Dự phòng bệnh ung thư gan bằng 7 bước đơn giản

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Zee Ying Kiat

Bác sĩ Ung Bướu

Ung thư gan là căn bệnh đứng đầu về tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong tại Việt Nam theo số liệu thống kê của Globocan 2020. Bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong điều trị cứu sống người bệnh. Vậy nên chủ động phòng tránh, dự phòng nguy cơ mắc bệnh là rất quan trọng, hạn chế tối đa rủi ro gặp ung thư gan. Cùng tìm hiểu cách dự phòng bệnh ung thư gan thông qua 7 bước đơn giản từ việc giảm các yếu tố nguy cơ trong bài viết dưới đây.

1. Sự nguy hiểm của ung thư gan

Ung thư gan dẫn đến một số biến chứng vì gan là nguồn trao đổi chất, kích hoạt enzyme, lưu trữ khoáng chất và glucose… Do đó, bất kỳ sự bất thường nào ở gan đều dẫn đến chức năng gan bị thay đổi. Người bệnh ung thư gan có thể phải chịu áp lực của khối u tác động lên ống mật hoặc các cơ quan khác, hormone do tế bào ung thư tiết ra và chức năng gan bị trục trặc dẫn đến sự tích tụ chất độc trong cơ thể.

Các biến chứng phổ biến của ung thư gan bao gồm:

– Thiếu máu

– Tắc nghẽn ống mật

– Tăng huyết áp tĩnh mạch cửa

– Tăng canxi máu

– Hội chứng gan thận

– Bệnh não gan…

Dự phòng bệnh ung thư gan bằng cách giảm yếu tố nguy cơ

Ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm, người bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn

2. Dự phòng ung thư gan như thế nào?

Mặc dù không có phương pháp nào ngăn ngừa ung thư gan hoàn toàn tuy nhiên có nhiều cách khác nhau có thể làm giảm cơ hội phát triển của ung thư gan.

2.1 Phòng ngừa và tiêm phòng vắc-xin viêm gan siêu vi

Yếu tố nguy cơ đáng lo ngại nhất đối với bệnh ung thư gan là nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) mạn tính. Những virus này có thể lây lan từ người sang người thông qua đường máu (chẳng hạn như dùng chung bơm kim tiêm), qua quan hệ hình dục không an toàn và qua sinh con.

Vì vậy có thể tránh nguy cơ bị ung thư gan bằng cách tránh không không chung bơm kim tiêm, lựa chọn các đơn vị phun xăm thẩm mỹ uy tín, sử dụng các biện pháp tình dục an toàn.

Đặc biệt quan trọng là khuyến nghị tất cả trẻ em và người lớn từ 59 tuổi trở xuống cũng như người lớn tuổi có nguy cơ mắc nhiễm virus viêm gan B nên tiêm vắc xin HBV để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B mạn tính và ung thư gan.

Không có vắc-xin để dự phòng virus viêm gan C. Ngăn ngừa nhiễm HCV cũng được thực hiện giống như nhiễm HBV ở những người chưa được chủng ngừa, dựa trên sự hiểu biết và tránh một số cách xảy ra các bệnh nhiễm trùng này.

2.2 Kiểm soát và điều trị các bệnh lý ở gan

Nếu một người được phát hiện bị nhiễm HBV hoặc HCV, các biện pháp điều trị và kiểm soát phòng ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng có thể giúp làm chậm tổn thương gan và giảm nguy cơ ung thư.

Trong trường hợp bạn bị viêm gan mạn tính, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa định kỳ để được giám sát thường xuyên bằng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn như siêu âm, chụp CT, MRI.

Xơ gan cũng là một yếu tố nguy cơ gia tăng số bệnh nhân mắc ung thư gan, đây là một căn bệnh trong đó mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng mô sẹo. Điều trị và kiểm soát xơ gan có thể giúp giảm được yếu tố nguy cơ kịp thời, tránh tổn thương gan thêm nặng nề hơn nữa.

