Tiêu chảy cấp là tình trạng rối loạn hệ tiêu hóa khiến trẻ đi ngoài phân lỏng hơn so với bình thường. Bệnh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chi là tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Vì vậy, cha mẹ cần nhận biết chính xác các triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em để chủ động đưa trẻ đi khám hoặc phòng ngừa đúng cách cho trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh lý thường gặp, mức độ nguy hiểm cao đối với trẻ em. Trẻ mắc tiêu chảy khi có dấu hiệu đi ngoài nhiều lần hơn so với mức bình thường khiến trẻ mệt mỏi, mất sức. Nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy cấp ở trẻ em thường là do:
– Virus: Rotavirus là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tiêu chảy cấp ở trẻ và được đánh giá là tác nhân có mức độ nguy hiểm cao bởi có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, một số virus như Adenoviruses, Astroviruses, Noroviruses, Norwalk Virus, Noroviruses, Parvoviruses, Caliciviruses… cũng có thể tấn công làm tổn thương, viêm nhiễm hệ tiêu hóa của trẻ và gây ra tình trạng tiêu chảy cấp.
– Vi khuẩn: Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tiêu chảy cấp ở trẻ, phổ biến hơn cả là các loại vi khuẩn như: E. coli, thương hàn, lỵ trực khuẩn, Bacillus, Clostridium botulinum, Listeria monocytogenes,…
– Ký sinh trùng: Khi bị nhiễm ký sinh trùng, hệ tiêu hóa của trẻ cũng có thể bị tổn thương và gây bệnh. Các tác nhân được kể tới thường là: Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Cryptosporidium…
– Biến chứng của bệnh lý như viêm đường hô hấp, bệnh tay chân miệng, sởi, nhiễm trùng tiết niệu…
– Trẻ cũng có thể mắc bệnh do dị ứng với đồ ăn, sữa, tác dụng phụ của thuốc trị bệnh…
– Trẻ đang mắc bệnh sẽ có nguy cơ bị tiêu chảy cấp cao hơn vì sức đề kháng của trẻ suy yếu, không thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus kể trên…
2. Triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì?
Các biểu hiện mắc bệnh ở trẻ rất da dạng, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ bệnh lý ở trẻ.
2.1. Tiêu chảy cấp nhẹ
Ở mức độ nhẹ, trẻ thường đi ngoài từ 5-8 lần/ngày kèm sốt nhẹ, buồn nôn và nôn mửa. Quan sát phân của trẻ thấy có màu vàng hoặc xanh, phân có nhầy kèm tình trạng chướng bụng, bụng cồn cào.
2.2. Tiêu chảy cấp vừa
Khi bệnh tiến triển nặng thêm, tần suất đi ngoài của trẻ tăng lên khoảng 9-10 lần/ngày. Phân của trẻ lỏng, có mùi chua, rất hôi và tanh. Ngoài ra, trẻ có thể bị sốt nhẹ, cơ thể mệt và mất sức hơn do phải đi ngoài nhiều lần.
2.3. Tiêu chảy cấp nặng
Ở mức độ nặng, trẻ sẽ đi ngoài nhiều hơn 10 lần/ngày, phân nhiều nước, nặng mùi, hôi và tanh. Trẻ mệt mỏi nhiều, thường xuyên quấy khóc khó chịu, tri giác kém, người lừ đừ, thậm chi là hôn mê, co giật. Ngoài ra ở thể nặng, cha mẹ cũng có thể nhận biết thông qua tình trạng niêm mạc đỏ, da và môi khô do mất nước, chân tay lạnh, rối loạn điện giải…
Khi ở mức độ nặng, không chỉ sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng mà còn có thể đe dọa tới tính mạng. Vì vậy ngay từ khi trẻ có những dấu hiệu ban đầu, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.
3. Điều trị tiêu chảy cấp
3.1. Nguyên tắc điều trị
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm khi có các dấu hiệu tiêu chảy bởi điều này góp phần giúp trẻ được phát hiện và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Bác sĩ sẽ khám, thực hiện xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh của trẻ để đưa ra phương án điều trị phù hợp cho trẻ:
– Đối với trẻ mắc tiêu chảy cấp mức độ nhẹ, chưa bị mất nước thì cha mẹ cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học để bổ sung đủ chất, dinh dưỡng, vitamin cho trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng cần cho trẻ ăn những thực phẩm có dạng lỏng, mềm và dễ tiêu hóa.
– Đối với trẻ bị mất nước, bác sĩ sẽ chỉ định bù nước bằng đường uống qua Oresol, nước lọc, sữa, nước trái cây… Nếu trẻ không đáp ứng, bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch để bù nước qua tĩnh mạch cho trẻ.
– Sử dụng thuốc kháng sinh, chống nôn, giảm tiêu chảy, giảm đau, hạ sốt, men vi sinh… cho từng trường hợp cụ thể.
Việc điều trị tiêu chảy cho trẻ cần có chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không tự ý chữa tiêu chảy cấp cho trẻ bằng thuốc hoặc mẹo dân gian.
3.2. Dinh dưỡng và chăm sóc
Trong quá trình điều trị cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý tới các vấn đề sau để trẻ nhanh chóng hồi phục:
– Cho bé uống đủ nước, ăn những món ăn mềm, dễ tiêu hóa, đảm bảo đủ dinh dưỡng và vitamin.
– Chia nhỏ bữa ăn và cần tránh cho trẻ sử dụng thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đường, thực phẩm có nhiều gia vị cay nồng…
– Để trẻ nghỉ ngơi khoa học, vệ sinh thân thể, răng miệng hằng ngày cho trẻ.
– Bổ sung men vi sinh hoặc các loại thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ khi có khuyến cáo của bác sĩ.
– Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám lại ngay để bác sĩ xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
4. Phòng ngừa tiêu chảy cấp
Để phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ em, cha mẹ cần lưu ý chế độ ăn uống khoa học và chăm sóc trẻ đúng cách:
– Không để trẻ ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được chế biến kỹ hoặc thực phẩm để lâu ngày.
– Sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm, nấu ăn và sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
– Tránh để trẻ nhỏ ngậm đồ chơi, mút tay, hoặc ăn cơm khi chưa vệ sinh tay sạch sẽ.
– Cách ly trẻ với trẻ đang mắc các bệnh lý có thể lây truyền, hạn chế cho trẻ tới những nơi tập trung đông người.
– Tiêm phòng đầy đủ, khám nhi định kỳ có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh và cha mẹ biết cách chăm sóc trẻ khoa học hơn.
Nhận biết sớm các triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em đóng vai trò quan trọng bởi có thể giúp bác sĩ điều trị kịp thời, đúng cách cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý tới các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ tới các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên môn cao.