiện ở mọi đối tượng thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Đặc biệt số ca tử vong do phát hiện ở giai đoạn muộn đang có nguy cơ gia tăng đột biến. Bởi vậy, việc tầm soát ung thư ngày càng trở nên cần thiết. Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phát hiện sớm khi được tầm soát, lúc này nếu phát hiện bệnh thì việc điều trị sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều.
Đặc biệt, phương pháp này không chỉ giúp bạn phát hiện bệnh lý ung thư mà còn có khả năng chẩn đoán nhiều vấn đề khác liên quan đến dạ dày. Nhờ vậy, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc điều trị và bảo vệ sức khỏe của mình. Do đó, tầm soát ung thư dạ dày là việc làm quan trọng và cần được thực hiện thường xuyên.
2. Các dấu hiệu cảnh báo cần tầm soát ung thư dạ dày sớm
Ung thư dạ dày rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về dạ dày khác, chính vì vậy bạn cần chú ý. Nếu xuất hiện những dấu hiệu sau hãy tham gia tầm soát ung thư sớm nhất để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình:
- Xuất hiện các cơn đau từng đợt ngày càng trở nên trầm trọng và không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù đã sử dụng thuốc
- Đầy bụng sau khi ăn đi kèm với cảm giác khó chịu, buồn nôn
- Ợ nóng
- Phân có lẫn máu
- Chán ăn, khó nuốt
- Sụt cân thất thường
- Bụng đau trướng, đặc biệt là vùng trên rốn
- Căng thẳng, mệt mỏi
3. Các phương pháp ứng dụng trong tầm soát ung thư dạ dày
3.1 Nội soi NBI
Nội soi NBI là phương pháp thăm dò chức năng được sử dụng phổ biến trong tầm soát ung thư dạ dày. Đây là kỹ thuật nội soi ống mềm, các bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi có gắn camera đưa qua thực quản đến dạ dày và quan sát bên trong. Nội soi NBI sử dụng hai bước sóng 415nm (415 ± 30nm) và 540nm (540 ± 30nm) giúp phân tích chi tiết và kỹ hơn những biến đổi trên bề mặt niêm mạc của ống tiêu hóa, hệ thống mao mạch nông nuôi dưỡng lớp niêm mạc đồng thời phát hiện sớm các mầm mống của ung thư dạ dày.
3.2 Chụp cắt lớp MSCT
Chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt MSCT (Multislice Computer Tomography) là một phương pháp áp dụng tia X để quét qua cơ thể theo lát cắt ngang và phối hợp với xử lý điện toán bằng máy tính nhằm cho ra hình ảnh 2D hoặc 3D. Mỗi một lần chụp, máy MSCT có thể cho ra hàng nghìn tấm hình với lát cắt mỏng 0,625 mm giúp tìm ra các tổn thương rất nhỏ và có thể phát hiện những khối u có kích thước nhỏ từ 3 – 5mm. Qua những thông số hình ảnh, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tổn thương của dạ dày và tình trạng xâm lấn của khối u đến những bộ phận khác trong cơ thể.
3.3 Sinh thiết
Sinh thiết là một xét nghiệm quan trọng trong tầm soát ung thư dạ dày. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách lấy mẫu mô tế bào tại vị trí nghi ngờ khối u, hạch nhằm đánh giá sự hiện diện của tế bào ung thư. Sau khi được lấy ra, mẫu mô sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi và phân tích về mặt hóa học sau đó đưa ra kết luận đó có phải là tế bào ác tính hay lành tính. Sinh thiết được đánh giá là đem lại kết quả chính xác cao hơn rất nhiều so với những xét nghiệm khác. Một số các phương pháp sinh thiết hiện nay như:
- Sinh thiết kim: Sử dụng kim để xuyên qua da đi vào thận, gan, tụy,… để lấy mẫu mô
- Sinh thiết xuyên thành: Sử dụng phương pháp chuyên khoa để bấm lỗ nhỏ qua lớp trên cùng của da để lấy mẫu bệnh phẩm
- Sinh thiết trong khi phẫu thuật: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu khối u và đem đi kiểm tra
- Sinh thiết cắt bỏ: Cắt toàn bộ khối u hoặc một phần nhỏ để đem đi sinh thiết
- Sinh thiết nội soi: Phương pháp này thường đi kèm với nội soi, các bác sĩ sẽ dùng ống nội soi có gắn đèn sáng, camera và quan sát qua màn hình vi tính để lấy mẫu sinh thiết.
Thông thường sẽ tùy thuộc vào từng tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp sinh thiết phù hợp.
3.4 Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu không thể hiện 100% bản chất của ung thư. Tuy nhiên xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện những dấu ấn ung thư, đó là các protein đặc biệt do tế bào ung thư sinh ra hoặc do các hormone gây ra. Trong trường hợp các chỉ số xét nghiệm cao bất thường, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các bước khám chuyên sâu khác để đánh giá nguy cơ ung thư.
4. Lưu ý khi tầm soát ung thư dạ dày
Khi tham gia tầm soát ung thư dạ dày, bạn cần lưu ý đến một số điều sau:
- Lựa chọn đúng gói khám tầm soát ung thư với những danh mục cần thiết
- Mặc đồ thoải mái để tiện lợi nhất cho việc thăm khám
- Liên hệ đội ngũ nhân viên y tế hoặc bác sĩ để được dặn dò trước khi thăm khám
- Lựa chọn cơ sở uy tín để tham gia tầm soát sức khỏe
- Thăm khám định kỳ ít nhất mỗi năm một lần
Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu rõ hơn về tầm soát sớm ung thư dạ dày là gì và những điều cần lưu ý khi thăm khám. Để đảm bảo sức khỏe bản thân tốt nhất hãy tham gia tầm soát định kỳ và thực hiện theo đúng các chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế các bạn nhé.