2.3 Tránh uống rượu và sử dụng thuốc á

Rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan khoảng 10% mỗi lần uống mỗi ngày và sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư gan khoảng 50%.

Uống rượu có thể làm tình trạng xơ gan trở nên trầm trọng hơn, và gia tăng đáng kể nguy cơ ung thư ở những người bị nhiễm virus viêm gan B hoặc C. Ung thư gan cũng có thể xảy ra ở những người nghiện rượu nặng nhưng không bị xơ gan. Đối với những người nghiện rượu nặng bị xơ gan, nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 10 lần so với những người nghiện rượu nặng nhưng không bị xơ gan.

Hút thuốc lá có liên quan đến nguy cơ ung thư gan cao hơn bởi thuốc lá tạo ra hơn 4.000 hóa chất gây hại cho cơ thể con người – bao gồm cả gan. Vậy nên, nguy cơ ung thư tăng lên theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm người đó đã hút thuốc.

2.4 Duy trì cân nặng khỏe mạnh giảm nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư gan

Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh béo phì là một cách giúp bảo vệ cơ thể, tránh mắc các yếu tố gây ung thư gan. Bởi những người béo phì có nhiều khả năng mắc các bệnh gan nhiễm mỡ, tiểu đường, cả hai đều có liên quan đến ung thư gan.

Trong đó, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), bệnh đặc trưng bởi một loại chất béo gọi là chất béo trung tính tích tụ trong gan, có thể dẫn đến tổn thương. NAFLD có thể gây xơ gan và suy gan. Nó thường xảy ra ở những người thừa cân hoặc béo phì, hoặc những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc hội chứng chuyển hóa đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao, mỡ thừa quanh eo và mức cholesterol bất thường. Với tình trạng béo phì đang gia tăng, NAFLD ngày càng trở thành một yếu tố nguy cơ gây ung thư gan đáng chú ý cần được dự phòng.

Dự phòng ung thư gan bằng cách giảm yếu tố nguy cơ

Luyện tập thể dục thể thao là cách giúp cơ thể khỏe mạnh, cân nặng được duy trì, hoặc giảm cân nếu cần thiết ở người thừa cân, dự phòng ung thư gan.

2.5 Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất gây ung thư

Aflatoxin được tạo ra bởi một số loại nấm mốc trong các loại ngũ cốc và hạt được bảo quản không đúng cách, là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan. Vậy nên chủ động loại bỏ, không ăn các thực phẩm nấm mốc không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe lá gan mà còn bảo vệ sức khỏe tổng quát của bạn.

2.6 Điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ ung thư gan

Một số bệnh di truyền có thể gây xơ gan làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan. Phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý này có thể làm giảm yếu tố nguy cơ. Ví dụ bệnh huyết sắc tố di truyền là một tình trạng đặc trưng bởi sự tích tụ quá nhiều sắt.

2.7 Sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư gan nguyên phát

Xơ gan và một số loại bệnh gan mạn tính, chẳng hạn như viêm gan B mạn tính là hai yếu tố nguy cơ cao phát triển ung thư gan. Thực hiện sàng lọc, tầm soát định kỳ đối với tất cả các đối tượng có các yếu tố nguy cơ là cách giúp phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn đầu ngay cả khi chưa xuất hiện bất kỳ triệu chứng, thời điểm mà bệnh ung thư gan vẫn còn khả năng điều trị cao.

Sàng lọc, tầm soát dự phòng bệnh ung thư gan

Thăm khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc ung thư gan ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ là rất cần thiết

Các xét nghiệm tầm soát ung thư gan bao gồm xét nghiệm AFP, các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ. Bác sĩ chuyên khoa sẽ đề xuất tần suất thực hiện sàng lọc cho mỗi người bệnh dựa trên tiền sử bệnh, sức khỏe, các yếu tố nguy cơ đang có…

Trên đây là các thông tin về phòng tránh bệnh ung thư gan hiệu quả bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hy vọng sẽ mang đến các thông tin hữu ích cho bạn đọc, giúp bạn đọc chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital