Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị cảm cúm phải làm sao?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Cúm có thể biểu hiện rất nhẹ nhàng, cũng có thể biểu hiện rất nặng nề. Chính vì vậy, bố mẹ tuyệt đối không nên vì cúm phổ biến mà chủ quan với bệnh truyền nhiễm này. Trẻ bị cảm cúm phải làm sao, trong bài viết sau, Thu Cúc TCI sẽ chia sẻ với bố mẹ câu trả lời cho câu hỏi này, đừng bỏ lỡ, bố mẹ nhé!

1. Cúm: Những thông tin cơ bản bố mẹ nhất định phải biết

1.1. Nguyên nhân phát sinh cúm là virus Influenza

Virus Influenza được xác định là nguyên nhân phát sinh cúm. Được biết, virus Influenza thuộc họ Orthomyxoviridae, có dạng cầu, đường kính khoảng 80 – 120 nanomet, có ba tuýp là A, B và C. Trong đó, Influenza tuýp A dễ biến đổi, dễ gây ra một đợt dịch cúm nhất. Cúm phát sinh do Influenza tuýp A cũng dễ biểu hiện nặng nề nhất.

Phương thức lây nhiễm cúm không có gì khác biệt so với phương thức lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm cấp tính khác. Cụ thể, thông qua dịch tiết đường hô hấp (dịch mũi, dịch họng), cúm có thể lây từ người sang người theo phương thức trực tiếp hoặc phương thức gián tiếp. Trong đó:

– Phương thức trực tiếp: Dịch mũi, dịch họng người bị cúm chứa virus Influenza trực tiếp dính vào mắt, mũi, miệng trẻ.

– Phương thức gián tiếp: Trẻ tiếp xúc với đồ đạc dính dịch mũi, dịch họng người bị cúm chứa virus Influenza, rồi vô tình sờ/chạm tay lên mắt, mũi, miệng.

Virus Influenza được xác định là nguyên nhân phát sinh cúm.

Virus Influenza có ba tuýp là A, B và C.

1.2. Cúm không có dấu hiệu nhận biết điển hình

Triệu chứng cúm thường xuất hiện sau 1 – 4 ngày trẻ nhiễm virus Influenza và chúng thường khác nhau, tùy thuộc tuổi tác cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi trẻ. Cúm có thể có nhiều triệu chứng nhưng không triệu chứng nào trong số chúng được đánh giá là dấu hiệu nhận biết điển hình. Bởi chúng đều tương đối giống triệu chứng của các bệnh lý viêm đường hô hấp trên và dưới. Dưới đây là tổ hợp những triệu chứng đó:

– Sốt: Một trong những dấu hiệu nhận biết đầu tiên và phổ biến nhất của cúm là sốt. Trẻ bị cúm thường sốt trên 38°C, kéo dài từ 2 – 7 ngày.

– Chảy mũi và nghẹt mũi

– Ho: Trẻ bị cúm có thể ho từ nhẹ đến nặng.

– Đau đầu

– Đau cơ – xương – khớp

– Buồn nôn và nôn

– Mệt mỏi, uể oải

Cúm khiến trẻ mệt mỏi, uể oải, quấy khóc.

Trẻ thường quấy khóc khi bị cúm.

1.3. Viêm màng não là một biến chứng của cúm

Về bản chất, cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp lành tính. Tuy nhiên, khả năng biến chứng của bệnh truyền nhiễm cấp tính này là hoàn toàn có, đặc biệt là nếu cúm phát sinh ở trẻ có bệnh lý mạn tính toàn thân, trẻ miễn dịch yếu hoặc suy giảm. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến của cúm bố mẹ nên biết:

Viêm tai giữa và viêm xoang (Sinusitis): Cúm có thể biến chứng đến viêm tai giữa và viêm xoang, làm tăng áp lực và cảm giác đau tại tai giữa và xoang cho trẻ.

– Viêm phổi (Pneumonia): Virus Influenza có thể tấn công phổi, gây viêm phổi. Viêm phổi biến chứng từ cúm có thể biểu hiện nặng như ho nhiều, tức ngực, khó thở,…

– Viêm cơ da (Myositis) và hội chứng đau cân cơ (Myalgia): Virus Influenza cũng có thể tấn công cơ, gây viêm cơ da và hội chứng đau cân cơ; khiến hệ thống cơ trên cơ thể trẻ đau đớn, suy giảm chức năng vận động.

– Viêm cơ tim (Myocarditis): Khi bị cúm, cơ tim trẻ cũng có nguy cơ bị tấn công bởi virus Influenza. Lúc đó, trẻ sẽ bị viêm cơ tim, chức năng cơ tim suy giảm và phát sinh các biểu hiện đau tức ngực, khó thở,…

– Viêm màng não (Meningitis): Dù không phổ biến, viêm màng não vẫn là một biến chứng của cúm. Viêm màng não do cúm là một biến chứng vô cùng nghiêm trọng, có thể khiến trẻ tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn, không hồi phục.

2. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Trẻ bị cảm cúm phải làm sao?

Cúm khởi phát do virus Influenza nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ bị cúm, việc bố mẹ nên làm là tập trung hạn chế triệu chứng và hỗ trợ cơ thể trẻ “đối phó” với virus Influenza. Theo đó, dưới đây là câu trả lời chi tiết cho câu hỏi trẻ bị cảm cúm phải làm sao:

– Nghỉ ngơi: Bố mẹ phải cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ. Nghỉ ngơi là yêu cầu quan trọng, giúp cơ thể trẻ “chiến đấu” và hồi phục hiệu quả trước virus Influenza.

– Uống đủ nước: Để hạn chế nguy cơ mất nước, duy trì tỷ lệ chất lỏng cần thiết cho cơ thể, bố mẹ phải giữ cho cơ thể trẻ luôn đủ nước, đặc biệt là khi trẻ sốt.

– Ăn đủ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng chất đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, khoáng chất. Thực phẩm trẻ ăn phải được chế biến theo nguyên tắc 3 L – lỏng, lạt, lạnh.

– Sử dụng thuốc hạn chế triệu chứng: Để hạ sốt và giảm đau cơ – xương – khớp bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng Paracetamol (Acetaminophen) hoặc Ibuprofen (không cho trẻ sử dụng Aspirin, thuốc này có thể gây hội chứng Reye ở trẻ chưa đủ 12 tuổi). Để cải thiện tình trạng chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, bố mẹ có thể nhỏ mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý cho trẻ. Mặc dù đều là những thuốc quen thuộc, bố mẹ vẫn nên tham vấn ý kiến chuyên gia về cách sử dụng chúng cho trẻ đúng đắn. Khi tham vấn ý kiến chuyên gia, có thể bố mẹ sẽ được hướng dẫn cho trẻ sử dụng một số thuốc chống virus Influenza như Oseltamivir hoặc Zanamivir. Càng sử dụng các thuốc này sớm, hiệu quả điều trị cúm thu được càng cao.

– Thăm khám và điều trị chuyên sâu với chuyên gia: Trẻ cần được thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín nếu cúm không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu biến chứng.

Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cúm có thể dự phòng đặc hiệu bằng vắc xin. Vì virus Influenza có thể biến đổi theo năm, trẻ nên được tiêm vắc xin dự phòng đặc hiệu cúm mỗi năm một lần.

Giải đáp chi tiết thắc mắc: Trẻ bị cảm cúm phải làm sao?

Trẻ nên được tiêm vắc xin dự phòng đặc hiệu cúm mỗi năm một lần.

Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi trẻ bị cảm cúm phải làm sao. Nếu còn băn khoăn về bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp này, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được giải đáp, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital