Táo bón là tình trạng không quá xa lạ với các bậc phụ huynh nhưng không phải ai cũng biết cách xử trí đúng đắn. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng trẻ bị táo bón để đây không còn là nỗi ám ảnh của cả mẹ và bé!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu tình trạng táo bón ở trẻ
1.1. Các dấu hiệu cho thấy trẻ bị táo bón
Táo bón ở trẻ là một tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp và rất dễ nhận biết. Những biểu hiện sau đây sẽ giúp mẹ phát hiện sớm xem bé yêu có đang bị táo bón hay không:
– Tần suất đi ngoài của trẻ ít hơn 3 lần/ tuần;
– Trẻ gặp khó khăn trong việc đi ngoài. Mỗi khi đi ngoài, trẻ thường quấy khóc, sợ sệt, mặt gặng đỏ, căng thẳng, gồng mình, rặn mạnh…;
– Phân của trẻ ở tình trạng khô, cứng, sần sùi, vón cục to bất thường;
– Mẹ có cảm giác con đi ngoài nhưng không hết.
1.2. Các loại táo bón ở trẻ
Tình trạng táo bón ở trẻ được chia thành 2 loại khác nhau. Hiểu và phân biệt được điều này sẽ giúp mẹ sẽ có cách xử trí phù hợp. Cụ thể, bệnh được chia thành 2 loại:
– Táo bón chức năng: Tình trạng này đến từ chế độ ăn uống và những thói quen sinh hỏa chưa được khoa học của trẻ;
– Táo bón bệnh lý: Xảy ra khi trẻ mắc phải một số bệnh lý như viêm tiêu hóa, tuyến giáp, hệ thần kinh, phình đại tràng (có thể do bẩm sinh) hoặc các bệnh lý quanh hậu môn… Tình trạng này không quá phổ biến nhưng phụ huynh vẫn nên lưu ý. Bởi lẽ, nếu không xác định được nguyên nhân chính xác thì sẽ không có hướng điều trị phù hợp, gây nhiều biến chứng tiêu cực đến trẻ.
2. Những nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón
Nhiều cha mẹ chủ quan, cho rằng táo bón ở trẻ em chỉ đơn giản là do ăn quá nhiều thức ăn (đặc biệt là đạm) hoặc ăn ít rau, uống ít nước. Quan điểm này không sai nhưng hiện tượng táo bón ở trẻ còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra, bao gồm:
– Sữa công thức mẹ đang dùng cho bé không phù hợp;
– Mẹ không đủ sữa cho bé (Vì hormone motilin trong sữa mẹ có khả năng giúp nhu động ruột của trẻ hoạt động tốt hơn. Do đó, trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu hormone này, dẫn đến việc đi đại tiện sẽ khó khăn hơn.);
– Chế độ dinh dưỡng hằng của trẻ đang bị thiếu nước và thiếu chất xơ – Đây đều là những dưỡng chất giúp ruột già hoạt động tốt hơn, tiêu hóa thức ăn nhanh hơn;
– Trẻ ít vận động hoặc thường xuyên bị căng thẳng, nhất là sau mỗi bữa ăn;
– Mẹ lạm dụng các loại thuốc điều trị các bệnh thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp… trong thời gian dài cũng khiến trẻ bị táo bón.
3. Táo bón ở trẻ em gây ra những hậu quả gì?
Nếu tình trạng táo bón ở trẻ không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm sau:
– Cảm giác đau đớn mỗi khi đi ngoài: Đầy là biến chứng điển hình mà táo bón gây ra. Chính cảm giác đau đớn, khó chịu này khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng, cụ thể là nhiều bé bị lo sợ mỗi khi phải đi vệ sinh. Cứ như thế, trẻ sẽ lười đi ngoài, rồi lại bị táo bón…
– Độc tố tích tụ trong cơ thể: Việc đại tiện đều đặn giúp trẻ đào thải các độc tố ra ngoài nên nếu không đi đại tiện được, các độc tố sẽ tồn đọng lại trong cơ thể của trẻ.
– Nguy cơ các bệnh trĩ nội, trĩ ngoại: Táo bón kéo dài gây ra hiện tượng tăng áp lực ở ổ bụng vì mỗi khi đại tiện, trẻ phải dùng rất nhiều sức để rặn. Từ đó, các búi trĩ sẽ có cơ hội phát triển.
– Chảy máu ở đại tràng: Tình trạng táo bón kéo dài sẽ khiến đại tràng và trực tràng của trẻ bị chảy máu.
– Nguy cơ mắc các bệnh quanh hậu môn như: Nứt kẽ hậu môn, nhiễm trùng ống hậu môn trực tràng, rò hậu môn, áp-xe hậu môn…
– Tăng áp lực trong ruột và tắc ruột: Tình trạng ứ đọng phân lâu ngày lâu ngày có nguy cơ gây tăng áp lực trong ruột và tắc ruột. Lâu dần sẽ khiến trẻ bị đau bụng, chướng bụng, thậm chí là viêm ruột thừa hoặc nguy cơ thủng ruột.
4. Mách mẹ các cách điều trị táo bón cho trẻ
Để việc điều trị táo bón cho trẻ được hiệu quả, cha mẹ hãy lưu ý đến những yếu tố quan trọng sau đây:
4.1. Chế độ dinh dưỡng phù hợp với trẻ bị táo bón
– Chế độ dinh dưỡng khoa học, có sự cân đối giữa các dưỡng chất như chất đạm, chất béo, chất bột và chất xơ;
– Bổ sung đầy đủ các loại hoa quả, rau củ để cung cấp vitamin và chất xơ cho trẻ. Nếu trẻ không chịu ăn rau hoặc trái cây, mẹ hãy chuyển sang ép lấy nước hoặc xay sinh tố;
– Hạn chế các chất tinh bột không có lợi như cơm từ gạo trắng, bánh mì trắng… thay vào đó, mẹ hãy cho bé ăn bánh mì từ gạo nguyên cám, yến mạch hoặc ngũ cốc…
– Khuyến khích trẻ uống đủ nước mỗi ngày, có thể là nước lọc, nước canh rau, nước ép rau củ quả…
4.2. Cho trẻ uống thuốc đặc trị táo bón
Đó là các loại thuốc có tác dụng làm tăng nhu động ruột, giúp phân mềm hơn, trẻ đi ngoài dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho trẻ uống thuốc khi đã cải thiện chế độ dinh dưỡng mà chứng táo bón không cải thiện. Đặc biệt, trước khi cho trẻ sử dụng bất cứ loại thuốc nào, cha mẹ cũng nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để có được những tư vấn phù hợp, hiệu quả.
4.3. Thay đổi một vào thói quen sinh hoạt chưa tốt
– Cha mẹ đừng lơ là, chủ quan, hãy quan sát và theo dõi con, nếu thấy tư thế đi đại tiện của con chưa đúng, cha mẹ hãy chỉnh lại. Tư thế đi vệ sinh khoa học là khi hai đầu gối phải cao hơn phần hông. Nếu bồn cầu cao quá, cha mẹ hãy kê thêm cho một chiếc ghế nhỏ ở dưới chân.
– Bởi trẻ con hay ham chơi nên cha mẹ hãy nhắc nhở con đi đại tiện đúng giờ, không nên nhịn.
– Chia sẻ với con, động viên con rằng táo bón không có gì đáng sợ và đáng xấu hổ. Việc này sẽ giúp trẻ bớt căng thẳng và lo lắng mỗi khi phải đi vệ sinh.
5. Kết luận
Có thể nói, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ bị táo bón. Tình trạng táo bón cũng có thể khiến trẻ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có cách điều trị và phòng ngừa. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho cha mẹ những thông tin cần thiết về chứng táo bón để cha mẹ hiểu hơn và có phương pháp chăm sóc trẻ phù hợp!