Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em an toàn và hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Tiêu chảy cấp khiến sức khỏe của trẻ giảm sút và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng nếu cha mẹ không đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu ngay các chuyên tắc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em an toàn và hiệu quả ngay sau đây.

1. Tiêu chảy cấp ở trẻ là gì?

Tiêu chảy cấp là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ với đặc trưng là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Bệnh khiến sức khỏe của trẻ giảm sút, người mệt mỏi, uể oải, mất sức…

Trẻ đi ngoài phân lỏng, có nhầy hoặc có máu… nhiều hơn 3 lần/ngày được cho là tiêu chảy cấp. Tình trạng này thường kéo dài khoảng vài ngày cho tới 2 tuần, tùy vào từng trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ được xác định là mắc tiêu chảy cấp khi đi ngoài nhiều hơn 5-7 lần/ngày, phân có mùi tanh, có màu xanh, có dịch lạ…

Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng trẻ nhỏ có tỷ lệ mắc cao hơn cả do sức đề kháng và hệ tiêu hóa của trẻ còn kém. Khi bị tiêu chảy, trẻ cần được cha mẹ phát hiện sớm, chủ động đưa đi khám và điều trị đúng cách để nhanh hồi phục, ngăn chặn tình trạng mất nước hoặc gặp biến chứng.

Tiêu chảy cấp là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng quá nhiều lần trong ngày

Tiêu chảy cấp là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng quá nhiều lần trong ngày

2. Nguyên nhân gây bệnh

Tiêu chảy cấp là một bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ, do các nguyên nhân sau gây ra:

– Virus: Một số loại virus thường gặp như Rotavirus, Adenoviruses, Astroviruses, Noroviruses… được cho là các tác nhân thường xuyên gây ra các vấn đề về hệ tiêu hóa và khiến trẻ bị tiêu chảy cấp.

– Vi khuẩn: Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy. Phần đa trẻ mắc tiêu chảy cấp là do các loại vi khuẩn như lỵ trực khuẩn, vi khuẩn thương hàn, E. coli, Bacillus…

– Ký sinh trùng: Ký sinh trùng có hại tồn tại ở ngoài môi trường, nước, đồ vật… tấn công, làm tổn thương hệ tiêu hóa của trẻ phải kể tới chính là Toxoplasma gondii, Giardia lamblia, Cryptosporidium, Toxoplasma gondii, Entamoeba histolytica…

– Ảnh hưởng của các bệnh lý như viêm đường hô hấp, sởi, tay chân miệng, nhiễm trùng tiết niệu… cũng có thể gây ra tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ.

– Dị ứng với các dị nguyên hoặc chịu tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh cũng có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị rối loạn và mắc bệnh.

Theo các chuyên gia, trẻ nào cũng có thể mắc tiêu chảy cấp nhưng trẻ có sức đề kháng kém, sinh sống ở những nơi có môi trường, nguồn nước, dinh dưỡng… không đảm bảo thì thường dễ mắc bệnh hơn.

Virus, vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy cấp

Virus, vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy cấp

3. Triệu chứng tiêu chảy cấp

Triệu chứng điển hình của bệnh tiêu chảy cấp chính là việc trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Trung bình, mỗi ngày trẻ đi ngoài trên 3 lần có thể được cho là mắc tiêu chảy cấp. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể nhận biết bệnh lý ở trẻ thông qua một số dấu hiệu khác như:

Đau bụng

– Bụng có tiếng ọc ọc

– Phân có mùi hôi, tanh

– Buồn nôn, nôn

– Trẻ lười ăn, bỏ ăn

– Sốt nhẹ

– Trẻ mệt mỏi, uể oải

– Quấy khóc…

Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường này, cha mẹ nên đưa bé đi khám sớm. Bởi theo các chuyên gia, việc phát hiện bệnh từ sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp bác sĩ điều trị kịp thời, bảo toàn sức khỏe của trẻ tốt hơn.

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài kèm theo đau bụng, buồn nôn…

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài kèm theo đau bụng, buồn nôn…

4. Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em đúng cách

Bác sĩ sẽ tiến hành khám và kiểm tra để đánh giá mức độ bệnh của trẻ. Thông qua đó, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị phù hợp để trẻ nhanh chóng hồi phục.

4.1. Nguyên tắc điều trị

Trẻ mắc tiêu chảy cấp sẽ được điều trị với phác đồ phù hợp theo mức độ bệnh và thể trạng do bác sĩ chỉ định. Cụ thể:

– Đối với trẻ bị tiêu chảy nhẹ, cha mẹ cần duy trì chế độ ăn đặc biệt, dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa… để bổ sung dinh dưỡng, bù nước cho trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng để bé nghỉ ngơi nhiều để cải thiện tình trạng bệnh.

– Đối với trẻ bị mất nước, nếu tình trạng tiêu chảy diễn tiến nặng hơn khiến trẻ mất nước và khó chịu thì cha mẹ có thể bù nước, bù điện giải cho trẻ bằng Oresol, nước lọc, sữa… Trong trường hợp trẻ không đáp ứng bù nước bằng đường uống, bác sĩ sẽ chỉ định truyền nước, bù dịch qua đường tĩnh mạch để điều trị cho trẻ.

– Sử dụng kháng sinh trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy cho vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, kháng sinh nên được sử dụng với liều lượng phù hợp và hạn chế lạm dụng để không gây ra tình trạng kháng kháng sinh.

– Sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng: chống nôn, giảm tiêu chảy, hạ sốt, giảm đau… để trẻ thoải mái hơn trong quá trình điều trị.

– Sử dụng men vi sinh để tăng cường lợi khuẩn đường ruột, giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn và sử dụng các loại vitamin, khoáng chất cần thiết.

Điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em nên có chỉ định từ bác sĩ bởi việc tự ý sử dụng thuốc cho trẻ có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ có thể điều trị kịp thời, đúng phác đồ giúp trẻ nhanh chóng cải thiện tình trạng tiêu chảy cấp.

Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em bằng việc sử dụng thuốc, bù nước điện giải theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em bằng việc sử dụng thuốc, bù nước điện giải theo chỉ định của bác sĩ

4.2. Chăm sóc đúng cách

Để quá trình hồi phục của trẻ diễn ra nhanh hơn và giảm thiểu nguy cơ bị tiêu chảy cấp trở lại, cha mẹ cần lưu ý:

– Không để trẻ ăn đồ ăn kém vệ sinh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được chế biến kỹ hoặc đồ ăn để lâu ngày bị ôi thiu.

– Sử dụng nguồn nước đảm bảo khi chế biến thực phẩm, nấu nướng và sử dụng trong sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe gia đình.

– Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi từ bên ngoài về nhà.

– Hạn chế để trẻ duy trì thói quen mút tay, ngậm đồ vật, đồ chơi… bởi vi khuẩn, virus có hại có thể trú ngụ và gây bệnh cho trẻ.

– Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ đối với trẻ, không nên thay đổi liều lượng thuốc hoặc tự ý sử dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo và nên đưa trẻ đi khám, tái khám đúng lịch hẹn để kiểm soát sức khỏe của trẻ tốt hơn.

Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ kịp thời sẽ giúp trẻ nhanh chóng ngừng tiêu chảy và khỏi bệnh. Vì vậy, cha mẹ nên cẩn trọng trong việc chăm sóc trẻ để có thể phát hiện sớm các triệu chứng bất thường và đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời để điều trị bệnh lý.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital