Với phụ nữ nói chung và phụ nữ đang mong muốn có thai thì việc nhận biết sớm các dấu hiệu có thai là điều rất quan trọng. Vì nó giúp các chị em có sự chủ động trong việc chuẩn bị chăm sóc bản thân và gìn giữ sức khỏe. Vậy, làm thế nào để nhận biết mình có thai hay không? Bài viết sau sẽ giúp các chị em có câu trả lời!
Menu xem nhanh:
1. Quá trình thụ thai diễn ra như thế nào
Thụ thai là quá trình xảy ra khi trứng của phụ nữ được gặp tinh trùng. Thông thường, mỗi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, sẽ rụng từ 1 quả trứng. Đây là quả trứng phát triển cả về chất lượng và kích thước. Sau khi rụng, trứng sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng. Trong vòng 24 giờ, nếu có sự giao hợp, trứng được gặp tinh trùng thì sẽ tạo ra hiện tượng thụ tinh, tạo nên phôi thai.
2. Các dấu hiệu có thai
Dấu hiệu có thai hay còn gọi là dấu hiệu mang thai. Đó chính là những thay đổi về cả thể chất lẫn sinh lý trong cơ thể phụ nữ, báo hiệu rằng có một em bé đang dần hình thành và lớn lên trong bụng người phụ nữ. Dưới đây là những dấu hiệu mang thai sớm thường gặp và rất dễ nhận biết.
2.1. Chảy máu âm đạo – Dấu hiệu có thai sớm nhất
Hiện tượng chảy máu âm đạo, hay còn gọi là ra máu báo thai là một trong những dấu hiệu báo thai sớm nhất, nhưng hay bị các chị em lơ là, bỏ qua hoặc bị nhầm lẫn với kinh nguyệt.
Tuy nhiên, máu báo thai thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, khoảng 1 – 2 ngày. Đặc biệt, máu báo thai có màu hồng nhạt, lượng rất ít chứ không phải màu đỏ nâu và chảy ồ ạt như máu kinh nguyệt. Sở dĩ có hiện tượng ra máu âm đạo là do quá trình thụ thai tinh thành công, phôi thai sẽ tìm cách bám vào niêm mạc tử cung và gây chảy một chút máu. Các chị em không thấy có dấu hiệu này cũng không cần lo lắng, vì máu báo thai chỉ xuất hiện ở một số chị em.
2.2. Cơ thể mệt mỏi, thường xuyên choáng váng và chóng mặt
Khi có thai, mẹ bầu phải đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng máu, oxy và dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Cơ thể mẹ đòi hỏi hệ tuần hoàn phải làm việc liên tục để tăng cường lưu thông máu đến tử cung nuôi phôi thai. Bên cạnh đó, tim cũng phải hoạt động với công suất cao hơn, đập nhanh hơn để tăng lượng oxy đến tử cung. Việc cơ thể phải làm việc nhiều hơn, cường độ nặng hơn, khiến mẹ bầu lúc này rơi vào với tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng.
2.3. Đau mỏi lưng
Không chỉ trong các kỳ kinh nguyệt phụ nữ mới bị đau mỏi lưng. Khi có thai, các dây chằng ở lưng người phụ nữ bị kéo giãn ra, cơ bụng trở nên không chắc chắn, lỏng lẻo. Đặc biệt, các cơ quan vùng bụng, vùng chậu sẽ phải hoạt động liên tục để nhanh chóng thích nghi với sự có mặt của thai nhi. Do vậy mà khi mang thai, các mẹ sẽ gặp phải tình trạng đau mỏi sống lưng, đau tức vùng thắt lưng.
2.4. Ngực bắt đầu có sự thay đổi
Mang thai khiến hệ thống nội tiết trong cơ thể phụ nữ thay đổi rõ rệt và lượng máu lưu thông đến bầu ngực tăng đột ngột. Từ đó khiến cho bầu ngực có những thay đổi rõ rệt như: đầu vú chuyển màu thâm sẫm, bầu ngực mềm hơn, lớn hơn, có cảm giác căng tức như có kim châm, đau khi chạm vào hoặc cảm giác ngứa râm ran….
2.5. Ốm nghén – Dấu hiệu có thai phổ biến nhất
Ốm nghén cũng là dấu hiệu nhận biết quen thuộc nhưng không phải ai cũng có. Phần lớn, phụ nữ sẽ gặp phải hiện tượng ốm nghén ở ngay những tuần đầu. Nhưng cũng có những người bị ốm nghén khá sớm, ở ngay những tháng đầu của thai kỳ.
Trên thực tế, vẫn chưa xác định được chính xác những nguyên nhân gây ra ốm nghén. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện tượng ốm nghén xảy ra do lượng hormone Human Chorionic Gonadotropin (HCG), estrogen và cả các hormone thyroxine từ tuyến giáp tăng lên đột ngột.
Ốm nghén diễn ra không cố định, có thể ban ngày hoặc ban đêm, có thể kéo dài chỉ trong một vài tháng, cũng có những trường hợp kéo dài suốt thai kỳ. Ốm nghén đem đến cảm giác vô cùng khó chịu, mệt mỏi cho mẹ bầu.
2.6. Dịch tiết âm đạo có một vài thay đổi
Thông thường, ở một phụ nữ khỏe mạnh, không có bệnh phụ khoa, viêm nhiễm hay nấm ngứa âm đạo thì dịch âm đạo (hay còn gọi là khí hư) có màu như lòng trắng trứng hoặc có thể hơi ngả vàng, không có mùi hoặc mùi tanh nhẹ và đặc biệt không gây ngứa. Tuy nhiên, phụ nữ khi có thai thì dịch âm đạo lại có sự thay đổi: Dịch chuyển sang màu trắng đục nhưng đặc biệt không có mùi khó chịu.
Nhưng nếu chị em nhận thấy khí hư có những dấu hiệu bất thường như sau, thì tuyệt đối không được chủ quan, vì có thể bộ phận sinh dục đang có vấn đề:
– Dịch có mùi hôi
– Dịch có màu vàng, nâu hoặc xanh
– Dịch có lẫn máu
– Có cảm giác ngứa
2.7. Thường bị chuột rút
Cũng giống như đau lưng, nhiều chị em phụ nữ thường chỉ những khi sắp tới chu kỳ kinh nguyệt mới bị chuột rút nên hay bỏ qua và không biết rằng đây cũng là một dấu hiệu có thai. Theo giải thích của các chuyên gia sản khoa, khi bắt đầu có thai, tử cung của phụ nữ bị kéo dãn ra và chèn ép lên các mạch máu ở nửa thân dưới, nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện của một em bé trong bụng. Khi đó, sức nặng của tử cung gây áp lực lên các mạch máu ở chân nên phụ nữ có thai khó tránh khỏi hiện tượng chuột rút trong suốt thai kỳ.
2.8. Thói quen ăn uống bỗng thay đổi
Do có sự thay đổi đột ngột các hormone và nội tiết, khiến cho thói quen ăn uống của phụ nữ khi mang thai có sự thay đổi. Nhiều người, trước khi mang thai không thích, thậm chí sợ một số món ăn. Thế nhưng khi bắt đầu có thai, những người đó không những biết ăn mà còn “cuồng ăn vô độ”. Và nếu chị em phụ nữ nào bỗng dưng cảm thấy thèm hay nghiện món nào đó mà trước đây không thích hoặc chưa từng ăn thì đừng quên mua que thử thai để kiểm tra nhé!
2.9. Táo bón
Hormone progesterone có chức năng “chỉ huy” các hoạt động của hệ tiêu hóa. Khi phụ nữ mang thai, hormone này tăng cao đột ngột và là nguyên nhân khiến các bà bầu bị đầy hơi, táo bón.
2.10. Chậm kinh – Dấu hiệu có thai sớm nhất
Chậm kinh là một trong những dấu hiệu mang thai phổ biến và dễ nhận biết nhất ở các chị em. Bởi lẽ, sau khi trứng được gặp tinh trùng và xảy ra quá trình thụ thai, cơ thể phụ nữ sẽ sản sinh ra hormone HCG ngay lập tức. Hormone này được tiết ra từ nhau thai, nhằm duy trì sự phát triển của thai nhi. Đồng thời, HCG khiến cho lượng trứng tích tụ mỗi tháng bị giảm dần, gây ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, mệt mỏi căng thẳng hay bỗng dưng thay đổi thói quen sinh hoạt cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt, khiến kinh nguyệt đến muộn hơn bình thường. Do đó, để xác định chắc chắn mình có mang thai không, các chị em vẫn nên kiểm tra lại bằng que thử thai.
Chúng tôi hy vọng rằng với những dấu hiệu có thai mà chúng tôi chia sẻ bên trên có thể phần nào giúp các chị em dự đoán về tình trạng mang thai của mình. Tuy nhiên, để có được kết quả chắc chắc nhất, các chị em khi nhận thấy bản thân có một hoặc nhiều các dấu hiệu trên đây, thì nên tiến hành xác định thêm bằng que thử thai hoặc tới gặp bác sĩ để thực hiện siêu âm, xét nghiệm HCG. Phát hiện có bầu sớm sẽ giúp các chị em có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tinh thần, sức khỏe và tài chính, chuẩn bị một thai kỳ mạnh khỏe.