Điều trị ung thư gan bằng đốt sóng cao tần là một trong những phương pháp mới mang lại hiệu quả cao và có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền thống khác. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn ở bài viết dưới đây bạn nhé.
Menu xem nhanh:
1. Đốt sóng cao tần là gì?
Đốt sóng cao tần, viết tắt là RFA (Radiofrequency Ablation) là phương pháp sử dụng nhiệt được sinh ra từ sóng điện cao tần để tiêu diệt khối u.
Sóng cao tần được sử dụng trong điều trị ung thư gan là sóng âm thanh với bước sóng nằm trong khoảng từ 200 kHz – 1000 kHz.
Hiện nay, đốt sóng cao tần được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý như u tuyến giáp, u gan, u sợi tuyến vú lành tính,…
2. Điều trị ung thư gan bằng đốt sóng cao tần
2.1. Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
Đốt sóng cao tần được chứng minh là cho kết quả tốt khi điều trị những khối u gan có kích thước dưới 5 cm, đặc biệt hiệu quả với những khối u nhỏ hơn 3 cm.
Các trường hợp chỉ định điều trị bằng đốt sóng cao tần cần lưu ý như sau:
– Người bệnh có tối đa 3 u
– Khối u gan nguyên phát hoặc thứ phát có kích thước dưới 3 cm
– Có thể dùng kim chùm 3 điện cực cho các khối u lớn
– Có thể kết hợp điều trị các tổn thương trong quá trình phẫu thuật
– Nếu khối u lớn thì có thể kết hợp hóa trị (ung thư gan di căn), nút mạch gan hóa chất (ung thư gan nguyên phát), hoặc tiêm cồn ngay trong lúc can thiệp.
Chống chỉ định
Chống chỉ định đốt sóng cao tần để điều trị ung thư gan trong các trường hợp sau:
– Mắc bệnh ngoài da ở vùng bị tác động
– Số lượng hoặc kích thước khối u lớn
– Suy gan hoặc xơ gan nặng
– Phụ nữ đang mang thai
– Người bị rối loạn tâm thần
– Người có tiền sử nối mật ruột
– Người bị nhiễm trùng, mắc bệnh phổi nặng
– Người mắc chứng rối loạn đông máu kháng trị
– Khối u ở gần mạch máu lớn, cơ hoành, màng ngoài tim,…
– Người có huyết khối tĩnh mạch cửa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa
2.2. Quy trình điều trị ung thư gan bằng đốt sóng cao tần
Đốt sóng cao tần để điều trị ung thư gan được thực hiện thông qua sự hỗ trợ và hướng dẫn của máy siêu âm hoặc máy chụp mạch số hóa,…
Cụ thể, bác sĩ sẽ sử dụng các loại thiết bị chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí khối u, sau đó đưa một loại kim đặc trị xuyên qua thành bụng vào trong hoặc xung quanh khối u để đốt hủy u.
Kim đặc trị này sẽ phát ra các sóng cao tần bởi nó chứa dòng điện cao tần được truyền từ máy vào. Lúc này, sóng siêu âm sẽ truyền các xung động đến tế bào ung thư, tạo ra ma sát giữa các ion với phân tử nước và sinh nhiệt.
Tổng thời gian thực hiện đốt sóng cao tần thường dao động từ 15 – 40 phút tùy theo từng trường hợp cụ thể. Nhiệt độ của kim đặc trị sẽ được duy trì trong khoảng từ 60 – 100 độ C, đây là nhiệt độ gây đông vón protein, hoại tử và có thể giết chết tế bào ung thư.
Hiện nay, các bác sĩ có thể lựa chọn nhiều loại kim để thực hiện đốt sóng cao tần điều rị ung thư gan. Trong đó loại kim phổ biến nhất chính là kim chùm.
3. Ưu và nhược điểm của đốt sóng cao tần trong điều trị ung thư gan
3.1. Ưu điểm
Phương pháp điều trị ung thư gan bằng cách đốt sóng cao tần dưới hướng dẫn của các công cụ chẩn đoán hình ảnh sẽ cho phép bác sĩ kiểm soát được toàn bộ quá trình thực hiện thủ thuật, hạn chế tối đa các tổn thương ở mạch máu, thần kinh, khí quản, thực quản.
Dưới đây là những ưu điểm mà đốt sóng cao tần có thể mang lại:
– Giảm tối đa kích thước khối u.
– An toàn, không gây tổn thương cho các mô lành xung quanh khối u.
– Kỹ thuật đơn giản, không cần can thiệp gây mê hồi sức phức tạp như khi phẫu thuật cắt khối u gan.
– Thời gian hồi phục nhanh, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường chỉ vài giờ sau khi thực hiện thủ thuật.
– Tỷ lệ biến chứng thấp
3.2. Nhược điểm
Tuy nhiên, đốt sóng cao tần cũng có một số nhược điểm sau:
– Người bệnh có thể có cảm giác khó chịu, thấy đau, nóng rát và nôn ói.
– Hầu như không hiệu quả với những khối u gan lớn.
– Có thể tái phát ung thư gan sau khi điều trị.
Vì vậy, để quá trình điều trị ung thư gan đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh nên thực hiện đúng theo phác đồ cũng như những chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh cũng cần xây dựng và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp với việc nghỉ ngơi và vận động khoa học. Đồng thời luôn giữ tinh thần thoải mái và tâm lý lạc quan để có đủ sức khỏe trong suốt quá trình điều trị và phục hồi.
Đốt sóng cao tần có thể được sử dụng độc lập như một phương pháp chính để điều trị ung thư gan hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị hiện đại khác, điển hình như phương pháp nút hóa chất động mạch gan. Sau khi được thực hiện thủ thuật, người bệnh cần tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa ở các mốc 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng để có thể đánh giá hiệu quả cũng như theo dõi quá trình hồi phục một cách chính xác và khách quan nhất.