Những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh mẹ bầu cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Thị Thanh Hương

Trưởng đơn nguyên Nhi sơ sinh
Đối với nhiều mẹ dù đã từng sinh con, dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh, đôi khi cũng dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mẹ những dấu hiệu chính xác nhất, báo hiệu mẹ sắp sinh trong vòng vài ngày tới. Hãy chuẩn bị ngay đồ đạc cần thiết để vào viện khi có những dấu hiệu này mẹ nhé.

1. Những dấu hiệu trước giai đoạn mẹ bầu chuyển dạ

Những dấu hiệu trước giai đoạn chuyển dạ có thể diễn ra theo bất cứ thứ tự nào, có những mẹ bầu chỉ gặp một vài triệu chứng trong một ngày, nhưng có thể diễn ra trong vài ngày. Nếu có những dấu hiệu này, có nghĩa mẹ chuẩn bị sinh bé. Đừng quên chuẩn bị những thứ cần thiết để đi sinh trong một vài ngày tới.

– Tăng tiết dịch âm đạo, dịch có thể có màu nâu hoặc hơi hồng.

– Cảm giác bụng tụt hơn, do em bé tụt xuống thấp hơn tới khoang chậu của mẹ. Lúc này trọng lượng của em bé không còn đè lên cơ hoành của mẹ nữa, do đó đây là khoảng thời gian mẹ cảm thấy khá dễ thở.

– Giảm cân nhẹ hoặc không tăng cân.

– Đau âm ỉ ở lưng thoáng qua.

Đối với nhiều mẹ dù đã từng sinh con, dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh có thể dễ dàng nhận biết hơn

Dấu hiệu chuyển dạ đôi khi có thể gây nhầm lẫn với các tình trạng khác, khiến mẹ bầu dễ bỏ qua.

– Đi tiêu lỏng và thường xuyên kèm theo chuột rút. Điều này được lý giải là do cơ thể làm sạch ruột để tử cung co bóp tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những mẹ lại bị khó tiêu, nôn. Đó cũng là dấu hiệu của giai đoạn trước khi chuyển dạ.

– Cảm giác tăng áp lực hoặc chuột rút ở vùng chậu / trực tràng. .

– Khi thăm khám, bác sĩ phát hiện cổ tử cung mềm, mỏng và giãn nở hơn.

– Sự gia tăng các cơn co thắt Braxton Hicks (cơn co giả), mẹ bầu có cảm giác tử cung bị thắt chặt hoặc cứng lại, kèm theo chuột rút nhẹ.

– Cảm giác bồn chồn hoặc mệt mỏi rõ rệt, còn gọi là bản năng làm tổ.

2. Các biểu hiện mẹ bầu chuyển dạ sắp sinh trong 24 giờ tới

2.1 Vỡ ối là dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh điển hình

Theo một số nghiên cứu, khoảng 8% số mẹ bầu bị vỡ ối trước khi có những cơn co thắt thường xuyên. Nhiều mẹ bầu cho biết, họ có cảm giác có gì đó vỡ ra và chảy ra ngoài âm đạo. Nước ối có thể chảy rò rỉ hoặc đột ngột không kiểm soát được. Trong trường hợp đó mẹ bầu nên sử dụng băng vệ sinh để tránh làm bẩn quần áo. Các bác sĩ cho biết, một khi đã vỡ ối, điều đó nghĩa là chuyển dạ đã sắp đến gần. 80% phụ nữ sẽ chuyển dạ tự nhiên trong vòng 12 giờ sau khi vỡ ối. Do đó, đây là một dấu hiệu chuyển dạ rất chính xác.
Nước ối thường trong và có màu vàng rơm nhạt, khá tương đồng với nước tiểu. Đôi khi, vỡ ối có thể kèm theo chút máu. Hãy đến bệnh viện ngay khi nước ối có mùi hoặc màu bất thường. Hầu hết phụ nữ chuyển dạ trong vòng 24 giờ sau khi vỡ ối. Những mẹ bầu chưa sinh trong thời gian này rất có thể sẽ được kích thích để sinh nhanh hơn, bởi nếu thiếu ối sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho thai nhi.

2.2 Ra máu là dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh

Khi mang thai, cổ tử cung được đóng lại bởi một nút nhầy. Đó là cách tự nhiên để bảo vệ em bé của bạn khỏi bị nhiễm trùng. Nhưng khi bạn chuyển sang giai đoạn chuyển dạ, cổ tử cung bắt đầu giãn ra và mềm hơn để chuẩn bị cho việc sinh nở, khiến những gì tích tụ ở đó bị bong ra. Nút nhầy có thể bị đẩy ra ngoài kèm theo máu. Dịch nhầy này thường dính như thạch, có thể có màu nâu (do máu cũ) hoặc màu hồng khi cổ tử cung tiếp tục mỏng và mở ra, khiến các mạch máu nhỏ bị vỡ dọc theo bề mặt cổ tử cung. Khi có dấu hiệu này, quá trình chuyển dạ có thể sẽ diễn ra trong vài giờ tới, nhưng cũng có người lâu hơn, khoảng vài ngày hoặc hàng tuần.
Vỡ ối là dấu hiệu điển hình của chuyển dạ sắp sinh

Ở một số mẹ bầu, dấu hiệu cho thấy mẹ sắp “vỡ chum” chính là vỡ ối.

Tuy nhiên mẹ bầu cũng cần lưu ý rằng, nếu có dấu hiệu ra nhầy kèm chút máu đó là điều bình thường, nhưng nếu bạn bị ra quá nhiều máu thì đó lại là dấu hiệu nguy hiểm. Vì vậy, hãy liên hệ ngay bác sĩ hoặc bệnh viện để được hướng dẫn.

2.3 Mẹ bầu bị đau lưng khi chuyển dạ sắp sinh

Đau lưng là triệu chứng thường gặp trong suốt quá trình mang thai, tuy nhiên vào những tháng cuối thai kỳ, khi mẹ bầu cảm thấy cơn đau trở nên cực kỳ gay gắt, có thể là dấu hiệu chuyển dạ. Dấu hiệu này gặp ở ⅓ mẹ bầu.
Thông thường, một em bé khi di chuyển xuống ống sinh sản của người mẹ sẽ áp mặt vào cột sống của mẹ, nhưng em bé khi di chuyển xuống lại khiến đầu áp vào cột sống của mẹ, dẫn tới những cơn đau lưng lan tỏa ra vùng bụng. Cơn đau lưng dữ dội là dấu hiệu đầu tiên chắc chắn mẹ bầu sắp đến ngày chuyển dạ.

2.4 Xuất hiện các cơn co thắt tử cung

Nếu xuất hiện những cơn co thắt tử cung với tần suất ngày càng dày thì hãy nhanh chóng tới bệnh viện, bởi khoảnh khắc chuyển dạ đã tới rất gần. Các cơn co thắt tử cung vẫn thường hay xảy ra ở các mẹ bầu trong thai kỳ. Tuy nhiên, cơn co thắt này thường thưa thớt, xảy ra trong thời gian ngắn, và có tên gọi là co thắt sinh lý Braxton Hicks hay dấu hiệu chuyển dạ giả.

Tuy nhiên, khi mẹ chuẩn bị sinh thực sự, cơn co thắt sẽ xuất hiện với cường độ mạnh mẽ, gây đau khiến mẹ bầu khó chịu, và không giảm đau cho dù mẹ đã thay đổi tư thế. Một dấu hiệu dễ nhận biết đó là cơn co diễn ra liên tục, đều đặn khoảng 5 – 7 phút, kéo dài từ 30 giây – 1 phút.
Nếu quá trình chuyển dạ của bạn bắt đầu vào ban đêm, hãy cố gắng giữ tinh thần thoải mái và thư giãn, có thể ngủ thêm nếu có thể. Ngược lại, nếu cơn chuyển dạ bắt đầu ban ngày, hãy đứng thẳng và vận động nhẹ nhàng. Điều này giúp em bé di chuyển xuống khung chậu của bạn và giúp cổ tử cung của bạn giãn ra, sẵn sàng cho việc đón bé.
Nhanh chóng tới bệnh viện khi có dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh giúp bác sĩ kiểm tra và chăm sóc kịp thời cho mẹ và bé.

Nhanh chóng tới bệnh viện khi có dấu hiệu chuyển dạ giúp bác sĩ kiểm tra và chăm sóc kịp thời

Hãy đến bệnh viện ngay nếu:

– Các cơn co thắt của bạn diễn ra đều đặn, khoảng 3 cơn sau 10 phút.

– Kèm theo đó là vỡ nước ối.

– Cơn co thắt rất mạnh và cần giảm đau.

3. Cần làm gì khi có các dấu hiệu chuyển dạ sắp đẻ?

Để giúp mẹ bầu sẵn sàng và tăng cường sức khỏe trong giai đoạn này, dưới đây là một số lời khuyên về những điều cần làm khi có các dấu hiệu chuyển dạ.

– Ăn nhẹ để chuẩn bị lấy sức cho ca sinh nở.

– Giữ gìn sức khỏe và dinh dưỡng: Mẹ bầu cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và duy trì lối sống lành mạnh để cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và thai nhi. Hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu chất sắt và axit folic. Ngoài ra, hạn chế các loại thức ăn nhanh, thức uống có gas và thức ăn nặng nề.

– Nghỉ ngơi và giảm căng thẳng: Hãy dành thời gian cho bản thân, thư giãn. Ngủ đủ giấc và thực hiện các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thực hành hơi thở sâu..

Và điều quan trọng nhất khi có dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh là mẹ cần nhanh chóng tới bệnh viện để được đội ngũ bác sĩ hỗ trợ và chăm sóc tốt nhất cho mẹ và bé. Liên hệ ngay với Thu Cúc TCI nếu như mẹ cần hỗ trợ thêm các thông tin về giai đoạn sắp sinh nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital