Nguyên nhân và cách chữa viêm tai giữa cho trẻ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Nhiều người cho rằng viêm tai giữa là bệnh đơn giản, dễ chữa nên có tâm lý khá chủ quan. Trẻ em là đối tượng thường mắc căn bệnh này nhất. Nhiều trường hợp trẻ bị điếc, giảm thính lực, viêm màng não, viêm não đều do biến chứng của viêm tai giữa. Cha mẹ cần tìm hiểu thông tin về bệnh và cách chữa viêm tai giữa cho trẻ để áp dụng nếu không may con em mình bị mắc bệnh.

1. Những thông tin cơ bản nhất về bệnh viêm tai giữa ở trẻ

1.1. Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ, khái niệm và phân loại

Đôi nét về chức năng, cấu trúc của tai:

Tai được chia thành 3 phần chính là: tai ngoài, tai giữa, tai trong.

Tai ngoài là bộ phận vành tai và ống tai. Tai giữa gồm màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ, xương con. Xương con gồm xương bàn đạp, xương búa, xương đe. Tai giữa làm nhiệm vụ truyền những rung động âm thanh từ màng nhĩ thông qua chuỗi xương con đến tai trong. Tai trong nằm trong cùng chứa ốc tai, ống bán khuyên và tiền đình. Chức năng của tai trong là chuyển đổi xung động của âm thanh nhận từ tai giữa thành những xung động về thần kinh. Bộ phận này cũng giữ vai trò rất quan trọng trong việc giữ thăng bằng.

cách chữa viêm tai giữa

Trẻ nhỏ dễ bị viêm tai giữa do cấu trúc tai chưa hoàn thiện

Viêm tai giữa là tình trạng khu vực phía sau màng nhĩ bị viêm nhiễm khiến trẻ bị đau tai, sốt và chảy dịch trong tai. Trẻ trong độ tuổi phổ biến nhất khi mắc bệnh từ 6 tháng đến 3 tuổi do cấu trúc của tai vẫn chưa phát triển hoàn thiện và dễ nhiễm bệnh vì hệ miễn dịch còn kém. Có nhiều thống kê chỉ ra rằng, có đến 80% trẻ dưới 3 tuổi đã từng trải qua ít nhất một đợt viêm tai giữa.

Phân loại các loại viêm tai giữa tùy vào mức độ của bệnh:

– Viêm cấp tính: là một biến chứng của tình trạng rối loạn chức năng của vòi nhĩ, thường xảy ra trong một đợt trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ra bởi virus

– Viêm mạn tính: là tình trạng trẻ bị viêm tai giữa dai dẳng không khỏi, tai bị chảy mủ lâu ngày xuyên qua lỗ màng nhĩ, tình trạng này thường kéo dài trên 12 tuần thì được coi là mạn tính.

– Viêm ứ dịch: niêm mạc tại tai giữa bị viêm nhiễm và tiết dịch nhiều nhưng dịch không chảy ra ngoài mà đọng lại trong tai, ở phía sau màng tai. Dịch này có thể ở dạng nước lỏng, dạng dính hoặc dạng keo.

1.2. Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa ở trẻ là gì?

Tình trạng nhiễm trùng bên trong tai thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Thông thường sau khi trẻ bị cảm lạnh, cúm hoặc viêm mũi, viêm họng, viêm vòi nhĩ sẽ khiến cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào tai. Hai bộ phận chính được coi là nguyên nhân gián tiếp khiến cho tai giữa bị viêm đó là:

– Vòi nhĩ là một bộ phận có chức năng điều chỉnh áp suất và làm mới không khí trong tai, đồng thời có chức năng làm thoát chất dịch tiết trong tai. Nếu vòi nhĩ bị sưng lên khiến cho dịch này bị tắc nghẽn và đọng lại ở tai giữa và khiến khu vực này bị viêm nhiễm. Nhất là đối tượng trẻ em, do vòi nhĩ chưa phát triển nên thường nằm ngang và khá hẹp, dẫn đến trẻ rất hay bị viêm tai giữa.

VA là một tổ chức tế bào lympho nhỏ nằm ở trong mũi, có tác dụng miễn dịch bảo vệ cơ thể trẻ chống lại những xâm nhập lạ từ bên ngoài. VA nằm ở vị trí gần với chỗ mở của vòi nhĩ nên khi VA bị sưng lên có thể làm cho vòi nhĩ bị tắc nghẽn, khiến tai giữa bị viêm. Viêm tai giữa do biến chứng của viêm VA thường gặp ở trẻ em nhiều hơn so với người lớn.

1.3. Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ biểu hiện như thế nào?

Dấu hiệu của nhiễm trùng tai giữa thường diễn ra nhanh và có sự khác biệt giữa đối tượng trẻ em và người lớn

cách chữa viêm tai giữa

Đau tai hay chảy dịch đều là dấu hiệu điển hình của viêm tai giữa

Người lớn chỉ có những biểu hiện như đau tai, khó nghe và có dịch chảy ra. Trong khi đó, trẻ em khi bị viêm tai giữa thường sẽ có những triệu chứng như sốt cao, có dịch chảy ra từ tai, phản xạ kém với âm thanh, khó ngủ, ăn uống kém, quấy khóc,…

Dựa vào những biểu hiện trên, cha mẹ cũng có thể phần nào phán đoán được bệnh của con. Nhưng để phát hiện một cách chính xác, cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám với các dụng cụ, máy móc y tế hiện đại, nhằm chẩn đoán bệnh và tình trạng bệnh cho trẻ.

1.4. Cách chữa viêm tai giữa cho trẻ đúng cách

Sau khi trẻ thăm khám, có hai phương pháp chính sẽ được áp dụng làm cách chữa viêm tai giữa cho trẻ.

– Dùng thuốc

Sử dụng thuốc để chữa viêm tai giữa là cách phổ biến nhất. Những loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định như: kháng sinh, thuốc kháng histamin, thuốc kháng viêm, chống phù nề, thuốc xịt mũi và bơm hơi vòi nhĩ.

Thời gian sử dụng thuốc để điều trị sẽ kéo dài từ 1 cho đến 2 tuần. Nếu viêm khiến cho màng nhĩ của trẻ bị thủng thì trẻ cần được đến cơ sở y tế hàng ngày để vệ sinh tai kết hợp làm sạch mủ, sát trùng tai để ống tai không bị bít tắc.

– Phẫu thuật

Nếu những nhiễm trùng trong tai đã ở mức lan rộng và điều trị với thuốc không mang lại hiệu quả thì cách chữa viêm tai giữa cho người bệnh sẽ là điều trị ngoại khoa như nạo amidan, cắt VA, đặt ống thông khí đối với những tình trạng bệnh cụ thể.

2. Viêm tai giữa có thể phòng ngừa như thế nào?

Viêm tai giữa thường phổ biến nên không ít cha mẹ lơ là việc phòng ngừa mà chỉ quan tâm đến vấn đề trị bệnh. Nên áp dụng những phương án sau đây để có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa:

cách chữa viêm tai giữa

Đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác tình trạng của viêm tai giữa

– Đối với trẻ nhỏ khi ăn sữa cần nâng cao đầu, tránh để xảy ra tình trạng sặc sữa khiến sữa chui vào trong ống tai.

– Thường xuyên giữ sạch thân thể trẻ và môi trường sống xung quanh của trẻ để hạn chế sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn.

– Sử dụng những biện pháp nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ như: bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường ăn hoa quả, thực phẩm giàu chất xơ để nâng cao hệ miễn dịch.

– Giữ ấm trẻ trong mùa lạnh, vận động hợp lý để trẻ mạnh khỏe hơn.

– Tiêm chủng các mũi như cúm, phế cầu,.. để hạn chế khả năng bị viêm tai giữa cho trẻ.

Bệnh viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng trẻ em thường phổ biến hơn. Vì vậy, cha mẹ cần phải để ý đến các bé khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa thì cần sớm đưa trẻ đi khám để được điều trị, tránh để nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital