Nôn trớ được biết đến là hiện tượng bình thường ở trẻ trong độ tuổi từ 0 – 12 tháng. Bởi vì đây là dấu hiệu sinh lý thuộc quá trình phát triển của các bé, miễn sao con khỏe mạnh và tăng cân đều là được. Tuy nhiên, nếu trẻ bị nôn trớ nhiều lần thì bố mẹ cần phải xem xét lại hiện tượng này vì có thể con đang gặp một số vấn đề liên quan tới hệ tiêu hóa.
Menu xem nhanh:
1. 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị nôn trớ nhiều lần
1.1. Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển
Ở những trẻ sơ sinh và dưới 12 tháng tuổi, vì hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển và dạ dày còn nhỏ, nằm ở tư thế ngang nên chưa có độ cong như những người trưởng thành. Vì dạ dày nằm ngang nên các cơ của trẻ còn yếu và hoạt động co thắt cũng chưa ổn định. Do đó, trẻ sẽ rất dễ nôn trớ khi ăn quá no, nuốt phải hơi khi bú và nằm sai tư thế,… Trong những trường hợp như vậy, tình trạng nôn trớ sẽ tự biến mất khi con được 1 tuổi trở đi vì đây là hiện tượng sinh lý.
1.2. Trẻ bú hoặc ăn quá no
Khi trẻ mới sinh ra, dạ dày của bé chỉ chứa được khoảng 7 – 13ml, giai đoạn từ 3 – 6 ngày thường chứa được 30 – 60ml, giai đoạn 6 tháng chứa được khoảng 60 – 90ml và từ 6 – 12 tháng sẽ chứa được 200 – 250ml. Nếu mẹ cho con ăn vượt mức dạ dày cho phép, trẻ sẽ bị nôn trớ. Do đó, để cải thiện tình trạng nôn trớ ở trẻ, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn của bé và không nên cho con ăn hoặc bú quá no trong một lần.
1.3. Do trẻ mắc bệnh lý về đường ruột
Khi trẻ mắc phải một số bệnh về đường ruột như lồng ruột, viêm ruột, viêm dạ dày,… kèm theo những dấu hiệu như: đau quặn bụng, sốt, quấy khóc, phát ban,… bé sẽ bị nôn trớ. Với trường hợp này, khi thấy trẻ bị nôn trớ nhiều đi kèm những biểu hiện lạ thì bố mẹ phải nhanh chóng đưa con tới bệnh viện uy tín để được bác sĩ Nhi chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
1.4. Trẻ bị đầy bụng khó tiêu
Đầy bụng và khó tiêu cũng sẽ khiến cho trẻ bị nôn trớ. Lúc này, trẻ sẽ xuất hiện những biểu hiện như xì hơi, chướng bụng, sờ vào bụng thấy cứng, chán ăn, đi ngoài ít, vặn mình, quấy khóc,…
Nguyên nhân khiến trẻ đầy bụng và khó tiêu là do bên trong dạ dày của con chứa nhiều không khí. Để cải thiện hiện tượng này cho trẻ, mẹ nên thay đổi chế độ dinh dưỡng của cả hai mẹ con như sau:
– Khi trẻ bú sữa mẹ: Sau khi con bú xong, mẹ nên vỗ ợ hơi cho bé tới khi trẻ ợ được thành tiếng. Ngoài ra, mẹ cũng nên hạn chế ăn các loại trái cây có tính axit mạnh, thức ăn cay nóng và bổ sung thêm các loại trái cây và rau xanh giàu chất xơ.
– Khi bé đã ăn dặm: Bố mẹ nên cho con ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và giàu vitamin như đu đủ, chuối, táo, nho, lê,… Ngoài ra, bố mẹ cũng nên cho con ăn những loại thực phẩm giàu đạm như cá, thịt, trứng,… và các loại rau thơm tốt cho hệ tiêu hóa như nghệ, hẹ,…
1.5. Do trẻ bị ngộ độc thức ăn
Nếu bố mẹ thấy trẻ có triệu chứng nôn trớ liên tục trong ngày, hãy nghĩ tới tình huống con bị ngộ độc thức ăn. Khi trẻ bị ngộ độc cấp, bé sẽ có biểu hiện đặc trưng là buồn nôn, nôn đi kèm với những triệu chứng như sốt, phát ban, co giật, tiêu chảy,… Lúc này, bố mẹ phải nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất để được bác sĩ Nhi điều trị kịp thời.
2. Bố mẹ cần phải làm gì khi trẻ bị nôn trớ nhiều?
– Sử dụng khăn mềm để lau sạch miệng của trẻ và chỗ bé nôn ra. Sau đó, thay tất cả quần áo trẻ đang mặc để không còn mùi hôi.
– Cho trẻ nằm úp hoặc nằm nghiêng về một bên để đề phòng khi con nôn thì sẽ không bị tràn thức ăn vào khí quản, gây sặc. Kế tiếp, bố mẹ khum bàn tay lại rồi vỗ lưng cho con từ dưới lên trên.
– Không nên cho con ăn ngay khi vừa nôn xong. Tốt nhất, bố mẹ hãy chia nhỏ thức ăn của trẻ thành nhiều bữa để con dễ hấp thụ hơn.
– Không cho con dùng bất cứ một loại thuốc chống nôn trớ nào nếu không có chỉ định của bác sĩ.
– Khi trẻ có biểu hiện bất thường, bố mẹ phải nhanh chóng đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ Nhi chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ bị nôn trớ nhiều lần. Từ đó biết cách chăm sóc hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho con.