Trẻ sơ sinh rất dễ mắc phải bệnh viêm phế quản vì sức đề kháng của bé còn non yếu. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh dễ dẫn tới các biến chứng về đường hô hấp. Do đó, bố mẹ cần phải nắm rõ nguyên nhân và cách điều trị viêm phế quản ở trẻ sơ sinh để bảo đảm sức khỏe cho con.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về căn bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh còn được gọi là bệnh sưng cuống phổi và xảy ra ở đường hô hấp dưới. Tuy nhiên, bệnh viêm phế quản vẫn chưa xuống phổi và chỉ là viêm cấp tính ở niêm mạc phế quản.
Khi mắc bệnh viêm phế quản, trẻ sơ sinh sẽ ho nhiều đi kèm với đau họng hoặc sổ mũi. Căn bệnh này thường xảy ra ở những trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng hoặc bị bệnh sởi, cúm, ho gà,…
2. Nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
2.1. Nhiễm khuẩn
Đây là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh. Những vi khuẩn thường gặp là các loại tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn,… Những loại vi khuẩn này luôn có sẵn ở trong khoang mũi và họng nhưng không tác động gì tới trẻ do hệ miễn dịch hoạt động tốt.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ nên được thừa hưởng các kháng thể từ mẹ truyền qua và có thể phòng ngừa hiệu quả những loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh. Thế nhưng, khi cơ thể của trẻ sơ sinh mệt mỏi và sức đề kháng kém đi thì các loại vi khuẩn sẽ tăng độc tính khiến bé bị nhiễm bệnh.
2.2. Không khí ô nhiễm
Không khí ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh. Khi các bé sống trong môi trường bị ô nhiễm và thường xuyên hít phải những chất độc hại như khói thuốc lá, bụi bẩn, mùi hóa chất,… cũng rất dễ mắc phải bệnh viêm phế quản.
2.3. Thời tiết thay đổi đột ngột
Khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh một cách đột ngột, trẻ sơ sinh cũng dễ bị viêm phế quản vì cơ thể của bé không thể thích nghi kịp thời.
2.4. Một số nguyên nhân khác
Những trẻ sơ sinh sinh non hoặc mắc một số căn bệnh như ho gà, sởi, hen suyễn, viêm amidan cũng có nguy cơ bị viêm phế quản.
3. Cách điều trị viêm phế quản ở trẻ sơ sinh hiệu quả
Để điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần phải chú ý tới những vấn đề sau:
– Đảm bảo môi trường sống cho trẻ sơ sinh luôn sạch sẽ và thoáng mát. Tránh để cho con hít phải những loại hóa chất độc hại như bụi bẩn, nhất là không được cho trẻ sơ sinh hít phải khói thuốc lá.
– Với những trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho con bú nhiều cữ hơn hoặc cho bé uống sữa công thức. Với những trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, bố mẹ nên cho con uống nhiều nước để giúp bé tống đờm ra khỏi đường hô hấp nhanh hơn.
– Nếu cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa phải tăng chỉnh nhiệt độ cho phù hợp, chỉ nên chênh với nhiệt độ bên ngoài từ 2 – 3 độ. Tuyệt đối không được để điều hòa hướng thẳng vào cơ thể trẻ và cho con nằm quá lâu trong phòng điều hòa.
– Nếu cho trẻ sơ sinh nằm quạt thì bố mẹ chỉ nên bật quạt nhẹ và quay đều để không khí trong phòng thoáng mát.
– Giữ ấm cho trẻ sơ sinh khi thời tiết giao mùa và không nên mặc quần áo không thấm được mồ hôi, quá dày vì dễ làm con bị cảm lạnh.
– Đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Nhi thăm khám, xác định nguyên nhân gây ra bệnh và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
4. Cách phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
– Cho trẻ sơ sinh tránh xa những tác nhân gây dị ứng và cách ly con với môi trường hóa chất, khói thuốc. Không nên để cho trẻ sơ sinh tiếp xúc quá gần với chó mèo, vật nuôi có lông.
– Vệ sinh tay sạch sẽ khi cho con bú hoặc khi bế trẻ sơ sinh.
– Đảm bảo phòng ngủ của trẻ sơ sinh luôn thông thoáng, nhiều không khí trong lành. Thường xuyên giặt gối, chăn dành cho trẻ sơ sinh rồi phơi nắng thật khô.
– Vệ sinh cơ thể cho trẻ sơ sinh sạch sẽ, nhất là vùng tai, mũi, họng hàng ngày.
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi, bệnh mạn tính,… Do đó, bố mẹ cần phải chủ động phòng ngừa và có cách điều trị khoa học để tránh bệnh trở nặng.