Không ít mẹ bầu phải đối mặt với tình trạng mất ngủ thai kỳ trong thời gian dài, thậm chí xuyên suốt quá trình mang thai. Tình trạng thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mẹ bầu mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vậy cần làm gì để cải thiện giấc ngủ cho mẹ bầu?
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của giấc ngủ trong thời kỳ mang thai
Một giấc ngủ ngon, sâu giấc và chất lượng là điều vô cùng cần thiết với mỗi mẹ bầu. Theo các chuyên gia, nếu các bà bầu thường xuyên bị gián đoạn giấc ngủ hoặc thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng miễn dịch cũng như quá trình cơ thể trao đổi chất, dẫn đến rất nhiều tình trạng tiêu cực đáng lo ngại như:
– Mẹ bầu mất ngủ thường xuyên có tỷ lệ bị mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn so với những mẹ có giấc ngủ ngon
– Nguy cơ cao huyết áp trong giai đoạn từ tuần 28 trở đi
– Tăng tỉ lệ nguy cơ mắc tiền sản giật – biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới sinh non, kèm theo đó là các hệ lụy ảnh hưởng lâu dài đến tim, thận và các cơ quan khác trên cơ thể mẹ.
– Mất ngủ sẽ khiến cơ thể mẹ suy nhược, vì thế có thể khiến thời gian chuyển dạ kéo dài lâu hơn do mẹ không đủ sức để rặn, khiến cho tỷ lệ mẹ phải phẫu thuật lấy thai cao hơn nhất là với những mẹ có thời gian ngủ không quá 6h/ ngày.
– Mất tập trung, trí nhớ suy giảm, nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh
– Đẩy nhanh lão hóa da, quầng thâm mắt khiến mẹ tự ti với vẻ bên ngoài
Có thể thấy, mất ngủ trong thời kỳ bầu bí có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe, tinh thần lẫn vẻ ngoài của nhiều chị em. Vì thế, khi gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ, trằn trọc ngủ không sâu giấc, mẹ không nên chủ quan bỏ qua mà nên tìm biện pháp cải thiện càng sớm càng tốt.
2. Một số nguyên nhân gây mất ngủ thai kỳ. Mẹ bầu bị mất ngủ ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?
2.1 Một số nguyên nhân gây mất ngủ thai kỳ
Có không ít yếu tố khiến cho mẹ bầu bị mất ngủ trong thời kỳ mang thai, một trong những nguyên nhân gây mất ngủ chính là sự thay đổi về nội tiết. Bắt đầu từ những tháng đầu tiên, hormone trong cơ thể người mẹ sẽ có sự xáo trộn khiến cho mẹ bầu khó có thể đi vào giấc ngủ hoặc ngủ chập chờn, biểu hiện bằng các hiện tượng như: cảm giác buồn nôn và nôn nghén, bầu ngực căng tức, nhịp tim tăng, khó thở, chuột rút, thường xuyên đi tiểu ban đêm, thân nhiệt tăng nhẹ….
Ở tam cá nguyệt thứ 2, thai nhi bắt đầu phát triển về kích thước và cân nặng khiến nhiều mẹ có thể gặp vấn đề như đau lưng, khó khăn trong việc chuyển mình để nghỉ ngơi, nhất là khi thai nhi bắt đầu biết đạp vào ban đêm. Đây cũng là nguyên nhân khiến giấc ngủ của mẹ không được đảm bảo.
Bên cạnh đó, những nỗi lo lắng stress trong thai kỳ cũng như cuộc vượt cạn có thể khiến mẹ thêm trằn trọc mất ngủ.
Mặc dù mất ngủ ở mẹ bầu hầu hết đều đến từ sự thay đổi nội tiết khi mang thai. Tuy nhiên cũng có trường hợp bắt nguồn từ chứng rối loạn giấc ngủ, đây là bênh lý mạch máu não nghiêm trọng, mẹ bầu nên thăm khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân gây mất ngủ, từ đó có giải pháp phù hợp.
2.2 Mất ngủ thai kỳ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thai nhi?
Mất ngủ thai kỳ không chỉ khiến bản thân mệt mỏi, tinh thần sa sút mà còn cản trở sự phát triển của thai nhi và có thể khiến cho trẻ gặp một số khiếm khuyết khi chào đời.
– Thai nhi bị thiếu máu bẩm sinh
Từ 23h đến 3h sáng chính là lúc cơ thể hoạt động để sản sinh ra hồng cầu nhiều nhất, nếu mẹ không thể vào giấc trong thời gian này sẽ làm cho quá trình tạo hồng cầu bị gián đoạn, em bé có nguy cơ bị thiếu máu bẩm sinh.
– Thai nhi chậm phát triển
Bắt đầu từ cuối tam cá nguyệt thứ 2 là thời điểm em bé dần hoàn thiện về trí não và các giác quan. Nếu mẹ bị thiếu ngủ trong thời gian này, cộng thêm chế độ dinh dưỡng thiếu hụt có thể khiến trẻ chào đời có thể bị chậm phát triển cả về trí não và thể chất.
– Bé hay quấy khóc
Mẹ bị mất ngủ thai kỳ có thể kéo theo trẻ sơ sinh cũng gặp vấn đề về giấc ngủ. Biểu hiện là bé có thể khóc dạ đề, quấy khóc nhiều hơn các trẻ khác.
Bên cạnh những ảnh hưởng trên, mẹ bầu mất ngủ có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai tự nhiên, trẻ có thể đối mặt với các nguy cơ như suy dinh dưỡng hoặc mắc các dị tật bẩm sinh.
3. Các biện pháp cải thiện giấc ngủ cho mẹ trong thời kỳ mang thai
3.1 Lựa chọn tư thế nằm ngủ mẹ cảm thấy thoải mái nhất
Mẹ có thể áp dụng tư thế ngủ sau để nhanh chóng vào giấc và có giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm: Nằm nghiêng về phía bên trái, 2 chân hơi cong được cho là tư thế ngủ tốt nhất dành cho bà bầu. Tư thế này giúp lưu thông máu huyết, đồng thời giúp cung cấp oxy và dinh dưỡng cho em bé một cách tốt nhất. Chị em cũng có thể chuyển mình nằm nghiêng bên phải để tránh tình trạng nhức mỏi khi nằm một tư thế quá lâu.
Khi bụng bầu ở những tháng cuối, mẹ có thể sử dụng thêm gối chữ U kê dưới bụng để hỗ trợ. Một chiếc gối ôm nhẹ đặt dưới thắt lưng có thể đem đến cho mẹ bầu cảm giác thoải mái hơn để mẹ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Mẹ lưu ý nên hạn chế nằm ngửa vì có thể gây đau lưng, khó thở cho mẹ bầu, vì thế mẹ nên tránh nằm ngủ với tư thế nằm ngửa trong thời gian dài.
3.2 Áp dụng biện pháp Sleep Hygiene (Vệ sinh giấc ngủ)
Vệ sinh giấc ngủ chính là tạo ra những hành động giúp cải thiện giấc ngủ vào ban đêm. Những thói quen và hành vi sau có thể góp phần giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn:
– Bố trí phòng ngủ sạch sẽ thoáng mát, yên tĩnh
– Nên đi ngủ đúng giờ và nhất quán cố định giờ ngủ vào tất cả các ngày (ví dụ đi ngủ lúc 10h đêm và thức dậy lúc 6h30 sáng hàng ngày)
– Trước khi đi ngủ, mẹ có thể nghe nhạc thư giãn kết hợp tập yoga để nhanh vào giấc hơn
– Hạn chế dung nạp các đồ uống chứa caffein, trà gây mất ngủ, đồ ăn cay nóng đầy bụng.
– Uống đủ lượng nước vào ban ngày, hạn chế uống nước buổi tối để tránh tình trạng đi tiểu đêm
– Cân bằng cảm xúc bằng cách chia sẻ những lo lắng cùng bạn đời hoặc người thân, bác sĩ tâm lý nếu như mẹ thấy căng thẳng quá mức.
Giấc ngủ trong thai kỳ đối với mẹ bầu đặc biệt quan trọng, nó sẽ quyết định đến sức khỏe người mẹ cũng như tình trạng phát triển của thai nhi. Vì vậy, khi gặp tình trạng mất ngủ thai kỳ, mẹ bầu nên tham khảo ngay tư vấn của bác sĩ, tránh để tình trạng kéo dài sẽ gây hệ lụy xấu đến cả mẹ và em bé trong bụng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, mẹ có thể liên hệ tới Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết!