Đỡ đau dạ dày nhờ lựa chọn thực phẩm đúng cách

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Một trong những phương pháp giúp đỡ đau dạ dày hiệu quả đến từ việc lựa chọn thực phẩm đúng cách và áp dụng thực đơn ăn uống khoa học. Cùng điểm danh những nhóm thực phẩm tốt mà người bệnh đau dạ dày không thể bỏ qua.

1. Đối tượng nào dễ bị đau dạ dày

Tỷ lệ mắc các bệnh dạ dày nói chung tại Việt Nam chiến tới trên 70%. Đau dạ dày rất phổ biến, có thể gặp phải ở mọi đối tượng, không phân biệt độ tuổi giới tính. Tuy nhiên thì những đối tượng sau sẽ dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn gồm:

– Những người thường xuyên sử dụng rượu bia, hút nhiều thuốc lá và có thói quen uống cà phê khi đói.

– Người ăn nhiều những thức ăn cay nóng, đồ ăn quá chua, thức ăn bị nhiễm độc hoặc không đảm bảo vệ sinh.

– Những người dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm phục vụ điều trị bệnh.

– Những người phải làm việc vất vả, hay cảm thấy chán nản, mệt mỏi quá độ, bị stress kéo dài,…

Đối tượng bị đau dạ dày

Đau dạ dày có thể gặp phải ở mọi đối tượng không phân biệt độ tuổi hay giới tính.

2. Những thực phẩm có tác dụng đỡ đau dạ dày hiệu quả

2.1. Gừng

Gừng được biết đến như một bài thuốc dân gian chữa chứng đau dạ dày, buồn nôn và nôn, được áp dụng rất phổ biến. Bạn có thể dùng gừng ở dạng tươi như một loại gia vị kết hợp cùng các món ăn hằng ngày hoặc cũng có thể sử dụng mứt gừng, viên ngậm, trà gừng để dễ sử dụng hơn.

Gừng có tính ấm giúp giảm nhanh các cơn đau co thắt ở dạ dày. Ngoài ra, hương vị từ gừng cũng giúp giảm triệu chứng buồn nôn hoặc nôn rất tốt.

Sử dụng gừng an toàn, độ lành tính cao nhưng nên sử dụng ở mức điều độ và tham khảo trước ý kiến của bác sĩ vì gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và dễ khiến người dùng bị bầm tím nếu bạn đang dùng các loại thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) như warfarin. Các tác dụng phụ do việc lạm dụng gừng có thể xảy ra như ợ nóng hoặc gây tiêu chảy nhưng những ảnh hưởng này thường khá nhẹ.

Gừng giúp đỡ đau dạ dày

Sử dụng gừng giúp giảm nhanh và hiệu quả các cơn đau dạ dày.

2.2. Nghệ và mật ong giúp đỡ đau dạ dày

Nghệ và mật ong là bài thuốc trị đau dạ dày phổ biến tiếp theo được áp dụng nhiều nhất. Nghệ và mật ong có thành phần chất chống viêm tự nhiên, do đó có thể giúp giảm viêm và giảm đau bao tử hiệu quả.

Người bệnh có thể sử dụng tinh bột nghệ cùng mật ong dưới nhiều cách như pha hỗn hợp trên với nước ấm (tỷ lệ 100ml nước– 10g bột nghệ – 2 thìa mật ong) hoặc trộn mật ong và tinh bột nghệ thành các viên nhỏ như hạt đậu để sử dụng mỗi ngày.

Nên dùng nghệ và mật ong trước bữa ăn, mỗi ngày dùng 2-3 lần. Trong vài tháng bạn sẽ dần cảm thấy tình trạng đau dạ dày được cải thiện rõ rệt.

2.3. Trà hoa cúc

Trà hoa cúc sử dụng hoa cúc thảo mộc pha cùng nước nóng và sử dụng hằng ngày cho hiệu quả điều trị đau dạ dày rất hữu hiệu.

Hoa cúc có đặc tính chống viêm tốt có thể giúp giảm bớt các tình trạng tổn thương như viêm dạ dày, viêm dạ dày ruột, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và IBS,…

Ngoài ra, trong hoa cúc cũng chứa thêm các hợp chất có nguồn gốc từ thực vật như polyphenol, cho tác dụng thư giãn hệ tiêu hóa, giảm nhanh các triệu chứng như khó tiêu, đau bụng kinh, buồn nôn và nôn…

2.4. Bạc hà có tác dụng đỡ đau dạ dày

Trong bạc hà chứa nhiều các hợp chất hoạt tính menthol và methyl salicylate. Đây đều là những chất có tác dụng chống co thắt, làm dịu cơn đau dạ dày và chuột rút.

Pha loãng dầu bạc hà trong nước đôi khi được sử dụng trong điều trị chứng đau dạ dày do IBS, cúm dạ dày và cả dị ứng thực phẩm. Trà bạc hà làm từ thảo mộc khô hoặc tươi cũng mang lại những tác dụng tương tự.

Bên cạnh đó, bạc hà còn giúp dịch tiêu hóa (như dịch mật) di chuyển dễ dàng hơn qua đường tiêu hóa, cho phép thức ăn được phân hủy nhanh hơn. Điều này rất hữu ích trong giảm các triệu chứng đau dạ dày đi kèm táo bón ở những người bệnh bị hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C).

Bạc hà tốt cho người bệnh đau dạ dày

Bạc hà cải thiện tốt các triệu chứng tiêu hóa trong đó có giảm đau dạ dày.

2.5. Nước dừa

Thành phần có trong nước dừa chứa lượng lớn các chất điện giải tốt là kali và magie. Các dưỡng chất này có tác dụng thanh nhiệt và làm giảm nhanh các cơn đau co thắt ở dạ dày.

Không chỉ vậy, nước dừa cung cấp lượng lớn acid, calo và đường hoàn toàn tự nhiên. Nó có tác dụng giúp tăng khả năng kháng viêm, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Vì vậy, với những người muốn cải thiện các vấn đề của hệ tiêu hoá thì nước dừa sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua. Trung bình mỗi người chỉ cần 1 trái/ngày là đủ, không nên uống quá nhiều vì sẽ khiến bạn bị lạnh bụng, khó tiêu.

3. Những lưu ý khác dành cho người bệnh bị đau dạ dày

Việc lựa chọn các thực phẩm tốt cùng chế độ ăn khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đau dạ dày. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý thêm các yêu cầu khác để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

– Trước tiên vẫn cần thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để nắm bắt đúng tình trạng bệnh tình cũng như nhận chỉ định điều trị đúng cách, đúng bệnh.

– Tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị đã được chỉ định bên trên, không tự ý điều trị tại nhà theo các bài thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc.

– Duy trì thói quen ăn uống khoa học, lối sống sinh hoạt lành mạnh.

– Hạn chế việc sử dụng rượu bia và hãy bỏ thuốc lá ngay.

– Giữ tinh thần lạc quan, tích cực, thoải mái. Hạn chế làm việc quá sức, nghỉ ngơi điều độ và không để căng thẳng mệt mỏi kéo dài.

– Vận động thể dục thể thao thường xuyên, tốt nhất nên duy trì tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Trên thực tế, việc thực hiện các cách cải thiện đỡ đau dạ dày là không khó nhưng đòi hỏi tính kiên trì và tuân thủ của mỗi người. Bệnh đau dạ dày tưởng nhẹ nhưng dễ tái phát nhiều lần nên tuyệt đối không thể chủ quan.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital