Sỏi tiết niệu là một bệnh lý phổ biến, tuy nhiên hiện nay nhiều bệnh nhân vẫn còn băn khoăn: sỏi tiết niệu là gì, bị sỏi tiết niệu có nguy hiểm không, điều trị sỏi tiết niệu thế nào? Bài viết dưới đây sẽ khái quát những thông tin quan trọng về bệnh sỏi tiết niệu đồng thời hương dẫn người bệnh phương pháp điều trị hiệu quả hàng đầu hiện nay.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi tiết niệu là bệnh gì?
Hệ tiết niệu của con người gồm: niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận. Sỏi hình thành tại các cơ quan này được gọi là sỏi tiết niệu. Đa phần sỏi hình thành tại thận và rơi xuống các cơ quan khác trong cơ thể tạo thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
Một trong số các bệnh lý đường tiết niệu phổ biến là sỏi niệu. Căn bệnh này thường phát triển âm thầm và chỉ đến khi sỏi lớn và ngăn chặn nước tiểu thoát ra khỏi cơ thể mới gây ra nhiều triệu chứng để nhận biết, như:
– Người bệnh bị khó khăn trong việc giải phóng nước tiểu ra khỏi cơ thể: Bệnh nhân đi tiểu buốt, nóng rát khi đi tiểu; thường muốn đi tiểu nhiều lần nhưng lại khó đi dứt cơn…
– Nước tiểu của người bệnh có nhiều bất thường: Nước tiểu có màu đậm hơn bình thường, mùi hôi, đôi lúc có bọt và đôi khi có thể có lẫn máu dẫn tới nước tiểu màu hồng nhạt…
– Người bệnh bị đau âm ỉ hoặc đau quặn: Đa phần bệnh nhân sỏi tiết niệu đều có cảm giác đau vùng hông lưng, đau hố thận; cơn đau có thể âm ỉ rồi dứt cơn hoặc cũng có thể đau quặn khiến người bệnh sinh hoạt khó khăn.
– Người bệnh cũng có thể bị sốt hoặc buồn nôn nếu sỏi làm tổn thương hệ tiết niệu gây viêm nhiễm.
Sỏi tiết niệu xuất hiện khi nồng độ chất khoáng và chất cặn trong nước tiểu cao dẫn tới nước tiểu bị cô đặc tạo thành sỏi. Sỏi làm chặn dòng nước tiểu dẫn đến những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Bị bệnh sỏi tiết niệu có nguy hiểm không?
Sỏi tiết niệu khi mới hình thành thường không gây ảnh hưởng quá nhiều và không có nhiều biểu hiện rõ ràng nên người bệnh thường bỏ qua không thăm khám. Đa phần căn bệnh này được phát hiện khi người bệnh chụp chiếu hoặc khám sức khỏe tổng quát.
Nếu để kéo dài, căn bệnh này tiềm tàng nguy cơ dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe và thậm chí là tính mạng của người bệnh:
2.1 Bị sỏi tiết niệu có nguy hiểm không – Ảnh hưởng trực tiếp
Khi bệnh nhân bị sỏi tiết niệu, những biểu hiện và dấu hiệu của bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bệnh nhân, cụ thể:
– Người bệnh bị đau đớn, khó chịu kéo dài dẫn tới cơ thể mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày
– Sức khỏe giảm sút nên tinh thần người bệnh bị giảm, dẫn tới học tập, làm việc và sinh hoạt bij ảnh hưởng.
– Tình trạng sỏi tiết niệu kéo dài, đặc biệt là sỏi thận cũng dẫn đến tình trạng suy giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng.
2.2 Bị sỏi tiết niệu có nguy hiểm không – Những biến chứng nguy hiểm
Trường hợp sỏi phát triển với kích cỡ lớn gây ảnh hưởng đến chức năng tiết niệu, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ biến chứng:
– Viêm đường tiết niệu: Tình trạng viêm nhiễm xảy ra khi sỏi làm trầy xước niêm mạc tiết niệu, vi khuẩn tấn công vào những vết thương này gây nên viêm nhiễm. Đồng thời, nếu viên sỏi liên tục khiến nước tiểu khó thoát ra ngoài, người bệnh có thể tràn ngược nước tiểu về thận và gây nhiễm khuẩn ngược dòng.
– Thận bị giãn, ứ nước tại thận: Khi nước tiểu ứ đọng quá nhiều và quá lâu, người bệnh có thể gặp phải tình trạng giãn đài bể thận, thận bị ứ đọng nước tiểu khó thoát ra ngoài.
– Khi đường tiểu bị tắc nghẽn kéo dài, thận bị nhiễm khuẩn có thể dẫn tới nguy cơ viêm thận, suy thận cấp và mạn tính. Tình trạng này rất nguy hiểm và khó điều trị, trường hợp nguy hiểm nhất, người bệnh còn có thể bị vỡ thận.
3. Điều trị sỏi tiết niệu thế nào nhanh khỏi, an toàn và tiết kiệm?
Bởi những biến chứng nguy hiểm của sỏi tiết niệu, ngay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đi thăm khám sớm để điều trị ngay từ thời điểm ban đầu, tránh những nguy hiểm kéo dài về sau.
Những phương pháp điều trị sỏi tiết niệu điển hình hiện nay gồm có:
– Điều trị nội khoa với thuốc: Phương pháp này được áp dụng với các trường hợp sỏi nhỏ và khả năng tự đào thải ra khỏi cơ thể cao. Phương pháp này điều trị trong thời gian từ 1-3 tháng tùy vào tình trạng sỏi của người bệnh.
– Điều trị tán sỏi: Hiện nay đa phần sỏi tiết niệu được điều trị với tán sỏi không mổ bằng sóng điện từ hoặc laser. Phương pháp này sử dụng máy tán sỏi(với sóng xung kích) hoặc năng lượng laser tán vỡ vụn sỏi sau đó đẩy sỏi ra ngoài theo nước tiểu. Đây là phương pháp được đánh giá cao bởi không cần mổ mở, không xâm lấn, không gây ảnh hưởng cơ quan tiết niệu và không cần nằm viện kéo dài. 4 phương pháp điều trị tán sỏi hiện nay bao gồm:
+ Tán sỏi ngoài cơ thể: không đau, không phẫu thuật, không nằm viện, điều trị trong 30 phút.
+ Tán sỏi nội soi qua da: ít xâm lấn, ít đau, phục hồi nhanh sau điều trị.
+ Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: không đau, không có vết mổ và người bệnh được ra viện sau 24h.
+ Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser: Loại bỏ sạch sỏi thận nhờ ống nội soi mềm và năng lượng laser thông qua niệu đạo, nên không có vết mổ, không để lại sẹo.
– Điều trị mổ mở: Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp điều trị nội khoa và tán sỏi không hiệu quả hoặc tình trạng sỏi của người bệnh phức tạp, được chỉ định mổ mở mới có thể lấy sỏi ra ngoài. Phương pháp này sạch sỏi sau khi mổ, tuy nhiên người bệnh có thể gặp phải biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, thời gian hồi phục lâu hơn…
Bên cạnh đó, để điều trị sỏi hiệu quả nhanh chóng, người bệnh cũng cần kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ.